Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu

Bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” Đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, và mở cuộc leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và Hải quân hòng đè bẹp ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Song một lần nữa chúng lại thất bại bởi ý chí chiến đấu ngoan cường của cán bộ chiến sĩ Hải quân, quân và dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

“Lao lửa”, “sấm rền” cũng bị đập tan

Sau khi vụ “vịnh Bắc bộ” bị lật tẩy và thất bại đau đớn trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, ngày 7/2/1965, đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc trên diện rộng. Cuộc tập kích đầu tiên mang tên “mũi lao lửa I”. Chỉ trong hai ngày 7 và 8/2/1965, Mỹ đã điều 169 máy bay đánh phá thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ, khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngày 11/2, Mỹ tiếp tục điều thêm 100 máy bay ném bom đánh phá các vùng phụ cận, đặc biệt ném bom các chốt căn cứ ở Sông Gianh phía nam Quân khu 4.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở nhà giàn DK1. Ảnh:  Mai Thắng


Trước phá hoại điên cuồng của Mỹ, những người lính “áo vằn cánh sóng” thực hiện lệnh: “Giữ vững trận địa, quyết tâm tiêu diệt địch”. Ngay từ trận ném bom đầu tiên của Mỹ, cán bộ chiến sĩ Đại đội 24 pháo cao xạ thuộc Khu tuần phòng 2 phối hợp với quân, dân các tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh hạ gục 22 máy bay, nhiều chiếc khác bị thương trước họng súng máy và quyết tâm tiêu diệt giặc trời của những người lính biển.

Bị thiệt hại nặng nề trong hai cuộc tập kích mũi lao lửa I và II, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định mở chiến dịch “sấm rền”. Đây là chiến dịch hòng tiêu diệt các căn cứ quân sự, kho tàng, đầu mối giao thông từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Nham hiểm hơn là chúng hòng đánh sập tiềm lực kinh tế quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Bắt đầu chiến dịch “sấm rền”, trong ngày 2/3/1965, Mỹ đã điều 160 lần chiếc máy bay thả bom bắn phá căn cứ Sông Gianh. Trước dã tâm của giặc Mỹ, bộ đội hải quân cùng quân, dân miền Bắc đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Với tinh thần “quyết diệt giặc trời”, đại đội 24 pháo cao xạ, phân đội 6 thuộc khu tuần phòng 2, cùng trung đội tự vệ ngư trường Thanh Khê và các trận phòng không bằng súng bộ binh của quân dân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bắn rơi 6 máy bay địch. Cũng trong thời gian này, bộ đội hải quân ở các trạm ra đa 530 (Đèo Ngang), trạm 550 (Bạch Long Vĩ), các trạm ra đa của bộ đội phòng không ở Hà Tĩnh, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) kiên quyết đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay địch. Trong đó, khẩu đội cao xạ Trạm ra đa 530 bắn rơi 2 chiếc; tàu T120, T136 của Phân đội 1 và Phân đội 2 tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 5 chiếc. Ngày 29/3/1965, Tiểu đoàn 152 ở đảo Bạch Long Vĩ đánh trả 70 lần chiếc máy bay Mỹ, đã bắn rơi 5 chiếc.

Cùng với đánh trả máy bay địch, bộ đội Hải quân đã kiên cường đánh trả các tàu chiến của chúng xâm phạm, phá hoại trong vùng biển của ta. Đầu năm 1965, biên đội tàu T161 và T171 thuộc Phân đội 5, tàu T126 Khu tuần phòng 2 đã bắn bị thương 3 tàu địch xâm phạm vùng biển Quảng Bình, Tàu T187 và T124 bắn cháy 2 tàu địch ở cách cửa Hội 40 hải lý.

Thua trên vùng biển Quảng Bình, Thanh Hóa, Mỹ mở rộng ném bom miền Bắc. Không để chúng làm càn, bộ đội hải quân ở khu vực Hạ Long, vùng mỏ Đông Bắc nhân sức mạnh đánh Mỹ. Tại đây, các tàu hải quân đã bắn rơi 23 máy bay địch, bắn bị thương 38 chiếc, bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng. Nổi bật như trận đánh ngày 7/7/1966 trên sông Cấm khu vực Bến Bính - Nhà máy xi măng, các tàu T195, T197, T199, T201 đã chiến đấu hơn 1 giờ với máy bay địch, bắn rơi 4 chiếc, góp phần cùng quân dân Hải Phòng và các địa phương bắn rơi 11 máy bay của giặc Mỹ.

Còn người còn tàu, còn chiến đấu

Chiến thắng địch trong chiến dịch “lao lửa, sấm rền”, tinh thần chiến đấu của bộ đội hải quân càng kiên cường anh dũng. Trước sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, tinh thần đánh Mỹ của cán bộ, chiến sĩ càng sôi sục. Với khí phách “còn người còn tàu, còn một người cũng chiến đấu, còn một viên đạn cũng bắn thù”, bộ đội hải quân cùng quân và dân miền Bắc bước vào cuộc chiến đấu mới với sức mạnh nội sinh mới.

Thua trên bầu trời của biển Đông Bắc, Hải Phòng, địch chuyển hướng ném bom Thủ đô Hà Nội. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, trên tinh thần “kiên quyết không cho địch động đến Thủ đô Hà Nội”, đầu năm 1967, Quân chủng Hải quân điều lực lượng tàu của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 100 thuộc Trung đoàn 171 chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tại đây, bộ đội các tàu Hải quân đã cùng với quân dân ta chiến đấu nhiều trận, đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của máy bay địch. Tiêu biểu trong trận chiến đấu này, bộ đội Hải quân đã tiêu diệt 8 máy bay địch, khi chúng điều tới 300 lần chiếc máy bay thả bom bắn phá Hà Nội trong ngày 5/5/1967.

Mai Thắng
Pháo hoa mừng 40 năm giải phóng miền Nam
Pháo hoa mừng 40 năm giải phóng miền Nam

Đúng 22 giờ, những bông pháo hoa đầu tiên đã bắt đầu nở bung lên trên bầu trời TP Hồ Chí Minh trong tiếng trầm trồ, hò reo của người dân thưởng lãm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN