Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ: Công khai và minh bạch

Hiện ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được dưới 50% nhu cầu quản lý, bảo trì đường bộ (BTĐB). Từ ngày 1/6/2012, Quỹ BTĐB bắt đầu vận hành trên cơ sở thu phí sử dụng phương tiện tham gia giao thông của người dân và ngân sách nhà nước cấp bù hàng năm, nhằm đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tài chính cho công tác quản lý, duy trì chất lượng vận hành hệ thống đường bộ cả nước.

Công ty xây dựng giao thông Phú Yên thi công mở rộng quốc lộ 25. Ảnh: Thế Lập -TTXVN


Vấn đề này đang có nhiều ý kiến phản hồi từ phía các cơ quan liên quan, cũng như dư luận xã hội, nhất là quy định mức phí thu, cách quản lý và sử dụng quỹ, phương thức hoạt động của cơ quan quản lý quỹ... Có thể thấy, công khai và minh bạch là hai yếu tố cốt lõi để đảm bảo quỹ vận hành hiệu quả.

Sự cần thiết của quỹ

Nguồn vốn ngân sách để quản lý, BTĐB hiện thiếu hụt lớn so với nhu cầu, trong khi lưu lượng phương tiện gia tăng quá nhanh đang khiến tài sản đường bộ mất đi từng ngày và chất lượng giao thông ngày càng thấp, thiếu an toàn. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), chất lượng hệ thống đường bộ nước ta xếp vào loại thấp nhất thế giới. Đường tốt chỉ chiếm 43%, còn lại chất lượng trung bình chiếm 37%, đường xấu và rất xấu chiếm 20% và hiện còn tới hơn 700 cầu yếu trên mạng lưới quốc lộ, chưa kể hệ thống đường bộ đang phải đối mặt với tình trạng xuống cấp dây chuyền do nhiều tuyến đường sử dụng đã lâu, thường xuyên chịu tác động của thiên tai và thiếu sự quản lý của các cơ quan hữu quan.

Thực tế nhiều năm qua, vốn dành cho BTĐB thiếu hụt lớn và liên tục kéo dài năm này qua năm khác. Vì vậy, công tác bảo dưỡng thường xuyên không được thực hiện theo đúng kỳ hạn, lưu lượng xe lại tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, đã khiến hệ thống cầu đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Trong tình trạng vốn ngân sách cấp cho quản lý bảo trì luôn thiếu, Tổng cục ĐBVN luôn bố trí ưu tiên số 1 cho bảo dưỡng thường xuyên, song cũng chưa bao giờ đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế. Ví như: Kinh phí dành cho sửa chữa mặt đường bê tông nhựa khu vực miền núi có đơn giá bảo dưỡng thường xuyên quy định khoảng gần 77 triệu đồng/km/năm, nhưng mức quy định mới của năm 2011 cũng chỉ đạt được khoảng 30 triệu đồng/km/năm. Đây là tình trạng chung đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ trên cả nước.

Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, hệ thống vận tải đường bộ hiện nay đảm nhiệm tới 80% nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa của cả nước. Sức ép phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền lên hạ tầng giao thông đường bộ là rất lớn, trong khi kinh phí đầu tư rất hạn hẹp, kể cả đầu tư xây dựng mới và quản lý bảo trì. Hệ thống đường bộ cũng là tài sản lớn của quốc gia, để vận hành một khối lượng tài sản lớn như vậy mà chỉ dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cấp sẽ không đáp ứng nổi, vì hệ thống đường sá sẽ mau chóng bị hư hỏng xuống cấp. Do đó, có thể nói Quỹ BTĐB chậm “ra đời” ngày nào, đường mất thêm tiền ngày đó.
Cũng theo Tổng cục ĐBVN, hiện với ngân sách nhà nước cấp trên 2.500 tỷ đồng mỗi năm, mới chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu quản lý bảo trì cho quốc lộ và tùy ngân sách từng địa phương chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu quản lý bảo trì đường địa phương. Do đó, tình trạng sửa chữa hiện nay mang tính giật gấu vá vai, chỉ ứng cứu những đoạn hư hỏng mà không thực hiện được sửa chữa đúng định kỳ. Cầu đường đã đến kỳ sửa chữa nhưng không có vốn nên xuống cấp rất nhanh.

Tại cuộc họp triển khai Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ BTĐB mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Quỹ BTĐB sẽ đưa vào hoạt động đúng thời hạn quy định. Mức phí, cách thức thu chi và bộ máy điều hành Quỹ BTĐB đã được Bộ GTVT dự thảo và dự kiến sẽ thống nhất với Bộ Tài chính, cũng như ban hành các văn bản pháp lý cần thiết để hướng dẫn chế độ thu, quản lý thu phí sử dụng đường bộ trong tháng 4/2012. Nguồn Quỹ BTĐB chủ yếu từ phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gồm ô tô và xe gắn máy) và ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và địa phương). Quỹ BTĐB là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương. Theo đề xuất, mức phí được dự kiến gồm 7 mức với từng loại ô tô, thấp nhất từ 180.000 đồng/tháng/xe, cao nhất là nhóm xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên 1,44 triệu đồng/tháng/xe.

Công khai và minh bạch

Theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP, nguyên tắc phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ là: Phí sử dụng đường bộ thu được đối với xe gắn máy tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Trên cơ sở số kinh phí phân chia cho các Quỹ địa phương nêu trên, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phân chia kinh phí cho từng Quỹ địa phương căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương. Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho Quỹ trung ương, Quỹ địa phương phù hợp với từng thời kỳ căn cứ theo đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính.

Theo đó, Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ. Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nội dung chi của Quỹ bao gồm 4 đầu mục: Chi bảo trì công trình đường bộ; chi cho các nhiệm vụ quản lý công trình đường bộ; chi hoạt động của bộ máy quản lý quỹ; các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì và quản lý công trình đường bộ do Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định.

Cũng theo nội dung Nghị định 18/2012/NĐ-CP, hàng năm, Hội đồng Quản lý Quỹ lập kế hoạch tài chính thu chi (trong đó xác định rõ phần ngân sách Nhà nước bổ sung) gửi ngành GTVT và Tài chính các cấp. Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ Trung ương theo quy định; xem xét đề xuất của Hội đồng Quản lý Quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu và việc sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của quỹ để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ giữa Quỹ trung ương và Quỹ địa phương cho phù hợp với từng thời kỳ.

Để đảm bảo Quỹ BTĐB hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch theo đúng lộ trình, Bộ GTVT dự kiến từ 1/6/2012, khi triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô tại hệ thống các trạm đăng kiểm, sẽ loại bỏ các trạm thu phí cầu, đường do Nhà nước quản lý. Riêng những trạm thuộc các dự án BOT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh) sẽ vẫn tồn tại và chỉ loại bỏ sau khi đến hạn chuyển giao. Tổng cục ĐBVN hiện đang thí điểm triển khai trên diện rộng công tác đấu thầu công khai việc quản lý sửa chữa đường bộ, xã hội hóa công tác quản lý, BTĐB theo mục tiêu chất lượng-minh bạch công tác đấu thầu, kiểm tra nghiệm thu, thanh toán.

Việc ra đời Quỹ BTĐB là xu hướng phát triển tất yếu trong tiến trình xã hội hóa các nguồn lực phục vụ công tác quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ nước ta hiện nay. Quỹ BTĐB cũng đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua. Hiện tại, có không ít ý kiến đang phản ứng về việc thu phí này. Tuy nhiên, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, mỗi người dân muốn đi đường tốt thì cần có trách nhiệm chung tay với Nhà nước bảo dưỡng đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN