Quản lý phòng khám có bác sĩ Trung Quốc còn nhiều bất cập

Việc xử phạt các phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhất là những phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, chưa đủ mạnh nên diễn ra tình trạng rút giấy phép nơi này thì chuyển sang nơi khác hoạt động. Điều này đã khiến không ít người dân hứng chịu cảnh "tiền mất, tật mang" từ những phòng khám này.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 8/12, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bức xúc cho rằng hàng ngày vẫn còn nhiều bệnh nhân bị các phòng khám Trung Quốc lừa, nhẹ thì mất vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, còn nặng hơn thì bị tai biến. Do đó, hàng ngày các bệnh viện công vẫn phải tiếp nhận các nạn nhân của những phòng khám này. Chẳng hạn tại bệnh viện Bình Dân một ngày có khoảng 2-3 bệnh nhân, còn bệnh viện Phụ sản Quốc tế một ngày cũng đến cả gần 10 bệnh nhân đến điều trị.


 "Tình trạng trên tồn tại hết năm này sang năm khác, người dân kêu cứu, báo chí phản ánh nhiều nhưng đâu vẫn vào đó. Sở Y tế quản lý như thế nào mà để các phòng khám này vẫn tiếp tục lộng hành và quảng cáo công khai và Sở Y tế đã có những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng trên?", đại biểu Tố Trâm đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết Sở Y tế kiên quyết sẽ quản lý chặt chẽ các phòng khám bệnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trâm, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết công tác quản lý ngành nghề y tế tư nhân trên địa bàn thành phố rất phức tạp. Hiện Sở cấp phép hành nghề cho hơn 40.000 trường hợp, trong đó có đội ngũ bác sĩ, y sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng; đồng thời cấp phép cho phòng khám đa khoa gần 200 trường hợp và 4.500 phòng khám tư nhân, các đối tác nước ngoài trực thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế trong cấp phép hành nghề. Đối với những phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó có phòng khám Trung Quốc một năm thanh tra Sở kiểm 4- 5 lần.


"Đối với những phòng khám Trung Quốc rất khó quản lý bởi những phòng khám này thường dính đến đông y. Bên cạnh đó, người dân đa số là những người lao động khó tiếp cận với dịch vụ y tế, dễ tin vào quảng cáo, trong khi đó các phòng khám này lại quảng cáo khá rầm rộ", ông Bỉnh nói.


Bên cạnh đó Giám đốc Sở Y tế cũng thừa nhận: "Phải nói rằng việc quản lý các phòng khám có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập. Dù Sở kiên quyết trong việc xử phạt các cơ sở y tế vi phạm nhưng chế tài xử phạt vẫn còn thấp, có những phòng khám bị xử phạt tới 900 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động nhưng họ vẫn chấp nhận. Các phòng khám chấp nhận bỏ cơ sở cũ chuyển sang đầu tư một sở mới và tiếp tục hoạt động theo hình thức cũ".


Với nhiều bất cấp được đề cập như trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh vẫn khẳng định: "Dù bất cập thế nào Sở Y tế cũng sẽ kiên quyết quản lý chặt chẽ không chỉ các phòng khám có yếu tố nước ngoài mà cả các phòng khám trong nước".


Theo Sở Y tế, từ ngày 9 - 22/11 vừa qua, Sở đã kiểm tra 20 phòng khám, trong đó có hơn nửa số lượng phòng khám dưới mức trung bình so với tiêu chuẩn ngành y tế đặt ra. Những vi phạm chủ yếu của các phòng khám này thường không lập hồ sơ bệnh án, cấp đơn thuốc... 


Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, đầu năm 2017, ngành y tế sẽ có cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ các chi tiết, trong đó có hệ thống hành nghề, chứng chỉ hành nghề của gần 40.000 cán bộ nhân viên y tế, chức năng hoạt động của các phòng khám, tên phòng khám... để các cơ sở y tế địa phương quản lý cũng như người dân có thể tìm hiểu và biết chức năng hành nghề của các phòng khám đó khi đi khám.

Đan Phương
Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa
Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa

Ngành y tế tỉnh Bạc Liêu đang triển khai các biện pháp nhằm tăng cường phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết giao mùa, nhất là các bệnh viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN