Phiên hai Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ quyết mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019?

Dự kiến ngày 26/7, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai đàm phán mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 (áp dụng cho khối doanh nghiệp). Vậy các bên đã xác định đề xuất mức tăng bao nhiêu và khả năng chốt ở mức nào?

Phiên họp thứ nhất Hội đồng tiền lương quốc gia 2018.

Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia gồm ba bên: cơ quan nhà nước (đại diện là các đơn vị chuyên môn của Bộ LĐTBXH); đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam); đại diện chủ sử dụng lao động (chủ yếu là VCCI).


Kết thúc phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia lần thứ nhất diễn ra vào ngày 9/7, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019 lí do để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bồi dưỡng, nâng cao năng lực chi trả. Đồng thời, dùng các kinh phí (nếu có) để phục vụ cho việc đào tạo cũng như nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó có thể tăng được năng suất lao động.


Trong khi đó, vài ngày sau cuộc họp phiên thứ nhất Tổng LĐLĐ Việt Nam và Viện Công nhân, công đoàn tổ chức hội nghị công bố kết quả Khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động (NLĐ) năm 2018. Dù khảo sát trên 3.000 phiếu nhưng cuộc điều tra phản ánh một phần đời sống công nhân lao động về tác động của tăng lương tối thiểu vùng. Kết quả cho thấy, tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017.


Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn cho biết, ngoài tiền lương cơ bản (chiếm 84,4%), NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm xã hội (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Với phần tiền này cộng với lương cơ bản thì tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017).


“Như vậy, việc tăng tiền lương tối thiểu vùng có tác động cải thiện thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy vẫn còn lao động có thu nhập dưới lương tối thiểu vùng. Với mức thu nhập và chi tiêu này, 17,4% NLĐ cho biết gia đình họ có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống”, ông Vũ Quang Thọ cho biết.


“Mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Rất nhiều doanh nghiệp đóng BHXH cho NLĐ không theo tổng thu nhập mà đóng theo lương tối thiểu vùng. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng làm tăng mức đóng BHXH của NLĐ để tích luỹ tới khi về hưu. Đồng thời việc tăng lương tối thiểu vùng cũng chỉ tác động chủ yếu đến việc doanh nghiệp chi trả các khoản đóng BHXH mà không ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương thực tế của doanh nghiệp”, ông Thọ cho biết thêm.


Do đó, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 8%. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tăng trưởng GDP do Chính phủ đặt ra năm 2018 là 6,7%; trong khi đó chỉ số tiêu dùng CPI là 4%, năng suất lao động tăng khoảng 5% thì không có lý do gì mà NLĐ không được hưởng thành quả này.


Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương (các đơn vị tham mưu của Bộ LĐTBXH) cũng đã đưa ra đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2019 là 5,3% để các bên tham khảo.


Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, với các chỉ số tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động… thì mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ xoay xung quanh mức 5 - 6%. Còn việc hai bên thương lượng, đưa ra các quan điểm trái chiều trong các phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia là việc đương nhiên bởi mỗi bên đại diện cho các nhóm đối tượng mâu thuẫn về lợi ích. Tổng LĐLĐ luôn mong muốn đời sống người lao động được cải thiện nên đề xuất mức tăng khá cao. Trong khi đó, doanh nghiệp luôn muốn tăng ở mức thấp, thậm chí là không tăng để cải thiện năng lực cạnh tranh. Do đó, qua phiên họp của Hội đồng, các bên sẽ tìm tiếng nói chung với tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng hợp lý.

XC/Báo Tin tức
Ghi nhận từ 'vùng ngập' Hà Nội
Ghi nhận từ 'vùng ngập' Hà Nội

Đến chiều 24/7, 4 ngày sau đợt mưa hoàn lưu của bão số 3 có tên quốc tế là Sơn Tinh, hơn 1.850 ngôi nhà tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn ngập trong nước bẩn, chủ yếu tập trung tại các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN