Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - NSND Trà Giang:

“Phần thưởng quý báu nhất là được học trên đất Bắc”

Tôi luôn ghi nhớ những ngày được nuôi dưỡng, học tập và trưởng thành trên đất Bắc, với niềm biết ơn sâu sắc và xem đây là phần thưởng quý báu nhất mà tôi may mắn có được”, NSND Trà Giang xúc động chia sẻ.

 

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, cô bé Trà Giang mới tròn 12 tuổi, cùng mẹ và hai anh em xuống tàu Ba Lan ở Quy Nhơn, để tập kết ra Bắc.

 

Cô bé học sinh miền Nam Trà Giang trên đất Bắc (ảnh do Nghệ sỹ Nhân dân Trà Giang cung cấp).


Đó là chuyến tàu tập kết thứ 8 cập bến Ninh Giang (Hải Dương). Đặt chân lên đất Bắc, cô bé Trà Giang bị "choáng ngợp" trong sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân miền Bắc dành cho những em bé miền Nam tập kết ra Bắc. “Chiếc tàu Ba Lan không đi vào sâu đất liền được, nên cả đoàn phải chuyển từ tàu lớn sang “tàu há mồm”. Ra tới miền Bắc, tôi phải theo các bạn về trường học, còn mẹ tôi và các anh em tôi thì chuyển sang một địa điểm khác. Chúng tôi được đưa về Thái Bình, rồi chuyển sang làng Ngọc Tảo (Sơn Tây, Hà Nội) để học. Chưa có trường học nên chúng tôi phải học ở đình làng. Chao ôi là nhớ cái rét ở miền Bắc mà lần đầu tiên chúng tôi được biết. Dù được phát áo bông dày cộm, nhưng hai bàn tay vẫn tê cóng, không sao cầm được bút viết”, nghệ sĩ Trà Giang nhớ lại.


Những ngày tháng ở Thái Bình, cô bé Trà Giang ở cùng một gia đình nông dân. Mỗi buổi chiều đến, cảnh vật ở miền Bắc như hàng cau hun hút, khói lam chiều, lũy tre... khiến cho con người thấy buồn. Và những lúc như thế, Trà Giang lại ngồi khóc nức nở vì nhớ ba mẹ và anh em. Mỗi lần thấy Trà Giang khóc, những người trong gia đình nơi cô ở lại ra an ủi, động viên và cho củ khoai, chiếc bánh để giúp cô vơi đi nỗi nhớ người thân. “Những gia đình nông dân miền Bắc cũng rất vất vả, cực khổ và thiếu thốn, nhưng họ luôn dành cho học sinh miền Nam những thứ tốt nhất, thức ăn ngon nhất, mặc ấm nhất và chỗ ngủ cũng sạch sẽ và ấm nhất. Đó chính là tình cảm thương yêu, đùm bọc của người dân miền Bắc đối với những đứa trẻ miền Nam xa gia đình như tôi", nghệ sĩ Trà Giang chia sẻ thêm.

 

NSND Trà Giang được gặp Bác Hồ sau khi đóng phim Chị Tư Hậu (Ảnh do NSND Trà Giang cung cấp).

Sau khi thành phố Hải Phòng được giải phóng, các học sinh miền Nam được chuyển về Hải Phòng. Đây được xem là "Thủ đô của học sinh miền Nam" ngày ấy. Ở đó, những học sinh miền Nam được học ở một ngôi trường khang trang, to đẹp. Mặc dù lúc đó còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân ở đây luôn nhường cho học sinh miền Nam những chỗ học tốt nhất, chọn những thầy cô giáo tốt nhất để dạy tại trường này... Các thầy cô giáo rất tận tình, cùng ở nội trú và thương yêu học sinh như con em. "Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được học tập ở đây.

 

Khi còn miền Nam, vì thường xuyên phải theo ba mẹ đi vào các chiến trường, nên việc học của tôi không được liên tục, nhưng khi ra miền Bắc học tập thì chúng tôi được học một cách liên tục và bài bản hơn, đây là điều làm tôi thấy vui và hạnh phúc nhất. Học ở đây, chúng tôi được phát triển một cách toàn diện, không chỉ học văn hóa, mà còn được phát huy khả năng, năng khiếu của mình. Chẳng hạn, ai có năng khiếu thể thao thì vào đội thể thao, ai có năng khiếu múa, hát thì vào đội văn nghệ... Cũng chính từ đó, tôi đã phát huy được năng khiếu nghệ thuật của mình", nghệ sĩ Trà Giang hạnh phúc khi nhắc lại những tháng ngày học tập ở trường học sinh miền Nam.


“Ấn tượng mà mãi mãi tôi không quên đó là tình cảm chân tình của người miền Bắc dành cho những học sinh miền Nam. Đối với họ là sự yêu thương đùm bọc, không phân biệt giữa người miền Bắc với người miền Nam. Có lẽ, đó là những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc và đẹp nhất đối với tôi", nghệ sĩ Trà Giang tâm sự.


Năm 1959, nghệ sĩ Trà Giang thi vào trường múa và trúng tuyển, nhưng ba cô đã gửi những tấm ảnh của cô để làm hồ sơ dự thi vào khóa tuyển diễn viên điện ảnh đầu tiên. Từ đây, con đường điện ảnh đã mang tới cho cô nhiều thành công với những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong và ngoài nước: chị Tư Hậu trong phim "Chị Tư Hậu", chị Dịu trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", chị Nhân trong "Ngày lễ Thánh", chị Hương trong vai " Huyền thoại về người mẹ"...


Đan Phương - Hoàng Tuyết

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 6: Thắm thiết tình thầy trò
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 6: Thắm thiết tình thầy trò

“Tình cảm nồng ấm mà các thầy, cô giáo đã dành cho chúng tôi trong thời gian học tập ở trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là những kỷ niệm sâu sắc sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời”, bà Lâm Thị Nga, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ những kỷ niệm về “ngôi nhà lớn” năm xưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN