Phát triển cây xanh - việc của cả cộng đồng

KTS Huỳnh Đăng Hy, nguyên Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lo ngại: “Dân số Hà Nội tăng mỗi năm khoảng 7 vạn người mà công viên, vườn hoa xây dựng rất chậm, nhiều công viên bị xà xẻo để xây dựng các công trình không đúng chức năng”.

Muôn vẻ xâm hại cây xanh, công viên


Dư luận hẳn chưa quên dự án xây dựng khách sạn trong công viên Thống Nhất cuối năm 2008. Nhờ có sự vào cuộc của báo chí, sự phản đối của dư luận mà dự án này đã phải dừng lại, nhờ đó, lá phổi lớn nhất thủ đô không bị xà xẻo. Số công viên của Hà Nội không nhiều nhưng vẫn luôn bị đe dọa bởi những lợi ích kinh tế, bởi lẽ những nhà đầu tư không bao giờ thôi “nhăm nhe” những khu đất vàng này.

 

Đuờng Ngọc Hồi, cửa ngõ phía nam Hà Nội luôn “ngột ngạt” vì thiếu cây xanh. Ảnh: Nam Hoàng


Còn hàng ngàn cây xanh trên khắp thủ đô, vườn hoa vẫn đang ngày ngày phải đối mặt với sự xâm hại của con người. Sự xâm hại ấy bắt nguồn từ sự vụ lợi của một số người. Nếu cây trước cửa thì họ sẽ tận dụng cây xanh làm nơi treo biển quảng cáo, hàng hóa. Cũng có nhiều người tìm mọi cách để “triệt hạ” những cây xanh nào chặn mặt tiền nhà ảnh hưởng tới mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Họ dùng nhiều thủ đoạn như đổ nước sôi, dầu nhớt vào gốc cây, hay nửa đêm thuê người chặt trộm. Có điều là, ai cũng biết tình trạng này nhưng cây xanh Hà Nội vẫn ngày ngày bị người ta nhẫn tâm xâm hại như vậy mà chưa thấy xử lý vụ nào vì xâm hại cây xanh.


“Khi đất xây nhà còn không đủ, người ta chuyển cây xanh lên trồng trên mái nhà hoặc dùng cây dây leo phủ mái nhà, ban công, sân thượng... Nhưng họ chỉ nâng niu cây của nhà mình, còn không bảo vệ cây xanh công cộng. Hành động này rất cần bị phê phán”, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chia sẻ.


Bảo tồn kết hợp trồng mới


Theo ông Đăng: Các tiêu chuẩn về một thành phố xanh, thành phố sinh thái, bền vững với môi trường sẽ dễ dàng áp dụng tại các khu xây dựng mới, còn cải tạo đô thị cũ là rất khó khăn. Do vậy, giải pháp đối với cây xanh hiện nay là bảo tồn hệ thống cây xanh hiện có tại khu vực nội đô cũ, còn những khu đô thị mới xây dựng sẽ trồng nhiều cây xanh để hướng tới trở thành một đô thị xanh.


Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có một khái niệm cụ thể cũng như bộ tiêu chí về đô thị xanh. Tuy nhiên theo các nhà làm quy hoạch, đô thị xanh cơ bản phải đạt các tiêu chí như: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên… Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà còn cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái…


Các đô thị ở nước ta hiện nay vẫn ít chú ý đến các tiêu chí xanh. Diện tích dành cho cây xanh, mặt nước trong các khu đô thị mới nói chung còn hạn chế. Điển hình cho tình trạng này là khu đô thị Nam Trung Yên thuộc quận Cầu Giấy. Mặc dù đã có hàng ngàn người dân đến sinh sống tại các tòa nhà chung cư cao tầng nhưng ở đây rất ít màu xanh, rác rưởi vây quanh các tòa nhà. Lác đác có một số cây nhỏ được trồng nhưng phần lớn còi cọc, sống lay lắt.


Còn hàng trăm khu đô thị mới đang được triển khai và hoàn thiện ở Hà Nội. Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn về cây xanh thì mục tiêu “mới” của những khu đô thị này xem ra vẫn còn rất xa vời. Và người dân vẫn sẽ phải sống trong những khu nhà hoành tráng nhưng thiếu bóng mát và môi trường xanh.


Xã hội hóa chăm sóc, bảo vệ cây xanh


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hơn 40 trường hợp cây đổ. Việc chăm sóc cây xanh, phát hiện những cây nguy hiểm, có dấu hiệu gẫy đổ hiện nay chủ yếu thuộc trách nhiệm của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội mà chưa có sự tham gia của người dân.


Anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó Phòng Kế hoạch - tổng hợp, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Từ đầu năm đến nay đã cắt sửa 800 cây, chặt hạ trên 350 cây. Theo kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2012, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát, cắt sửa hơn 3.800 cây, đồng thời, chặt cây sâu mục, chết khô, cây đổ...


GS Phạm Ngọc Đăng đề xuất, việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh phải thuộc trách nhiệm của mọi người dân, hay nói cách khác là phải được xã hội hóa. Cụ thể, lập kế hoạch trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh (quy mô, địa điểm trồng, loại cây, thời gian trồng), phân công trách nhiệm thực hiện: Ai trồng, ai chăm sóc cây, ai bảo vệ cây lâu dài… Ngoài nguồn vốn cơ bản của nhà nước đầu tư cho phát triển cây xanh đô thị, cần phải đa dạng hóa nguồn vốn phục vụ cho phát triển cây xanh như tiền ủng hộ của các công ty, xí nghiệp, các nhà hảo tâm, tiền đóng góp của dân, các tổ chức quốc tế…


“Cần lấy ý kiến của cộng đồng về quy hoạch cây xanh và chọn giống cây trồng cho từng khu vực của đô thị, ở các khu công cộng, khu nhà ở. Tổ chức các phong trào thi đua trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh giữa các tổ chức cộng đồng dân cư, phường xã… Vận động các cơ quan, công ty tự tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh trong hàng rào khu đất của mình”, ông Đăng nói.

Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN