Phong trào hiến đất làm đường ở Bình Lục, Hà Nam

Nếu như trước đây, việc người dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn tại huyện Bình Lục (Hà Nam) chỉ là một vài trường hợp hiếm gặp thì nay, việc hiến đất và tháo dỡ những công trình sinh hoạt để làm đường đã trở thành phong trào rộng khắp và phát triển mạnh mẽ tại đây, bởi người dân muốn góp sức mình tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phong trào xây dựng NTM của địa phương. Họ là người hiểu hơn ai hết, khi con đường được xây dựng, ngõ xóm được mở rộng thì chính những người dân địa phương được hưởng lợi nhiều nhất. Phong trào đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án triển khai trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: phong trào hiến đất làm đường tại địa phương hiện được người dân đồng tình ủng hộ rất cao, đơn cử như tại các xã Vũ Bản, Trung Lương, An Đổ, Tràng An, Mỹ Tho... với tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn m2. Cùng với đó, người dân còn tình nguyện tháo dỡ các công trình xây dựng, chặt cây, dọn vườn để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.

Những con đường khang trang, rộng rãi này được làm nên nhờ sức đóng góp của người dân.

Về xã Trung Lương thời điểm này không còn phải đi trên những con đường đất ngoằn nghèo, nắng thì bụi, mưa thì bùn bẩn như trước đây. Thay vào đó là con đường bê tông rộng rãi, khang trang mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Con đường mới được mở rộng, xây dựng kiên cố đã giúp người dân đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Anh Nguyễn Tác Tân, Trưởng thôn Vị Hạ cho biết: “Để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, người dân chúng tôi cũng rất cần có những con đường trục chính đủ to, đủ rộng để đi lại thuận tiện hơn. Với tuyến đường trục xã qua thôn mới được kiên có rộng rãi, cơ bản máy móc phục vụ sản xuất đã có điều kiện phát huy được hiệu quả”.

Được biết, khoảng 3 năm trở lại trên địa bàn xã đã có 5 dự án được đầu tư xây dựng, xã được hỗ trợ xây dựng mới 12 km đường trục xã, bề mặt rộng từ 3,5 mét đến 5,5 mét, với tổng kinh phí khoảng hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do là nguồn vốn hỗ trợ nên không có kinh phí giải phóng mặt bằng, trong khi những con đường cũ đều nhỏ, hẹp. Do vậy, vấn đề chính để xây dựng được những con đường này là huy động từ sự tự nguyện đóng góp hiến đất, tháo dỡ các công trình... trên phần đất phải giải tỏa hai bên đường. Để giải quyết tốt vấn đề này, Thường trực Đảng ủy xã đã bàn bạc dân chủ, quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chi bộ, ra nghị quyết tập trung lãnh đạo trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất các tuyến đường trục xã. Theo đó, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn được giao nhiệm vụ làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động để các đoàn viên, hội viên. Qua đó, giúp mọi người dân nhận thấy rõ về lợi ích lâu dài khi hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Khi có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ từng hộ gia đình sẽ tự góp đất, tháo dỡ mặt bằng để xây dựng đường. Từ cách làm đó, gần 3.000 m2 đất, cùng 5 gian nhà cấp 4, 10 gian bếp, 30 cổng nhà, hàng nghìn cây lâu năm, cây ăn quả... đã được người dân tự nguyện dỡ bỏ để thi công. Điển hình, 3 dòng họ đạo ở thôn Bến, thôn Cầu, thôn Thượng Đồng đã hiến 1.000 m2 đất làm đường. hay chùa thôn Bến đã hiến 200 m2 đất và tháo dỡ cổng chùa để mở rộng đường. Ông Trần Văn cầu, thành viên ban hành giáo họ đạo thôn Bến cho biết: “Do được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, ban hành giáo họ đạo đã bàn bạc, thảo luận với bà con giáo dân đồng tâm nhất trí hiến hơn 500 m2 đất của nhà thờ vì con đường chung của làng, xã. Chúng tôi xác định khi con đường mới được xây dựng nên thì chính mỗi gia đình giáo dân sẽ được hưởng lợi trước hết...”.

Hiệu quả của việc tuyên truyền và vận động người dân hiến đất, công trình, cây cối trên đất để làm đường từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn giúp Trung Lương tiếp tục thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng các dự án khác. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã: “Quá trình triển khai thực hiện dự án lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhiều ý kiến bàn ra, tính vào. Nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp cùng vào cuộc của các tổ chức đoàn thể tháo gỡ, bàn bạc dân chủ với nhân dân. Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân thì việc khó mấy cũng thành công”.

Cũng giống như Trung Lương, xã Vũ Bản cũng là một trong những địa phương tiêu biểu cho phong trào này. Với 10 km đường trục xã đã làm, người dân trong xã đã hiến tổng số trên 2.100 m2 đất, trong đó có trên 700 m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn. Có những hộ vừa hiến đất vừa tháo dỡ hệ thống cổng, tường rào chạy dài hàng chục mét. Đơn cử như gia đình ông Trần Duy Ninh, thôn Đồng Quê hiến 80 m2 đất thổ cư và tháo dỡ cổng, tường bao mới được xây dựng. Ông Ninh tâm sự: “Thấy nhiều nơi xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp trong khi địa phương mình thì không làm được. Khi có dự án xây dựng đường về mà dân mình không phải đóng góp, thì sao không cùng chung sức để làm. Như vậy, vừa đẹp làng, đẹp xóm, mà nhà mình cũng sạch sẽ, khang trang”. Được biết, tới đây Vũ Bản tiếp tục được triển khai làm đường giai đoạn 3, cũng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, chiều dài 11,6 km. Với tuyến đường mới này, Vũ Bản cần giải tỏa khoảng 5.000 m2 đất, gồm: 1.500 m2 đất thổ cư và 3.500 m2 đất ruộng. Kết quả của việc giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường thời gian qua sẽ là động lực để địa phương nhanh chóng hoàn thành thêm những con đường mới. Về vấn đề này, ông Trần Bá Toàn, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết: “Khó khăn chính là ở bước đầu triển khai, khi công tác tuyên truyền, vận động được làm tốt thì người dân sẽ hiểu về lợi ích và trách nhiệm trong việc hiến đất làm đường. Đối với Vũ Bản, tin là người dân tiếp tục đóng góp để xây dựng thêm những con đường dân sinh kinh tế”.

Theo thống kê của UBND huyện Bình Lục, toàn huyện đã làm được tổng số 66 km đường, kinh phí 141 tỷ đồng. Tại những xã có những con đường trục chính được làm mới người dân đều hiến từ hơn 1.000 m2 đất trở lên. Ông Phạm Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Lục cho biết: “Khác với hầu hết các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án xây dựng đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Do vậy, khi triển khai dự án, huyện đã chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, tháo ỡ công trình, chặt cây cối để làm đường. Việc các tuyến đường này được nhanh chóng hoàn thành và không phải đền bù giải phóng mặt bằng thực sự là thành công rất lớn, mà đóng góp quan trọng nhất là từ thay đổi căn bản trong nhận thức của người dân”.

Có thể thấy rõ, những con đường giao thông nông thôn khang trang, rộng rãi đang thực sự làm đổi thay bộ mặt làng quê đồng chiêm trũng Bình Lục. Rồi đây, những con đường mới nữa ở các địa phương trong huyện sẽ tiếp tục được xây dựng từ sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân để từng bước giúp xây dựng nông thôn mới./.



Đức Phương - Mạnh Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN