Phòng, chống lũ quét và sạt lở đất

Những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Để giúp người dân phòng, tránh lụt bão, các bộ, ngành đang khẩn trương xây dựng bản đồ các vùng nguy hiểm.


Nguy cơ thường trực


Theo tính toán sơ bộ, ở 10 tỉnh miền núi phía Bắc hiện có hơn 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở đất. Trong đó, hơn 2.100 điểm đặc biệt nguy hiểm.

Thực tế, cuối tháng 7/2014, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã có mưa to đến rất to, gây sạt lở đất, khiến 7 người chết. Mưa lũ cũng cuốn trôi 2 ngôi nhà.

 

Lũ ống ngày 12/8/2014 tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu) gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

“Mưa lớn còn làm nhiều tuyến đường ở Hà Giang bị sạt lở, các công trình bị hư hỏng. 120 ha diện tích lúa, hoa mầu, 4 nhà dân bị đổ sập hoàn toàn, 171 nhà bị sạt lở. Tổng thiệt hại lên tới 20 tỷ đồng”, ông Sèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết.


Tương tự, cách đây hơn một tuần, ngày 12/8/2014, tại huyện Tam Đường (Lai Châu) đã xảy ra trận lũ quét khiến 6 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Mưa lũ cũng gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, hệ thống kênh mương, ngập úng nhiều điểm trên quốc lộ 4B, gây ách tắc giao thông; đe dọa tính mạng và tài sản của 25 hộ dân sinh sống khu vực hạ lưu thuộc các bản Thác Tình, Thác Cạn và Mường Cấu.


Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: “Do địa hình núi cao và địa chất đứt gãy nên Lai Châu thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Riêng trong năm 2014, trên địa bàn xảy ra hai vụ lớn. Cơn bão số 2 vừa qua đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng và đặc biệt 6 người chết do chủ quan tham gia giao thông khi có mưa lũ”.


“Người dân còn chủ quan, làm nhà ở ven các sông, suối, gây ách tắc dòng chảy nên số người chết do lũ cao. Bên cạnh đó, đầu tư chưa bảo đảm năng lực phòng chống thiên tai”,ông Quảng nói.


Như vậy, có thể thấy rằng, lũ quét, sạt lở đất là nguy cơ thường trực, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân vùng cao. Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm. Nhưng vào tháng 9, tháng 10 vẫn còn mưa lớn ở một số nơi. Do vậy, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn còn tiếp diễn. Lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông suối nhỏ; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, thượng nguồn các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 9 tới tháng 12 năm nay, sẽ có 5-6 cơn bão, 3 đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam.


Lập bản đồ cảnh báo lũ quét


Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão Trung ương, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở các địa phương miền núi ở Việt Nam và khó dự báo chính xác. Vì vậy, công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng “phòng là chính”.


Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: “Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là đặc thù của các tỉnh miền núi. Làm thế nào để biết trước được, sơ tán người dân, bảo vệ người dân là điều cần làm ngay”.


Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trên cơ sở này xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm” và triển khai kế hoạch ứng phó như: tổ chức di dời người dân vùng nguy hiểm, đầu tư các trạm quan trắc, cảnh báo sớm về thiên tai cho nhân dân.


Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lũ, “Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa công bố kết thúc giai đoạn 1 của dự án "Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam". Theo đó, các bản đồ sạt lở đất, cấu trúc địa chất, phân bố mưa cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã được hình thành”, ông Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết.


Dự án này đã chuyển giao đề án cho các địa phương. Đây sẽ là đầu mối quan trọng để chính quyền và nhân dân các địa phương có thể lên phương án phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại cho mùa mưa bão năm nay và các năm tiếp theo.


Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang đề nghị, cần sớm tập trung nghiên cứu tổng thể các hệ thống cảnh báo, các trạm đo lũ, đo mưa và các thiết bị giám sát lũ quét, sạt lở đất đối với toàn vùng Tây Bắc. Trong quá trình nghiên cứu cần kết hợp với các bộ, ngành: Nông nghiệp; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Vì 50 - 70% số người chết là do đi qua dòng nước, suối bị nước lũ cuốn trôi. Mục tiêu của chúng ta là giảm tối đa số người chết nên phải tuyên truyền tới từng xã, từng người dân”. Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Người dân chủ quan cũng là lỗi của chúng ta. Phải trang bị cho người dân đầy đủ thông tin về lũ quét, lũ ống, thiên tai để chủ động phòng tránh. Tuyên truyền nhận thức không bao giờ thừa, phải thường xuyên làm. Đối với những khu dân cư lớn cần xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo, trong đó có quan trắc mưa”.


Hữu Vinh

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống lũ quét, sạt lở đất
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống lũ quét, sạt lở đất

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở các tỉnh miền núi Việt Nam ngày càng phức tạp. Hiện tượng trượt lở đất đá, lũ quét xảy ra thường xuyên gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN