Phú Thọ: Dân không dùng nước máy do giá cao

Công trình nước sạch xã Phượng Mao nằm trong Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) với tổng số vốn hơn 3 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư.

Khởi công từ năm 2011, đến cuối năm 2012, công trình chính thức được đưa vào khai thác, cung cấp nước sạch cho gần 120 hộ dân khu tái định cư xã Phượng Mao. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động được vài tháng, công trình đã dừng hoạt động do người dân không mặn mà với việc sử dụng nước máy.

Công trình cấp nước sạch Phượng Mao bị bỏ hoang. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Bí thư Chi bộ khu 4, xã Phượng Mao Bùi Đức Thiện chia sẻ: Nguyên nhân người dân không dùng nước máy là do dùng nước máy phải đóng phí nước, phí điện, phí vận hành công trình... “Lúc mới vận hành miễn phí, toàn bộ dân khu tái định cư Phượng Mao đã dùng thử trong sinh hoạt, tưới cây… Sau ba tháng chạy thử, dự án bắt đầu thu tiền 7.000 đồng/khối nước. Do phí thu cao, người dân không dùng nước máy mà chuyển sang dùng nước giếng…

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao thừa nhận, sau khi hoàn thành, công trình nước sạch xã Phượng Mao hoạt động theo kiểu “túc tắc” được vài tháng rồi dừng hẳn cho đến nay. Trước sự lãng phí và không hiệu quả của công trình, xã Phượng Mao đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả, công trình ngày càng xuống cấp.

Đáng chú ý, dù trên địa bàn đã có một công trình nước sạch đang “đắp chiếu” nhưng theo kế hoạch, trong năm 2017, xã Phượng Mao là một trong 9 xã phía Nam của huyện Thanh Thủy được hưởng lợi từ dự án Nhà máy cung cấp nước sạch đặt tại hai xã Phượng Mao và Trung Nghĩa.

Lý giải về vấn đề này, ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ cho hay, nhà máy nước được đầu tư để cung cấp nước sạch cho toàn bộ 9 xã phía Nam của huyện Thanh Thủy, chứ không chỉ riêng cho xã Phượng Mao. Công trình nước sạch xã Phượng Mao nằm trong Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy (năm 2011-2012).

Theo ông Lâm Việt Tuấn, người dân không dùng nước máy là do chính quyền xã chưa sát sao trong việc vận động bà con từ bỏ thói quen sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Đối với phản ánh của người dân về việc phí nước quá cao, Chi cục đã trình tỉnh Phú Thọ áp dụng mức thu giảm 2.000 đồng/khối (từ 7.000 đồng/khối xuống còn 5.000 đồng/khối) nhưng người dân vẫn không sử dụng…

Công trình cấp nước sạch Phượng Mao bị bỏ hoang. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ yêu cầu lãnh đạo xã Phượng Mao đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời tăng cường công tác quản lý, vận hành công trình nhằm đảm bảo cho người dân có nước sạch, tránh lãng phí.

Về lâu dài, Chi cục sẽ xây dựng và ban hành một số quy chế mới đối với xã trong việc quản lý, vận hành những công trình nước sạch; đồng thời gắn trách nhiệm của xã trong việc vận động người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh nhằm phát huy tối đa các công trình cấp nước sạch được Nhà nước đầu tư.

Từ thực tế trên, các cấp, ngành liên quan của tỉnh Phú Thọ cần sớm có giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả để người dân vừa có nước hợp vệ sinh sử dụng vừa tránh lãng phí tiền của của Nhà nước khi đầu tư vào các công trình cấp nước sạch.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Điểm sáng mô hình tự quản công trình nước sạch
Điểm sáng mô hình tự quản công trình nước sạch

Nhờ sự quan tâm của chính quyền, cũng như ý thức của bà con trong công tác duy tu, bảo dưỡng và tự quản các công trình; nên từ khi xây dựng xong cho đến nay, cả 6 công trình nước sạch của xã vùng cao Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN