Ô nhiễm tại chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc

Chợ trâu bò ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng được họp vào các ngày mùng 4 và mùng 9 hàng tháng và đã có từ hàng trăm năm nay. 

Đến nay do nhu cầu của thị trường nên số phiên chợ trâu bò tăng dần, cứ cách 3 ngày lại có 2 phiên chợ trâu bò liên tiếp. Có thể khẳng định rằng, chợ trâu bò này không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương cũng như một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên do số lượng trâu bò mỗi phiên cquá nhiều nên chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kẻ khóc người cười sau mỗi phiên chợ

Chúng tôi đến chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc của huyện Trà Lĩnh, trong một buổi mưa phùn tầm tã, len lỏi qua đám gia súc trong ngập ngụa bùn đất lẫn phân trâu, phân bò, tôi gặp một thương lái người Nghệ An, đó là ông Nguyễn Văn Quyết. Ông Quyết kể: Trâu bò ở đây, chủ yếu mua ở Nghệ An, vận chuyển bằng ô tô, sau 2 ngày thì đến chợ. Phần lớn trâu, bò được bán lại cho các thương lái người Trung Quốc. Bình quân mỗi xe trâu, bò cũng lãi được khoảng 30-50 triệu đồng.

Do thị trấn Hùng Quốc là thị trấn biên giới nhỏ nên nhiều người đến đây vào phiên chợ trâu, bò đều có cảm giác như là “thị trấn của gia súc”. Từ mọi ngõ ngách đâu đâu cũng thấy người buộc hoặc dắt gia súc. Để phân biệt được đâu là trâu bò của mình, các lái buôn thường viết tắt tên mình và các địa phương lên lưng của gia súc. Ví dụ NAD là Dũng Nghệ An, HGB là Bình Hà Giang…Trâu bò sau khi được bán cho lái buôn Trung Quốc sẽ được ghi bằng tiếng Hán cùng với số tiền.

Không chỉ các thương lái kiếm được tiền sau mỗi phiên chợ mà có rất nhiều nghề khác ăn theo và mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương như nghề bán cỏ, bán rơm, nghề dắt trâu bò thuê, nghề bơm nước cho trâu bò và thậm chí cả nghề hót phân trâu bò…Tuy nhiên trong số các nghề ấy thì nghề dắt “đầu cơ nghiệp” qua biên giới là kiếm nhất bởi đa phần số lượng trâu bò được đưa đến đây đều được các lái buôn Trung Quốc mua và phải dắt bộ qua biên giới.

Cuối buổi chợ khi các cuộc trao đổi mua bán đã xong, cũng là lúc đội quân dắt trâu, bò với đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ xuất hiện. Nếu không để ý thì nhiều người nhầm tưởng họ là những người chăn bò bình thường của địa phương. Tuy nhiên, khi điều kiện thích hợp là họ lập tức lùa cả đàn trâu bò sang biên giới. Bà Lương Thị Hoa, người xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh không ngại ngần chia sẻ: Nhà tôi có 7 nhân khẩu nhưng ruộng đất canh tác ít, năm nào được mùa thì đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì thiếu gạo dăm ba tháng. May mà 2 năm trở lại đây trâu bò đến chợ nhiều nên mỗi phiên chợ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Có ngày gặp nhiều khách, 3 mẹ con tôi kiếm được cả triệu đồng.

Trong khi các thương lái và những người làm nghề dịch vụ ở chợ trâu bò hỷ hả kiếm tiền thì những người dân sống quanh khu chợ này đang phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ 2 năm trở lại đây, số phiên chợ nhiều lên và đầu trâu bò lên đến hơn ngàn con mỗi phiên. Do vậy số lượng chất thải từ trâu bò cũng tăng theo rất nhiều. Chị Đỗ Thị Na, người sống sát chợ bức xúc: Hơn 2 năm nay, chúng tôi khổ sở vì chợ trâu bò này. Giếng nước thì ô nhiễm nặng, đường xá thì tắc nghẽn. Mùi phân trâu, phần bò nồng, ở nhà nhưng lúc nào cửa cũng phải đóng kín.”

Theo Ông Hoàng Đức Đằng, Tổ trưởng khu phố 1 của thị trấn Hùng Quốc, khu phố có hơn 10 giếng nước sinh hoạt thì tất cả đều bị ngấm chất thải của trâu bò, nước giếng chuyển sang màu đen và có mùi hôi thối kinh khủng. Nhiều gia đình phải vào tận trung tâm thị trấn để xin nước ăn, còn nước dùng cho các sinh hoạt khác thì vẫn phải dùng tạm.

Cũng theo ông Đằng, 26 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của khu chợ này đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng của huyện nhưng huyện vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Cần sớm xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường

Những người buôn bán trâu bò ở đây cho biết để mang được trâu bò vào chợ, hàng tháng họ đã phải nộp tiền cho Ban quản lý chợ và Công ty môi trường của huyện. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, việc dọn vệ sinh ở đây rất qua loa. Vào những ngày không họp chợ, trên vỉa hè và đường phố vẫn ngập ngụa bùn đất lẫn phân trâu, bò. Hơn nữa cho dù có dọn sạch được phân trâu, bò thì chất thải từ nước tiểu cũng đã ngấm xuống nền đất và giếng nước của các hộ dân.

Ông Dương Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà lĩnh cho biết huyện đã nhận được rất nhiều đơn phản ánh của bà con sống gần khu chợ trâu bò phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện cũng đã cử cán bộ xuống kiểm tra xem xét. Phải khẳng định rằng vấn đề ô nhiễm là có thực. Để khắc phục tình trạng này, huyện đang nghiên cứu phương án xây dựng một chợ trâu bò mới xa khu dân cư và đảm bảo về yếu tố vệ sinh môi trường và thuận tiện cho việc giao thương của bà con. Tuy nhiên, để có được khu chợ mới, huyện đang gặp khó khăn về kinh phí và quỹ đất xây dựng. Huyện đã xây dựng đề án đề nghị tỉnh hỗ trợ và nếu có thể sẽ xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá của một số doanh nghiệp.

Việc huyện đang tìm kinh phí để xây dựng chợ trâu bò mới là tin vui cho những hộ dân hàng ngày đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường. Nhưng để thực hiện việc này, không phải một sớm một chiều là được. Nhiều hộ dân ở đây cho rằng trước mắt vẫn có những biện pháp quản lý mạnh. Ví dụ huyện có thể cấm việc họp chợ trâu bò dưới lòng đường, vỉa hè hoặc tại các ngã 3, ngã tư…để tránh tình trạng gây mất vệ sinh và cản trở việc đi lại của bà con; hay tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công ty môi trường và Ban quản lý chợ trong việc làm vệ sinh sau mỗi phiên họp chợ…

Mạnh Hà
Chợ bò Nghiên Loan
Chợ bò Nghiên Loan

Chợ bò Nghiên Loan được hình thành từ việc người dân địa phương và tư thương các nơi đến huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn để mua bò. Nhưng vì đường sá đi lại vào các thôn, bản khó khăn, nên tư thương và người dân quy định địa điểm, ngày giờ để những người có trâu, bò muốn bán tập trung lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN