Thương binh Nguyễn Thị Nguyên chăm sóc vườn mía của gia đình. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
|
Năm 1970, chị Nguyễn Thị Nguyên, người con gái quê Kiến Thụy, Hải Phòng, theo gia đình lên vùng cao biên giới xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khai hoang lập nghiệp. Hai năm sau đó, chị Nguyên lên đường nhập ngũ. Năm 1975, khi đất nước được giải phóng cũng là lúc biên giới có dấu hiệu bất ổn. Ngày 17/2/1979 chiến tranh biên giới nổ ra, hai ngày sau, chị Nguyên bị thương và bị địch bắt khi đang cùng trung đội chiến đấu anh dũng nhằm phá vòng vây của địch. Được trở về quê hương vào ngày 26/5/1979 theo hiệp ước trao trả tù binh giữa hai bên, hành trang ngày xuất ngũ của người thương binh 4/4 Nguyễn Thị Nguyên là những vết thương ở đầu do mảnh pháo văng vào và viên đạn ở đùi trái luôn tái phát lúc trái gió trở trời.
Trở về đời thường, chị Nguyên lập gia đình riêng. Chồng chị cũng là thương binh.Vợ chồng chị động viên nhau tích cực sản xuất nông nghiệp trên mảnh ruộng thôn Đồng Quang. Khai hoang lập nghiệp với bao gian khó, nhưng bản lĩnh người lính luôn giục giã thôi thúc, ngày lại ngày, hai vợ chồng chị vẫn kiên trì, nhẫn nại vác cuốc băng đồi khai phá vùng đất khô cằn, sỏi đá để gây dựng trang trại tổng hợp.
Năm 1982, sau một thời gian tìm hiểu nhiều mô hình cải tạo đất, vợ chồng chị Nguyên quyết định trồng rừng mỡ, keo, vì nhận thấy hai loại cây này phù hợp với đất đồi, không tốn công chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, những loại cây ăn quả ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cũng được gia đình chị đưa vào trồng dưới tán rừng như ngô, lạc, sắn... Chị cho biết, tinh thần không ngại khó khăn, vất vả của gia đình chị và sự hỗ trợ tích cực của các đoàn thể, chính quyền địa phương, sự trợ giúp, đùm bọc của làng xóm, kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định.
Thương binh Nguyễn Thị Nguyên thu hoạch ngô của gia đình. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
|
Khi mới lập nghiệp, có những ngày cả gia đình chị Nguyên cùng mắc võng, dựng lều giữa đồi hoang làm trang trại tổng hợp, không ít người dân thôn Đồng Quang cảm thấy ái ngại. Thế nhưng sau hơn 20 năm, vùng đồi trọc ngày ấy nay đã được phủ kín bởi màu xanh bạt ngàn của cây trái.
Hiện nay, trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyên có 2 ha rau đem lại nguồn thu từ 30-40 triệu đồng/vụ/năm, gần 50 con lợn/lứa, hàng trăm con gà, vịt, 1 ha ruộng lúa nước, 3 ha rừng, diện tích ngô cho thu hoạch 2 tấn hạt/vụ. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình chị Nguyên thu lãi hơn 100 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị đã xây được nhà ở kiên cố, mua sắm công cụ hỗ trợ phục vụ sản xuất và có điều kiện chăm lo cho các con học hành chu đáo.
Trở về sau "Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018" vừa được tổ chức tại Vũng Tàu, chị Nguyên chia sẻ: Những ai đi qua cuộc chiến, chịu cảnh gian nan khi kinh tế nước nhà còn khó khăn mới thấy được sự quý giá của hòa bình, niềm vui trước những thành quả kinh tế của đất nước. Với chị, "trước kia dù đã mất một phần máu thịt trên chiến trường, nhưng ngày nay được đóng góp một phần dù nhỏ vào xây dựng quê hương đổi mới, đặc biệt không trở thành gánh nặng của xã hội, đó luôn là điều những thương bệnh binh chúng tôi mong muốn".