Quản lý vỉa hè không thể “mạnh ai nấy làm”

Không phải đến khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về lập lại trật tự lòng, lề đường thì câu chuyện vỉa hè mới trở nên “nóng”. Từ nhiều năm trước, thành phố đã rất nhiều lần quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, nhưng đến nay, việc phân cấp quản lý đang làm cho việc quản lý vỉa hè lâm vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu đồng bộ, thậm chí phát sinh nhiều tiêu cực…

Bề bộn vỉa hè…

Vỉa hè không những có vai trò quan trọng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo cảnh quan kiến trúc của thành phố mà còn là nơi gắn liền với cuộc sống mưu sinh của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu thân phận con người đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, “động đến” vỉa hè là động đến rất nhiều thứ bề bộn, đòi hỏi phải có một phương thức mới nhằm quản lý vỉa hè một cách hiệu quả hơn.

Trước đây, toàn bộ vỉa hè trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh thống nhất quản lý. Tuy nhiên, do phải đảm đương quá nhiều việc, được sự chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông - Vận tải đã tiến hành phân cấp, bàn giao vỉa hè cho quận, huyện quản lý theo địa giới hành chính. Cùng với việc bàn giao, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành các quy định về kỹ thuật liên quan đến việc đầu tư, xây, sửa mới vỉa hè để các quận, huyện có căn cứ thực hiện khi có nhu cầu xây, sửa vỉa hè.

Người đi bộ không còn lối đi (vỉa hè đường Lý Nam Đế, quận 11, TP Hồ Chí Minh).

Song song với quá trình phân cấp quản lý, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện rất nhiều chủ trương nhằm lập lại trật tự cho vỉa hè. Từ năm 2001, thực hiện Nghị định của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, thành phố đã có chủ trương cấm mọi hành vi lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố để họp chợ, trưng bày, bán hàng hóa và treo biển quảng cáo, để vật liệu và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Xây dựng tiêu chí giữ cho vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp vào chương trình thực hiện khu phố văn minh.

Thành phố cũng tạo điều kiện cho người dân có thể kinh doanh bằng cách dành một phần vỉa hè cho người dân có chỗ buôn bán và giữ xe. Phần này được tách biệt với phần vỉa hè dành cho người đi bộ bằng một lằn kẻ màu vàng rõ ràng. Thành phố cũng xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu và đưa ra các tiêu chí trong đó có tiêu chí giữ cho vỉa hè thông thoáng và chính lãnh đạo các quận, huyện phải ký cam kết thực hiện nghiêm túc chủ trương này.

Tuy vậy, điều đáng nói là sau hàng loạt những chủ trương của thành phố, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm cũng không hề giảm. Nhiều tuyến đường không còn vỉa hè, người dân phải xuống lòng đường để đi bộ. Nhiều đoạn, tuyến vỉa hè trở thành “lãnh địa” của nhiều đối tượng kinh doanh lấn chiếm trái phép và là nơi “kiếm lợi” của một số cán bộ phường, quận khi thỏa hiệp cho việc lấn chiếm, kinh doanh. Nhiều hộ kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, để có thể yên ổn kinh doanh, nhất là vào mùa Tết, các cửa hàng kinh doanh này phải đóng “hụi chết” cho các tổ quản lý đô thị phường, quận cảnh sát khu vực… mỗi tháng vài triệu đồng. Không chỉ vậy, nếu nhân sự của phường có biến động, thì họ lại phải “chung chi” lại từ đầu, nếu không hàng hóa bày ra ngoài cửa tiệm một chút cũng bị tịch thu.

Mạnh ai nấy làm

Việc xử lý vi phạm đối với việc người dân lấn chiếm vỉa hè hiện làm theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Việc “mạnh ai nấy làm” thể hiện rõ nhất khi mỗi phường, quận lại có những cách làm khác nhau. Quận này ra quân chấn chỉnh quyết liệt, nhưng địa bàn giáp ranh vẫn “bình chân như vại” nên các đối tượng lấn chiếm vỉa vè chỉ cần “tháo chạy” vài bước sang địa bàn giáp ranh nên mọi việc vẫn đâu vào đấy. Hoặc ngay trên cùng một tuyến đường nhưng chính sách ở lề đường bên trái lại khác xa lề bên phải, vì mỗi phần lề đường lại thuộc một quận khác quản lý. Câu chuyện quận 1 đòi lát lại vỉa hè bằng đá hoa cương với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

Ngay trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, phần lề đường thuộc quận 1 quản lý, toàn bộ vỉa hè đều được lát đá và gạch con sâu khá tươm tất, sạch đẹp, tuy nhiên phần lề đường, vỉa hè của con đường này bên phía quận 3 quản lý lại bị bong tróc, bừa bộn. Phần lớn gạch con sâu lát bên phần vỉa hè này đã bị bong tróc, trơ đất, bụi bặm, cản trở việc đi lại của người dân. Mặc dù nằm ngay khu vực trung tâm thành phố, nhưng cảnh tượng trái ngược nhau giữa hai phần vỉa hè, trên cùng một con đường này đã tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được cải thiện. Tình trạng này vẫn còn khá phổ biến ở các quận khác, nhiều tuyến vỉa vè ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng hư hỏng nặng, chưa có tiền tu sửa. Điều nghịch lý là, nếu chủ trương lát lại vỉa hè bằng đá hoa cương của quận 1 tiếp tục được triển khai thì phần đường quận 1 vốn vẫn đang rất đẹp sẽ được cày xới lên để thay bằng đá. Thực tế, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng đây là sự lãng phí, xa xỉ không cần thiết.

Hoặc mới đây, để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, quận 5 đã tiến hành lắp dải phân cách vỉa hè dành cho người đi bộ. Phần vỉa hè dành cho người đi bộ trở nên thông thoáng hơn do không bị lấn chiếm, tuy nhiên, việc lắp dải phân cách này khiến con đường như bị rào lại, gây khó khăn cho các hộ dân ở đây khi cần đi xuống phần đường Võ Văn Kiệt. Không kể việc lắp dải phân cách cho một tuyến đường nội ô, ngoài việc thêm phần kinh phí đầu tư, nếu các địa phương đồng loạt “thừa thắng xông lên” ứng dụng hình thức này thì giao thông thành phố sẽ ra sao với những con đường nội ô đầy rào chắn hai bên? Rõ ràng, đây cũng là một kiểu làm tự phát, thiếu tính toán khoa học, điển hình cho kiểu “mạnh ai nấy làm” trong chính sách quản lý vỉa hè.

Một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị cho rằng, không nên “cắt khúc” hạ tầng giao thông trong đó có vỉa hè để giao về từng quận, huyện quản lý như hiện nay. Cách quản lý này sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Cụ thể, những quận có nguồn kinh phí dồi dào sẽ tiến hành xây sửa vỉa hè liên tục cho dù vỉa hè còn sử dụng được. Ngược lại có những địa phương, do không có kinh phí nên vỉa hè xuống cấp trầm trọng, cũng không thể sửa chữa, nâng cấp. Ngay trong việc quản lý lấn chiếm vỉa hè cũng cần có một chính sách chung, một quy hoạch tổng thể cho cả thành phố để tránh tình trạng quận này dẹp thì chạy sang quận khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh: Dù Sở Giao thông - Vận tải hay các quận, huyện quản lý thì cũng cần quy trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác quản lý vỉa hè. Đây là điều kiện cơ bản để quản lý vỉa hè tốt hơn. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang diễn ra ngày một nhiều mà chưa có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm, bị kỷ luật chứng tỏ trật tự trên vỉa hè không ai có trách nhiệm hoặc không có cơ chế để buộc ai chịu trách nhiệm.


Lê Hiền
Vấn nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng đường
Vấn nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng đường

Tình trạng kinh doanh, để xe chiếm dụng vỉa hè, lòng đường vẫn ngang nhiên tồn tại dù chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần quyết tâm chấn chỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN