Phát triển đảng vùng Tây Bắc: Củng cố hệ thống chính trị

Hiện nay khu vực Tây Bắc là địa bàn quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn có ý nghĩa cốt lõi trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong khu vực

Tỷ lệ phát triển đảng cao hơn bình quân của cả nước

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, công tác phát triển đảng viên (PTĐV) trên địa bàn Tây Bắc những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, đảng viên mới kết nạp tăng cả về số lượng và chất lượng. Các cấp ủy đảng từ tỉnh tới cơ sở vùng Tây Bắc tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác xây dựng, PTĐV và tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn. Nhiều địa phương coi đây là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm thường xuyên, có những biện pháp phù hợp đối với các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong đó chú trọng tuyên truyền, PTĐV mới trong đối tượng quần chúng có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, người dân tộc thiểu số.

Tổ chức sinh hoạt Đảng định kỳ sẽ góp phần tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.


Hàng năm, các tỉnh trong vùng Tây Bắc kết nạp khoảng 25.000 đảng viên mới, chiếm tỷ lệ 0,4 - 0,6%, cao hơn tỷ lệ PTĐV bình quân của cả nước. Kết quả này góp phần tăng nhanh số lượng đảng viên; số thôn, bản không có đảng viên trong khu vực ngày càng giảm. Nếu như năm 2008, toàn khu vực có 384.495 đảng viên thì đến năm 2013 đã tăng lên 642.296 đảng viên. Số thôn, bản “trắng” đảng viên giảm rõ rệt.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương cho biết: Tính riêng trong năm 2013, trong tổng số 21.878 đảng viên mới kết nạp có 765 đồng chí là nữ (chiếm 35%), đảng viên là người dân tộc thiểu số có 306 đồng chí (chiếm 14%), đảng viên là người theo đạo có 46 đồng chí (chiếm 2,1%), đảng viên là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có 1.339 đồng chí; đảng viên là công nhân lao động có 157 đồng chí và đảng viên là nông dân có 383 đồng chí.

Tuổi đời của đảng viên mới kết nạp ngày càng trẻ

Qua theo dõi của Ban Tổ chức Trung ương, tuổi đời của đảng viên mới kết nạp ngày càng trẻ, thể hiện ở đối tượng có tuổi đời từ 18 - 30 chiếm tỷ lệ cao. Tiếp đó là tuổi đời từ 31 - 40, ít nhất là đối tượng có tuổi đời trên 50. Trình độ học vấn của đảng viên mới kết nạp được nâng dần. Số đảng viên mới kết nạp chỉ đạt học vấn “biết chữ quốc ngữ” trong những năm gần đây không còn, chỉ còn một số ít có trình độ tiểu học.

Nhìn chung công tác PTĐV được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Một số cấp ủy địa phương đã thành lập ban chỉ đạo hoặc có nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có tổ chức cơ sở đảng, chưa có đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên mới đã được quan tâm, chú ý hơn. Nhờ vậy, đội ngũ cấp ủy và cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu từng bước hợp lý hơn. Đã xuất hiện một số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực và trình độ, kiến thức, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều tỉnh có chính sách thu hút tiếp nhận cán bộ trẻ, tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao trình độ và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc cũng đạt được những kết quả quan trọng. TCCSĐ được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số đảng bộ xã, phường, thị trấn tăng nhanh. Nếu như năm 2008, có 1.508 đảng bộ thì đến năm 2013 đã tăng lên 3.345 đảng bộ, tăng trên 200%. Có thể nói, công tác xây dựng, củng cố, phát triển TCCSĐ trên địa bàn Tây Bắc đã thu được những kết quả tích cực, hệ thông TCCSĐ đã được xây dựng, tổ chức hợp lý, phù hợp theo quy định của Điều lệ Đảng ở hầu hết các thôn, bản, làng, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy cơ sở được kiện toàn đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý và hoạt động có hiệu quả. Nhiều TCCSĐ đã giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, nhiều chi bộ thôn, bản đã có sự đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt. Ngoài phần đánh giá chung, nhiều chi bộ đã sinh hoạt theo chuyên đề, bàn sâu về các vấn đề cụ thể đặt ra, thu hút được nhiều ý kiến đảng viên tham gia. Qua đó, đã giải quyết được những vấn đề cần tập trung lãnh đạo ở cơ sở, vừa nâng cao trách nhiệm của đảng viên. Trong từng loại hình TCCSĐ đều đã xuất hiện những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều TCCSĐ đã khẳng định được rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm, ý thức tổ chức được nâng cao, từng bước khắc phục sự bất cập, hạn chế trong tổ chức và sinh hoạt đảng.

Nhiều cấp ủy cơ sở đã coi trọng việc xây dựng quy chế làm việc và thực hiện theo quy chế. Duy trì có nề nếp chế độ giao ban định kỳ giữa thường trực cấp ủy với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Từng bước khắc phục tình trạng bao biện làm thay công việc của chính quyền hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của TCCSĐ. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ ngày càng được nhận thức và phân định rõ hơn.

Bài và ảnh: Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN