Quá chồng chéo khi xử lý xe quá tải

Tình trạng xe quá tải đã giảm đến 90% trên các tuyến đường của cả nước, nhưng khoảng 10% còn lại theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam là rất khó xử lý, vì chủ yếu đây là các xe chạy nội tỉnh, cố tình hoạt động với đủ chiêu trò.

Vẫn ngang nhiên tung hoành

Tuyến đường tỉnh lộ 491 chạy qua TP Phủ Lý (Hà Nam) hiện có cắm biển cấm xe trọng tải trên 16 tấn tại vị trí vào ra của tuyến đường, nhưng hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt xe quá tải ngang nhiên chạy qua. Theo phản ánh của người dân, tại một số thời điểm trong ngày khi lực lượng liên ngành Thanh tra - Cảnh sát giao thông nghỉ ngơi thì những xe này đua nhau vượt biển cấm. Các xe quá tải chủ yếu chở vật liệu xây dựng, đất đá, phóng bạt mạng, lấn làn đường, không chỉ gây mất an toàn giao thông, mà còn tạo ra nhiều khói bụi, khiến người tham gia giao thông trên tuyến và người dân nơi đây bức xúc. Tuyến đường 491 thì ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Lực lượng cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường.

Bà Nguyễn Thị Hải, người dân ở xã Nhân Đạo gần tuyến đường cho biết: “Hầu hết các xe không phủ bạt, chạy ẩu, làm đất cát rơi vãi lung tung, bụi bay khắp đường. Nhiều xe còn phóng nhanh bóp còi “inh ỏi”, nhiều hộ dân có nhà gần mặt đường như chúng tôi đều phải đóng cửa kín mít...”.

Qua tìm hiểu, những đoàn xe quá tải này thường chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm chạy qua tỉnh lộ 491 đi các huyện khác tiêu thụ. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Đội trưởng đội CSGT huyện Lý Nhân (Hà Nam) phụ trách tuyến đường này, do địa bàn huyện Lý Nhân rộng, lực lượng mỏng, nên hiện chưa xử lý hết được tình trạng xe quá tải hoành hành. Tuy nhiên, qua quan sát của phóng viên, nếu lực lượng chức năng chốt chặn hai đầu tuyến đường kiểm soát, xử lý kiên quyết, thì xe quá tải không thể hoạt động.

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện trao đổi: Với nhiều biện pháp quyết liệt, vi phạm xe quá tải hiện nay tại các địa phương đã giảm đến 90%. Số lượng xe quá tải hiện chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là các xe chạy nội tỉnh. Tuy nhiên, việc xử lý những xe quá tải còn lại hiện nay vẫn rất gian nan. “Từ nay đến hết năm 2016, lực lượng chức năng các địa phương còn phải quyết tâm nhiều hơn nữa, mới mong xóa được “văn hóa xe quá tải”, ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ.

Phân cấp, phân quyền xử lý rõ ràng

Nhiều lãnh đạo Sở GTVT địa phương cho rằng: Hiện nay, công tác kiểm soát tải trọng xe giữa các lực lượng chức năng ở địa phương chưa rõ ràng. Cũng chưa có hướng dẫn cụ thể ai chịu trách nhiệm kiểm soát trên tuyến đường nào, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông hay chuyên viên của các Sở GTVT, các Cục Quản lý đường bộ... Chính điều này tạo ra kẽ hở cho xe quá tải vẫn hoạt động, tại nhiều thời điểm, nhiều địa phương, khi những lực lượng này “vắng bóng”.

Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên Nguyễn Văn Vịnh, để xác định và xử lý được một xe quá tải không hề đơn giản. Vì vậy, ông Vịnh đề nghị khi phát hiện được các trường hợp vi phạm, cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng, kể cả công an cơ sở tại xã, huyện, tỉnh. Để xử lý dứt điểm số lượng xe quá tải hiện còn, sự phân cấp rõ ràng để không chồng chéo khi thực thi nhiệm vụ giữa các lực lượng là rất cần thiết.

Ở góc độ quản lý, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng quá tải, nhưng lại chưa thực hiện việc hậu kiểm, nên đến nay không biết liệu có bao nhiêu doanh nghiệp ký cam kết chấp hành không vi phạm...

Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận: Hiện vẫn còn vướng mắc trong công tác kiểm soát tải trọng xe tại một số địa phương, nhất là những bất cập trong phân công, phân nhiệm giữa các cấp, ngành. Kể cả trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng có những vấn đề cần khắc phục. Việc đầu tư trang thiết bị, chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên ngành khi làm nhiệm vụ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, theo ông Dũng, từ nay đến cuối năm 2016, để xử lý hiệu quả xe quá tải, ngoài việc tập trung quyết liệt kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm kích thước thành thùng hàng, lập biên bản, xử phạt nặng để răn đe, cần có sự thống nhất phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ. Bộ GTVT đã thống nhất giao toàn bộ trách nhiệm việc kiểm soát, dừng xe, lập biên bản tại các trạm cân cho lực lượng cảnh sát giao thông, vì vậy lực lượng cảnh sát giao thông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường. Lực lượng Thanh tra giao thông chỉ khi thực sự cần thiết mới tham gia phát hiện, xử lý và tập trung tại các chân hàng, nguồn hàng.

“Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương sẽ tăng cường hậu kiểm việc doanh nghiệp ký cam kết không chở quá tải và thông báo cho địa phương biết. Nếu địa phương nào không có chuyển biến, cần phải truy trách nhiệm đối với lực lượng tại địa phương đó”, ông Dũng cho hay.
Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Nhiều địa phương vẫn còn xe quá tải hoạt động
Nhiều địa phương vẫn còn xe quá tải hoạt động

Ngày 11/4, thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, mặc dù Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Thanh tra đường bộ các địa phương đã tập trung tuần tra, truy bắt và xử lý xe quá tải, nhưng nhiều đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN