Phân chia hộ nghèo để giảm nghèo hiệu quả

Ngày 14/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" (Zero Hunger) ở Việt Nam.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần tạo ra sinh kế để giúp người dân thoát nghèo thay vì trợ cấp cho họ đồng thời phải phân chia hộ nghèo để có gải pháp phù hợp. PV báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh) về vấn đề này. 



*Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chương trình này?

Các chương trình xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Chúng ta có "Ngày vì người nghèo", các hoạt động từ thiện xã hội dành cho người nghèo. Rất đông người tham gia đóng góp ủng hộ xây dựng hạ tầng cơ sở cho người dân các vùng khó khăn.

Nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vẫn còn cao, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, thường là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là thách thức không nhỏ với chúng ta. Hơn nữa, với những nhóm đặc biệt khó khăn này nếu chỉ tập trung vào việc cấp phát hoặc hỗ trợ khi người dân khó khăn tức là chỉ cho "con cá" mà không cho "cần câu" thì chúng ta khó lòng giảm nghèo bền vững được.

*Để giúp những nhóm đặc biệt khó khăn này thoát nghèo phải làm thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải phân chia các hộ nghèo thành từng nhóm và có chính sách và giải pháp phù hợp, không thể cào bằng, dàn trải được. Đối với các hộ thoát nghèo và có khả năng thoát nghèo, cần giúp họ đẩy mạnh sinh kế bằng cách tạo việc làm phù hợp.

Có việc làm ổn định sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN.


Ngoài ra, với những người làm nông nghiệp thì tạo điều kiện cho họ có thể trở thành những nông dân chuyên nghiệp, có tổ chức, hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ mới. Còn đối với người không có ý định làm nông nghiệp thì giúp họ phát triển sản xuất đa ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ,...

Với những hộ đặc biệt khó khăn, ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng điện đường trường trạm chung cho cả xã, cũng phải phân loại thành hai nhóm. Với nhóm người có khả năng lao động, cần đào tạo kỹ năng, tổ chức cộng đồng để họ tự phát triển sản phẩm có lợi thế như: nông sản sạch, du lịch sinh thái... Với nhóm người đặc biệt khó khăn nhưng không còn khả năng lao động thì phải có chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đảm bảo cho cuộc sống của họ.  

Việt Nam được đánh giá là một trong những điển hình, hình mẫu xuất sắc về giảm nghèo. Với định hướng đúng và nhiều chương trình mục tiêu, nhiều chính sách hỗ trợ nên tốc độ giảm nghèo của nước ta khá nhanh, giảm từ mức 50% năm 1992 đến nay chỉ còn hơn 10%. Đây là một mức giảm đáng kể so với các nước.

 

*Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát động Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" (Zero Hunger) ở Việt Nam. Theo ông, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian tới?


Việc tham gia Chương trình "Không còn nạn đói" thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động. Đây còn là việc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của Liên hợp quốc.

Tham gia sáng kiến này sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.


Hữu Vinh (ghi)


Hà Nội phấn đấu đưa 3.500 hộ thoát nghèo
Hà Nội phấn đấu đưa 3.500 hộ thoát nghèo

Hà Nội phấn đấu đưa 3.500 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,8%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN