Vấn đề 'lạm thu tiền trường': Phụ huynh là kênh giám sát tốt nhất

Các khoản thu phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Và nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là một “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất... Đó là nhận định của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các nhà quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh về hiện tượng “lạm thu”, căn bệnh “nan y” của ngành giáo dục trong mỗi mùa khai giảng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Phải công khai, thống nhất với phụ huynh về các khoản đóng góp


Bộ GD&ĐT đã quy định rõ những khoản thu để mua áo quần đồng phục, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường... Các trường cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu đồng phục với phụ huynh học sinh để họ tự lựa chọn và quyết định hình thức mua thích hợp. Với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, nước uống... các nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi trên nguyên tắc thu đủ bù chi. Đặc biệt, các trường không được tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Nếu có, các bậc phụ huynh cần phản ánh và UBND tỉnh, thành phố cần xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái quy định.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Tăng học phí sẽ giải quyết được lạm thu


Đến hẹn lại lên, những từ ngữ quen thuộc đầu năm học như: Tiền trường, tự nguyện, lạm thu... đã “thành lệ”. Năm nào Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cũng ra văn bản, chỉ thị nói về vấn đề lạm thu chứng tỏ các giải pháp đưa ra không khả thi. Khi đưa ra khoản thu, phụ huynh thì ngại nói và nghĩ họ đóng được thì mình cũng cố đóng cho xong vì sợ ảnh hưởng đến con mình. Một số phụ huynh than thở với tôi là có khoản đúng, có khoản không đúng. Còn Bộ GD&ĐT cho biết, phụ huynh giúp nhà trường là không hợp lý. Những năm gần đây, vấn đề này trở thành cái vòng luẩn quẩn và bỗng trở thành căn bệnh của ngành giáo dục, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo tôi, để không còn tình trạng này nữa thì phải tăng học phí, như vậy các phụ huynh không phải đóng thêm khoản nào nữa. Nhà trường lấy tiền trong khoản đó để chi tiêu theo quy định.

Bà Vũ Thị Hoa, Hiệu trưởng tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội): Thống nhất với phụ huynh về các khoản thu

Thật khó để đánh giá việc làm đúng hay sai của các trường về chuyện lạm thu như các báo hay mạng xã hội đã đưa tin, vì mỗi quyết định đưa ra đều có nguyên nhân. Và cũng không nên vì một hiện tượng đơn lẻ mà có những đánh giá tiêu cực về ngành giáo dục. Đối với trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - Ba Đình, từ nhiều năm, tôi cũng như những đồng nghiệp đã thực hiện tốt các quy định về các khoản thu đầu năm học: Thu đúng, thu đủ và được sự đồng thuận của phụ huynh. Mỗi một chủ trương đưa ra đa số phụ huynh đồng ý là thực hiện được.

Chị Kim Thoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội): Nhiều thắc mắc nhưng không dám hỏi

Con gái tôi đang học một trường công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy. Trường công có một ưu điểm là sân chơi rộng rãi, học phí thấp... phù hợp với nhiều gia đình. Tuy vậy, trong những khoản đóng góp để thực hiện công tác nuôi, dạy học sinh, tôi cảm nhận rằng có mộtsố khoản thu... hơi quá, thể hiện hiện tượng “ăn chênh lệch” của nhà trường. Ví dụ, một chiếc khăn mặt, chất vải đẹp, mua ở cửa hàng Nhật Bản có giá hơn 30.000 đồng, nhưng chiếc khăn mặt mà trường mua cho các cháu đắt gấp đôi trong khi chất lượng vải rất bình thường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải đóng 700.000 đồng là tiền học các môn bổ trợ nhưng nhà trường cũng không nói rõ là môn gì, các cháu sẽ học ra sao... Nhiều phụ huynh cũng rất thắc mắc nhưng đều không dám hỏi, bởi cô giáo đã nói: “Như thế này là quá rẻ rồi, các chị hãy xem trường tư, họ phải nộp các khoản lên tới hàng chục triệu đồng”.

Anh Nguyễn Mạnh Tú (Ba Đình, Hà Nội): Cần khuyến khích phụ huynh nói lên quan điểm về các khoản thu

Đầu năm học mới luôn có hàng loạt các khoản đóng góp khiến các bậc phụ huynh “méo mặt”, gia đình tôi là một ví dụ. Tôi có một cháu học cấp I và một cháu học mầm non. Tôi đều chọn trường công để gửi con vì học phí thấp hơn so với trường tư thục. Nhưng vào đầu năm học mới, trường công thường có những khoản thu mà chúng tôi phải “tự nguyện” và chẳng dám chối từ. Đặc biệt, có một khoản gọi là: Thu tạm; nếu có ý kiến phản đối thì đại diện Ban phụ huynh lại đứng ra để thuyết phục. Tôi thấy nhiều nơi, đều “chọn mặt” Ban phụ huynh lớp, nhưng những đại diện này dường như chỉ lo thực hiện theo chủ trương, chính sách của nhà trường.

Theo tôi, cần khuyến khích các phụ huynh nói lên quan điểm về các khoản thu nhằm phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm soát triệt để tình trạng lạm thu. Việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra tại các nhà trường cũng sẽ góp phần giảm bớt vấn nạn lạm thu tái diễn trong mỗi mùa tựu trường.


Lê Vân

TP Hồ Chí Minh: Lạm thu tiền trường bằng... tự nguyện
TP Hồ Chí Minh: Lạm thu tiền trường bằng... tự nguyện

Theo quy định, năm học 2012 - 2013, các trường không được thu tiền cơ sở vật chất. Chưa kịp mừng với thông tin trên thì phụ huynh lại nhận được các khoản thu “tự nguyện” thông qua Ban đại điện (BĐD) cha mẹ học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN