Phở Hà Nội giữa Trường Sa

Tàu vừa cập đảo Nam Yết, tin sẽ có “Chương trình giao lưu, giới thiệu ẩm thực Hà Nội” đã xôn xao khắp đảo. Ngay từ cầu cảng, trung úy Phạm Văn Ba, quê Thái Bình, thuộc đội xuồng CQ của đảo đã bộc bạch: “Mấy hôm trước mới nghĩ đến phở, hóa ra được ăn phở thật. Mà là phở Hà Nội hẳn hoi!”.


Hành trình mang phở ra Trường Sa được bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng khi chiếc U oát của Hải quân đưa chúng tôi qua quận Tân Bình. Xe dừng trước cửa hàng phở Hà Nội số 116 Hoàng Hoa Thám, trên con phố nhỏ nhiều hàng ăn trưng biển bún ốc, bún chả Hà Nội… Người Việt Nam mình đi đến đâu là mang theo bản sắc văn hóa hiện hữu của mình tới đó, có lẽ vậy mà những người con Hà Nội, đoàn nhà báo Thông tấn xã Việt Nam của Dự án “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế!” đã nảy ra ý tưởng và quyết tâm cùng với nghệ nhân ẩm thực Ngọc Vượng mang hương vị phở Hà Nội đến với Trường Sa… Bước vào nhà, trước mắt chúng tôi là một khối lượng lớn với hơn 30 kiện nguyên liệu gồm đủ các loại đã được bao gói, đóng thùng dán tem rất chuyên nghiệp mang dòng chữ “Thông tấn xã Việt Nam - Quân chủng Hải quân. Phở Ngọc Vượng - Quà tặng Trường Sa”.


Phở Hà Nội đến với lính đảo Trường Sa.


Vượng tâm sự: “Mấy anh em trong gia đình thức cả đêm qua để chuẩn bị vì muốn phở Hà Nội đến với Trường Sa phải đảm bảo chất lượng, hương vị còn tươi ngon nhất”. Bà ngoại của Vượng năm nay đã 83 tuổi, đang ở với con trai trên quận 12, khi nghe tin Vượng bay từ Hà Nội vào để chuẩn bị đưa món phở gia truyền của gia đình đến với bộ đội Trường Sa, nhất định đòi con trai đưa xuống để dặn dò cậu cháu trai đôi điều. Từ mấy hôm trước Ngọc Vượng đích thân chọn những nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn cao nhất cho một chuyến nấu phở có thể nói là đặc biệt nhất trong hơn 20 năm làm nghề, đóng gói các gia vị và dụng cụ nấu phở để mang ra phục vụ chiến sỹ, tặng và đồng thời hướng dẫn chuyển giao công nghệ làm phở ở Trường Sa.


Toàn bộ nguyên liệu phở nhanh chóng được chuyển xuống khoang bảo quản trước giờ tàu nhổ neo, sẵn sàng cùng tàu HQ 561 mang tình cảm và tấm lòng của những người con Hà Nội, của Đất Mẹ yêu thương đến với đảo xa. Trong mênh mông sóng nước, con tàu vượt trùng khơi ra đảo bắc nhịp cầu cho đất liền gần lại với Trường Sa thân yêu.


Buổi ra mắt đầu tiên là giới thiệu ẩm thực về phở Hà Nội, nấu phở phục vụ các chiến sỹ hải quân và đoàn công tác trên tàu. Những người đảm nhiệm phải dậy từ 3 giờ sáng rã đông nguyên liệu theo đúng qui trình đã định qua nhiều lần thử nghiệm; chuẩn bị gia vị để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và điều quan trọng là bảo lưu được hương vị của món phở. Sóng to vừa đun vừa phải giữ nồi cho khỏi đổ. Khi được thông báo sáng hôm sau chương trình giới thiệu ẩm thực đầu tiên sẽ dành cho các đại biểu Đoàn công tác, mọi người trên tàu ai cũng đều chờ đợi hương vị Hà Nội vì nhiều người là thành phần đoàn của các tỉnh phía Nam. Nhưng hôm đó khi tàu vừa ra khỏi cửa biển Vũng Tàu thì trời nổi gió và mưa dông. Con tàu lắc lư như đưa võng làm các thành viên trong đoàn say sóng gần hết nên chị em trong đoàn Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam không thể xuống để tỉa hành, nhặt rau phụ giúp tổ công tác như đã hứa. Sáng hôm sau khi nghe tàu báo thức, cả phòng B9 chỉ còn chị Thủy - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre và cô Rơchăm Hơ Hồng - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai là còn dám dậy. Đến giờ ăn sáng, các chiến sỹ phục vụ đưa phở tận đến phòng mà chị nào cũng lắc đầu. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của các chiến sỹ, mọi người lại cố gắng dậy để thưởng thức hương vị Hà Nội vì sẽ không bao giờ có cơ hội lần thứ hai… Nhìn âu phở nghi ngút khói với những nạm, tái, gầu, hành hoa, chanh ớt và mùi thơm đặc trưng không thể cưỡng lại được… Chị Hiền - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương, người say sóng nhất phòng như đã khỏe hơn sau khi được thưởng thức tô phở. Chị bảo: “Trời ơi! Phở Hà Nội ngon quá trời ngon! Thiệt tình không ai ngờ đi Trường Sa mà lại được ăn phở Hà Nội”.

Thưởng thức phở Hà Nội giữa biển khơi là bất ngờ thú vị của những người lính Hải quân.


Buổi làm phở thứ hai trên đảo Sơn Ca, đội phục vụ lại dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị, 5 giờ cập đảo, khẩn trương triển khai. Bữa ăn sáng đúng 6 giờ bộ đội đảo Sơn Ca được thưởng thức phở Hà Nội. Ngọc Vượng cùng các thành viên trong đoàn đã hướng dẫn cách nấu phở, tặng và giới thiệu các nguyên liệu với các anh nuôi hải quân tại bếp ăn trên đảo.


Binh nhất Nguyễn Ngọc Hải Đăng, quê ở Đồng Nai, xúc động khen phở ngon vì đây là lần đầu tiên trong đời anh được ăn phở Hà Nội. Những tô phở thơm hương vị, ấm tình của đất liền đã làm ấm lòng những người con xa quê hương…


Chương trình phục vụ phở ở đảo Nam Yết được triển khai ngay ngày hôm đó, công tác chuẩn bị lại được khẩn trương tiến hành theo đúng tác phong bộ đội. Ngọc Vượng lại thoăn thoắt thái thịt đúng chuẩn: tái, nạm, gầu… 21 giờ 30, sau khi xem văn công, trừ các bộ phận trực làm nhiệm vụ, bộ đội tập trung thưởng thức những tô phở Hà Nội nóng hổi, thơm nức. Anh em “cụng” bát phở chúc nhau. Có chiến sỹ thật thà: “Phở ngon thật, nhưng giá như được ăn 2 bát!”. Phần lấy về cho anh em trực chiến còn được dặn dò cẩn thận để riêng phở và nước, đun sau cho ngon. Mấy trăm xuất phở đã làm ấm lòng chiến sỹ cùng với những tình cảm xúc động dâng trào của cả người nấu và người được phục vụ.


Đêm ở Trường Sa lớn mới thật là đêm hội vì số lượng phục vụ hơn lên nhiều lần. Bộ đội phải chi viện cho đội nấu phở hai nồi lớn để hầm số xương bò dự trữ làm nên nồi nước dùng có lẽ là chất lượng nhất. Lại những đôi tay thoăn thoắt thái thịt, chuẩn bị đầy đủ gia vị: hành, tỏi, ớt tươi, tương ớt… như ở Hà Nội, chờ sau buổi biểu diễn văn công để phục vụ những vị khách đặc biệt của hàng phở đặc biệt nhất Việt Nam. Nhìn những công dân nhỏ của Trường Sa lần đầu tiên được thưởng thức phở Hà Nội mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến con mình ở nhà. Những hình ảnh ghi lại, những câu chuyện kể lại sẽ là sự sẻ chia tình cảm, thêm gần gũi, gắn kết giữa đất liền và biển đảo.


Đối với chúng tôi, những người thực hiện chương trình, vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng hạnh phúc như ngày hội của những buổi giao lưu, giới thiệu ẩm thực phở Hà Nội giữa mêng mông biển trời Trường Sa. Bởi, ngoài nhiệm vụ thông tin báo chí chúng tôi thêm một lần nữa mang tình cảm thân thương của hậu phương, của Hà Nội - trái tim của Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam, làm ấm lòng quân và dân Trường Sa qua hương vị ngọt ngào, thơm thảo của đặc sản truyền thống “Phở Hà Nội”.


Nhớ câu nói của nhiều chiến sỹ: “Phở Hà Nội ngon thật! Giá như được ăn thêm bát nữa” làm chúng tôi vui nhưng không khỏi băn khoăn vì hơn một nghìn xuất phở có lẽ còn quá ít.


Hương vị truyền thống đặc trưng của Hà Nội đã đến với quân dân trên đảo. Trường Sa không còn xa nữa…

Bài và ảnh:Hồng Kỳ

Sức sống Trường Sa
Sức sống Trường Sa

Trong tháng 5 vừa qua, Đoàn đại biểu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM và lãnh đạo Quân chủng Hải quân đã vượt qua hành trình gần 1.200 hải lý đến thăm, tặng quà tại 10 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN