Phòng chống dịch cúm gia cầm: Đưa người dân “vào cuộc”

Dịch cúm đã ở mức báo động, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A (H7N9) và cúm A (H5N1), đồng thời chung tay thực hành vệ sinh phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người…

Đó là những vấn đề nổi bật được ngành y tế đưa ra tại cuộc mít tinh phát động “Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A(H7N9), cúm A(H5N1) lây sang người”, diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn ngày 22/3.


Nguy cơ cao


Theo đại diện Bộ Y tế, sở dĩ địa phương được chọn để tổ chức lễ mít tinh cũng như phát động chiến dịch truyền thông này là tỉnh Lạng Sơn bởi đây là một trong những cửa khẩu trọng yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc, có nhiều giao dịch hàng hóa, trong đó có mặt hàng gia cầm nhập lậu vốn rất khó kiểm soát, bởi vậy, nguy cơ lây nhiễm từ Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn là rất lớn. Đồng thời trong ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, cùng các đại biểu đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch, bệnh tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) và phòng cách ly khu vực phòng khám đa khoa Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (giữa) kiểm tra phòng cách ly tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch cúm A (H7N9) đang bùng phát và gia tăng đột biến tại Trung Quốc, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao. Tại nước ta, dịch cúm A (H5N1) cũng đang bùng phát mạnh đã có 2 ca mắc và tử vong trên người. “Trước tình hình này, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu 24/24 giờ, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu, thay đổi hành vi tiến tới chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.


Tăng cường nhận thức


Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, dù rất nhiều giải pháp đã được triển khai, nhưng việc khống chế dịch cúm còn gặp nhiều khó khăn do vai trò quản lý của chính quyền, đặc biệt chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, nên chưa quán triệt cho người dân. “Từ đó, dẫn đến ý thức phòng cúm chủ động của người dân chưa cao. Trước mỗi đợt dịch cúm gia cầm, người dân thường rất hoang mang mà chưa có ý thức phòng ngừa chủ động, nhưng khi có thông tin dịch cúm tạm lắng thì người dân lại chủ quan. Ở đây, việc chủ động phòng cúm của từng cá nhân, hộ gia đình là rất quan trọng. Nếu người dân lơ là, cơ quan chức năng có vào cuộc cũng không mang lại nhiều hiệu quả”, Thứ trưởng nhấn mạnh.


Xuất phát từ nhận thức trên, nên mục tiêu của “Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch, bệnh cúm gia cầm A(H7N9), cúm A(H5N1) lây sang người” là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị và người dân trong thực hành vệ sinh phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người. “Chiến dịch nhằm chuyển tải các thông điệp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người đến tận xã, phường, tổ dân phố, thôn bản, đến từng nhà, từng người, để người dân hiểu, tự giác, thực hiện. Trong đó tập trung, chú trọng truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, thực hiện rửa tay bằng xà phòng và an toàn thực phẩm để phòng bệnh; đồng thời mỗi người dân có ý thức phát hiện và thông báo sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm cho các cơ quan chức năng”, đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết.


Sau lễ mít tinh tại tỉnh Lạng Sơn, vào ngày 29/3, buổi mít tinh cũng sẽ diễn ra tại tỉnh Cần Thơ, do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy thực hiện. “Đây sẽ là những bước khởi đầu của một chiến dịch truyền thông mang tính toàn quốc, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về việc chủ động phòng chống cúm gia cầm quyết liệt. Chiến dịch sẽ tập trung tuyên truyền cho người dân theo cách gần gũi, dễ hiểu nhất về những biện pháp phòng chống cúm chủ động, dễ dàng thực hiện và hiệu quả nhằm góp phần cải thiện ý thức cho toàn cộng đồng. Đặc biệt, việc rửa tay với xà phòng diệt khuẩn, biện pháp được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo hàng đầu, sẽ được chú trọng”, đại diện Cục Y tế Dự phòng chia sẻ.


Bài và ảnh: Khánh Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN