Quán cà phê đặc biệt ở Hà Nội, khách gọi món bằng tay

Mỗi nhân viên làm việc tại quán cà phê đặc biệt này đều được gọi là Flower - "bông hoa". Khách đến quán sẽ gọi món bằng cách ra ký hiệu tay, nhân viên phục vụ sau khi mang đồ cho khách khẽ cúi lưng, đưa tay chụm lên miệng rồi mở bung ra phía trước thay lời “cảm ơn”.

Ngôi nhà của các bạn trẻ khiếm thính

Quán nhỏ yên tĩnh, nằm trên con phố Thể Giao (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cà phê Flow-ee là “ngôi nhà” của các bạn trẻ khiếm thính. Giơ tay chào chúng tôi theo ngôn ngữ ký hiệu, bạn Trần Ngọc Mai, nhân viên của Flow-ee đưa bảng menu mời khách chọn món rồi nở nụ cười thật tươi thể hiện sự vui vẻ chào mừng.

Sau khi nhận được “order”, Mai quay lại quầy, từng động tác thành thục pha chế đồ uống theo yêu cầu khách. Hỗ trợ Mai có hai bạn trẻ khác là Dương và Hà, cũng là người khiếm thính. Ba người, mỗi người một nhiệm vụ, người đi dọn dẹp bàn, người gọt hoa quả, người pha chế đồ, nét mặt cả ba người luôn thể hiện sự vui vẻ.

Đón tiếp chúng tôi, Ngô Quốc Hào (sinh năm 1996) là CEO của Flow-ee, kiêm “người phiên dịch” cho biết, Flow-ee là dự án khởi nghiệp của Hào và 7 cổ đông khác. Mục đích nhóm mở quán cà phê này để tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính, tạo ra giá trị cho cộng đồng.

“Tất cả thành viên của nhóm bằng cách này hay cách khác đều có tiếp xúc, làm việc với các bạn khuyết tật, khiếm thính. Ý tưởng mở quán là của một thành viên trong nhóm khởi xướng, bản thân chị cũng là người ngồi xe lăn, công ty do chị làm chủ cũng có 30% nhân viên là người khuyết tật, khiếm thính. Khi chị nêu ý tưởng muốn mở quán cà phê để cho các bạn khiếm thính có môi trường năng động, sáng tạo hơn thì cả nhóm đều đồng tình, và Flow-ee ra đời. Tại quán, tất cả các bạn nhân viên đều được gọi là Flower - bông hoa”, Ngô Quốc Hào chia sẻ.

Chú thích ảnh
Quán cà phê Flow-ee là ngôi nhà chung của nhiều người khiếm thính.
Chú thích ảnh
Bên ngoài quán và tại quầy đều có bảng chỉ dẫn cho khách đến.
Chú thích ảnh
Nhân viên tại đây đều là các bạn khiếm thính.
Chú thích ảnh
Các bạn trẻ rất nghiêm túc trong công việc.

Nói về tên khá đặc biệt của quán “Flow-ee”, Hào cho biết, Flow nghĩa là dòng chảy, ngay cả thiết kế của quán cũng đều là những đường uốn lượn, dòng chảy, thể hiện sự lên - xuống, thăng - trầm. Đó là những khó khăn mà các bạn khuyết tật phải đối mặt, và những đường đi lên đó là sự sáng tạo, niềm vui của các bạn khi có được môi trường để thể hiện năng lực của mình. Màu sắc của quán chủ đạo là màu xám và màu vàng, màu xám giống như nốt trầm, những khó khăn trong cuộc sống còn màu vàng là sự tươi mới, vui vẻ. 

Định hướng của Flow-ee là làm sao đảm bảo môi trường làm việc an toàn, sáng tạo cho các bạn khuyết tật, khiếm thính. “Rất nhiều người hỏi bọn em, tại sao lại chọn các bạn câm điếc làm nhân viên phục vụ mà không chọn các bạn khuyết tật khác? Chúng em nghiên cứu, nhóm người điếc là một trong những nhóm người dễ tổn thương nhất, người câm thì vẫn nghe được nhưng khi đã điếc thì họ không nói được, chỉ phát  ra được âm thanh, chính vì vậy, nhóm này cần có thêm cơ hội và đó là một trong những định hướng và tạo việc làm và môi trường an toàn cho các bạn”, CEO của Flow-ee cho hay.

Trong những ngày đầu mở quán, nhóm gặp không ít khó khăn, bởi tất cả các thành viên của nhóm đều đã có công việc riêng nên việc bố trí dành thời gian để phát triển quán bước đầu khá khó khăn. Sau đó, các thành viên đều cố gắng bố trí thời gian để có mặt tại quán hỗ trợ các “Flower”.

Hiện tại, quán cà phê có 6 “Flower” khiếm thính chia làm 2 ca, mỗi ca 3 người, đều là các bạn trẻ  từ 21- 33 tuổi. Hầu hết các bạn trẻ này đều đã từng làm các công việc khác nhau như dệt may, giặt là quần áo, bán hàng ở siêu thị, pha chế… Cơ duyên để các bạn khiếm thính đến với Flow-ee là qua một tổ chức phát triển hòa nhập, đào tạo và tiếp nhận các bạn khuyết tật. 

Tâm huyết từ những món đồ uống độc đáo

Qua người quản lý kiêm phiên dịch, “Flower” Trần Ngọc Mai chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, bị câm điếc bẩm sinh. Hiện nay Mai đã có gia đình, chồng Mai cũng là người câm điếc, hiện hai vợ chồng sinh sống ở Hà Nội. 

Chú thích ảnh
“Flower” Trần Ngọc Mai và món bingsu lá nếp - một trong những món độc đáo của quán.
Chú thích ảnh
Tại Flow-ee có một góc nhỏ dành cho khách hàng.
Chú thích ảnh
Lời cảm ơn và cảm xúc của khách hàng khi đến quán.

Cơ duyên, Mai trở thành nhân viên của Flow-ee. “Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy có nhiều niềm vui. Công việc của tôi là pha chế cà phê, kem bingsu, pha trà, pha chế trà mục đích cuối cùng làm sao cho khách hàng cảm thấy ngon miệng”, Mai chia sẻ.

Pha chế đồ uống là đam mê của Mai, cô đã học và có 3 bằng pha chế, cô cũng từng làm việc ở nhà hàng. Trong quá trình làm việc, Mai vừa tìm hiểu công thức và học pha chế trong thời gian rảnh. Khi làm việc tại Flow-ee, cô được đào tạo nghiệp vụ pha chế đồ uống và quy trình đón khách...

Nhiều khách hàng khen đồ uống ngon, hài lòng. Điều này giúp Mai thấy hạnh phúc vì được công nhận, mình có thể làm tốt công việc như bao người khác.

“Chồng tôi rất ủng hộ tôi làm việc ở đây, khách hàng rất thân thiện, các đồng nghiệp rất vui vẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, làm việc ở đây tôi được nhận mức lương cao hơn nhiều so với trước đây”, Mai chia sẻ với nụ cười hạnh phúc rạng ngời.

Sức hút của Flow-ee không chỉ bởi không gian trẻ trung, thoải mái mà còn nằm ở đồ uống độc đáo. Đó là món bingsu, sự kết hợp hoàn hảo giữa sự ngọt ngào thơm mát từ món kem tuyết cùng sự cay nhẹ, thơm nồng của các loại rượu. Cùng với đó là món cà phê chanh, cà phê cam, cà phê tiramisu sáng tạo, mới lạ và độc đáo.

Món bingsu ở Việt Nam chưa nhiều người làm nên quá trình làm món này khá khó khăn. Ý tưởng ban đầu của nhóm là làm món kem tươi kết hợp với rượu, nhưng sau quá trình thử nghiệm, đã cho ra đời món kem tuyết vị trái cây tươi kết hợp với nhiều loại rượu khác nhau. Mỗi cốc bingsu chỉ thêm một chút rượu để khách từ từ thưởng thức từng thìa nhỏ.

Chú thích ảnh
Mỗi món đồ uống đều là tâm huyết của các bạn khiếm thính.
Chú thích ảnh
CEO kiêm "người phiên dịch" Ngô Quốc Hào đang dịch những lời nhân viên chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Chú thích ảnh
Quán cà phê đặc biệt đã trở thành điểm hẹn của nhiều bạn trẻ, người khuyết tật, khiếm thính.

“Để làm ra các vị bingsu lá nếp, bingsu dưa hấu… nhìn tưởng rất đơn giản nhưng thời gian đầu, trong 2 tháng liền, ngày nào nhóm cũng tập trung từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm để làm sao tìm ra công thức kết hợp phù hợp nhất giữa sản phẩm kem và rượu và thành quả là một menu rất độc đáo, rất riêng của Flow-ee. Tất cả kem và rượu đều được bày trong cốc nhỏ vừa đủ để thưởng thức”, Ngô Quốc Hào - CEO của Flow-ee cho hay.

Mặc dù mới mở được thời gian ngắn, nhưng quán cà phê đặc biệt này đã thu hút lượng lớn khách hàng đến với quán. Khách hàng đến quán rất đa dạng, là người thân, bạn bè của các thành viên, có cả du khách nước ngoài, đặc biệt là rất đông trẻ em, người khiếm thính tới đây. Nhiều bạn trẻ và các em nhỏ đến đây nhờ Hào và các thành viên của nhóm dạy họ cách chào, cách cảm ơn các "Flower" vì đồ uống rất ngon. Đây là sự hưởng ứng rất bất ngờ và từ sự hưởng ứng đó thì quán sẽ mở workshop dạy ngôn ngữ ký hiệu miễn phí, nhân viên tại quán sẽ dạy cho các bạn về ngôn ngữ ký hiệu.

“Ngày trước, em nghĩ rằng các bạn khiếm thính sẽ bức bí và không bộc lộ hết tiềm năng của mình nhưng các bạn đã tương tác với khách hàng rất tự nhiên. Các “Flower” đã cho em và các khách hàng thấy, họ không bé nhỏ hay đáng thương mà ngược lại, họ rất năng động, trẻ trung và mang lại cho nhiều người năng lượng tích cực mỗi khi tới đây”, CEO của Flow-ee không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ với chúng tôi.

Hiện tại, Flow-ee bán tại cửa hàng và bán mang đi, thời gian tới, quán sẽ bán thêm online và mở thêm một cơ sở mới tại Sài Gòn, với mong muốn lan tỏa giá trị cho cộng đồng.

Tạ Nguyên - Thu Trang/Báo Tin tức
Chàng trai 'nấm lùn' khởi nghiệp bằng chăn nuôi, hai chị em khiếm thính mở phòng tranh 'Tự Lực'
Chàng trai 'nấm lùn' khởi nghiệp bằng chăn nuôi, hai chị em khiếm thính mở phòng tranh 'Tự Lực'

Tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn người khuyết tật. Mặc dù trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên, khẳng định mình trước nghịch cảnh, có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần khơi dậy niềm tin, tinh thần vượt khó vươn lên cho những người cùng cảnh ngộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN