Nữ nông dân sản xuất giỏi nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

Chị Huỳnh Thị Thu Hà (sinh năm 1975, ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang) là một trong những gương nông dân xuất sắc được vinh danh tại Hà Nội vào ngày 11/10 tới.

Chú thích ảnh
Chị Huỳnh Thị Thu Hà tại Cơ sở dịch vụ nông nghiệp Lúa Vàng. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Ông Huỳnh Công Minh, Trưởng ban Kinh tế-Xã hội Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: chị Huỳnh Thị Thu Hà là một trong hai gương nông dân xuất sắc của tỉnh được vinh danh tại Hà Nội lần này. Chị Hà được biết đến là gương điển hình trong sản xuất đạt hiệu quả cao (lợi nhuận đạt 938 triệu đồng/năm) nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cùng sự thành công trong hoạt động kinh doanh với doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng/năm.

Chị Hà thành công với mô hình “Nhân, sản xuất cung cấp giống lúa, bao tiêu toàn bộ sản phẩm giống lúa thuộc cánh đồng lớn 100 ha của nông dân xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang”. Mô hình hoạt động ổn định từ năm 2015 đến nay, góp phần thiết thực giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập.

Theo chị Hà, những ngày đầu thực hiện mô hình này gặp không ít khó khăn vì kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, đơn thuần dựa vào sản xuất truyền thống cùng các giống lúa cho năng suất không cao.

Với tinh thần vượt khó, chị Hà tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cũng như chọn lựa những giống lúa cho năng suất cao để áp dụng vào sản xuất. Chị tham dự 5 chương trình, 10 lớp tập huấn nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật VnSAT, kỹ thuật chăm sóc lúa do ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh tổ chức. Chị học tập cũng như áp dụng phương pháp kỹ thuật canh tác được tỉnh chuyển giao từ các mô hình như “3 giảm, 3 tăng”, phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn…

Sau thời gian nghiên cứu liên kết để tạo ra một chuỗi sản xuất khép kín, hiệu quả, mô hình trồng lúa theo cánh đồng lớn của chị Hà đang là cách làm hay tại xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành.

Mô hình này áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước dịch vụ hóa tất cả các khâu, từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ…, đồng thời góp phần tăng cường liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo.

Chị Hà cho biết, cá nhân đảm nhiệm hai khâu trong sản xuất của mô hình gồm: Khâu cung cấp các giống lúa như Nàng Hoa, OM 4900, OM 6162, OM 7347; giống nếp IR 4615… với số lượng cây giống từ 7.000-10.000 kg/ha tùy theo vụ Hè-Thu, Thu-Đông, Đông-Xuân. Về tiêu thụ lúa gạo theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, chị Hà điều tiết, tiêu thụ lúa gạo với giá thành cao hơn thị trường 700 đồng/kg, đảm bảo cho nông dân được hưởng lợi giá trị tăng thêm cho lúa từ các hoạt động dịch vụ. Mô hình này nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như người dân, nhất là hộ trực tiếp sản xuất ra lúa gạo.

Việc tham gia vào “cánh đồng lớn” được xem là hình thức mới, vừa mang yếu tố cộng đồng vừa cụ thể về các lợi ích kinh tế của các bên tham gia. Hình thức liên kết nhằm cung cấp đầu vào cho nông dân (được hỗ trợ 50% vốn không tính lãi) đồng thời sẽ thu mua lúa của bà con sau khi thu hoạch, với giá cao hơn thị trường 700 đồng/kg nếu lúa đạt chất lượng theo yêu cầu.

Qua tổ chức thực hiện mô hình góp phần giải quyết lao động cho gần 100 lao động thường xuyên cũng như thời vụ với thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Ông Huỳnh Công Minh, Trưởng ban Kinh tế-Xã hội Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đánh giá, mô hình của chị Huỳnh Thị Thu Hà mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa. Khi tham gia mô hình này, nông dân dùng giống xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu của cây lúa, không bón thừa đạm, chất lượng gạo tăng lên qua việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”, giảm thiểu lượng thuốc lưu tồn trong gạo…

Đây là tiền đề để tiến đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, hướng đến xuất khẩu. Có thể khẳng định, trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích một cách cao nhất.

Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, chị Hà tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đóng góp vật chất hoặc ngày công xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn ấp, xã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Chị đóng góp các loại quỹ phúc lợi xã hội hơn 200 triệu đồng/năm.

Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh cùng hoạt động xã hội, chị Huỳnh Thị Thu Hà được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành tặng Giấy khen trong thực hiện chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện trong 3 năm 2019-2021. Năm 2022, chị được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017-2022...

Hữu Chí (TTXVN)
Gương Nông dân Việt Nam xuất sắc: Nuôi đà điểu thu lãi tiền tỷ
Gương Nông dân Việt Nam xuất sắc: Nuôi đà điểu thu lãi tiền tỷ

Bà Nguyễn Thị Bình (phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn) là một trong hai gương mặt ở tỉnh Hải Dương được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Từ 60 con đà điểu đầu tiên năm 2009 đến nay, trang trại của bà đã có gần 1000 con đà điểu sinh sản và thương phẩm, thu lãi từ 1 - 3 tỷ đồng mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN