Phòng chống dịch bệnh trước nguy cơ “dịch chồng dịch”

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi với Tin Tức xung quanh công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh dễ xảy ra nguy cơ “dịch chồng dịch” trong thời gian tới.

´Theo ông, có khả năng xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, tức những dịch bệnh này có thể bùng phát mạnh trong cùng một thời điểm, thậm chí xảy ra trên cùng một người bệnh không?

Theo tôi, bản chất dịch của dịch tay chân miệng, dịch cúm A/H5N1, dịch sốt xuất huyết là không hoàn toàn giống nhau và cũng không liên quan đến nhau. Do đó, việc xuất hiện những dịch bệnh đó ngay từ đầu năm 2012 sẽ là một gánh nặng của xã hội và ngành y tế, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị và nỗ lực đáp ứng nhằm giảm ảnh hưởng của chúng xuống mức tối thiểu.

Hoạt động phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng đáng tiếc, nhiều địa phương đến nay vẫn còn coi công tác chống dịch là của ngành y tế. Đặc biệt, nhiều người dân chưa thực sự hiểu vai trò của mình trong việc ngăn chặn dịch bệnh, thậm chí còn từ chối phối hợp với ngành y. Đơn cử, muỗi là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng và muốn ngăn chặn dịch bệnh này thì phải làm tốt công tác diệt muỗi, bọ gậy. Thế nhưng những cán bộ dự phòng không phải lúc nào cũng vào được nhà người dân để phun thuốc diệt muỗi, côn trùng. Không ít gia đình năm nay có người thân mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng năm sau đi kiểm tra thì vẫn để dụng cụ trữ nước có nhiều bọ gậy ở bên trong...

Do đó, để đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, thì cần phải tạo thế chân kiềng vững chắc, đó là cần tăng cường sự chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc của người dân và sự tham mưu đắc lực, kịp thời của ngành y tế.

´Với thực tế hiện nay, ông đánh giá gì về công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2012?

Theo tôi, năm 2012 do có nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ tái diễn nên việc chống dịch sẽ khá nặng nề.

Ngay từ cuối năm 2011, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch năm 2012. Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng ban hành khá nhiều văn bản về hướng dẫn chuyên môn, yêu cầu các địa phương làm tốt công tác giám sát, phát hiện ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi đã tổ chức giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời như: Cúm mùa, cúm A/H5N1, bệnh tay chân miệng, bệnh tả, sốt xuất huyết, viêm não, tiêu chảy do virút Rota… Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tế TƯ cũng rất chú trọng biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắcxin, đặc biệt triển khai hiệu quả các hoạt động của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm phòng vắcxin cũng như kỹ năng phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch. Tăng cường năng lực xét nghiệm, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh cũng như đánh giá được sự biến đổi gen, kháng kháng sinh của tác nhân gây bệnh…

Nhưng như đã nói, chỉ ngành y tế nỗ lực trong phòng, chống dịch thôi chưa đủ, công tác này cần rất sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhất là người dân. Và điều cần nhấn mạnh là phải tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch chủ động trước khi dịch bệnh xảy ra.

´Người dân cần làm gì để chủ động phòng, chống một số dịch bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát như: Cúm A/H5N1, tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết…, thưa ông?

Để chủ động ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây dịch, người dân cần thực hiện nguyên tắc: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh môi trường… Khi có các triệu chứng nghi ngờ ví dụ như hội chứng cúm, hội chứng phát ban, hội chứng viêm màng não… cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Với dịch cúm A/H5N1, người dân cần thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng các thuốc sát khuẩn, tiêu hủy và tiêm vắcxin cho đàn gia cầm. Cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh.

Đối với bệnh tay chân miệng thì các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây truyền bệnh là vệ sinh cá nhân, chất lượng nước, mật độ dân cư. Do đó, cần lưu ý duy trì công tác vệ sinh thường xuyên nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, làm sạch bề mặt và đồ vật (đồ chơi, quả đấm cửa...), dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bằng các thuốc sát khuẩn thông thường. Cần lưu ý là có nhiều người nhiễm virút không triệu chứng (cả người lớn và trẻ em) nhưng vẫn là nguồn truyền nhiễm lan truyền virút. Nguy cơ lây nhiễm là lớn nếu không thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăm sóc trẻ.

Đối với dịch sốt xuất huyết, người dân cần mắc màn khi ngủ, thường xuyên loại bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết sẽ hạn chế sự phát triển của bọ gậy, muỗi. Như vậy, sẽ giảm nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết ra cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN