Nữ nhà giáo cần được khẳng định vị thế tương xứng với năng lực

Nữ nhà giáo có một đóng góp lớn về số lượng cũng như chất lượng trong sự phát triển ngành giáo dục. Tuy nhiên, nơi này, nơi kia vị trí trọng trách của nữ nhà giáo chưa tương xứng với cống hiến và năng lực. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa (ảnh) đã có những chia sẻ với Tin Tức về vấn đề này.

Thứ trưởng đánh giá ra sao về năng lực, vị thế của nữ nhà giáo hiện nay?

Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục. Đội ngũ nhà giáo nước ta hiện nay có khoảng 74% là nữ. Đội ngũ nữ nhà giáo có vinh dự rất lớn lao nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề đối với sự nghiệp trồng người, góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc và sức mạnh của đất nước.

Tuy nhiên, nữ nhà giáo đang gặp những vấn đề khó khăn để phát triển hết năng lực. Hiện nay, số nữ cán bộ quản lý chủ chốt trong các Sở GD – ĐT, trong các trường đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp. Hiện tại không có nữ giám đốc Sở GD – ĐT và chỉ có duy nhất một nữ hiệu trưởng đại học. Ở các trường ĐH, CĐ tỷ lệ nữ giảng viên cao chiếm khoảng 49,3% và 52%. Cụ thể như tỷ lệ nữ giảng viên có trình độ khá cao ở vùng đồng bằng sông Hồng – một vùng có chất lượng giáo dục cao - còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của chị em: GS chiếm 2,3%; PGS chiếm 14,9%, TS chiếm 19,6% so với số lượng giảng viên.

Hàng năm, nữ giảng viên được bổ nhiệm GS và PGS chiếm tỷ lệ thấp so với số GS và PGS được bổ nhiệm cùng đợt. Đâu đó vẫn còn sự định kiến, đánh giá khắt khe đối với phụ nữ; vẫn còn sự mặc cảm, tự ti ở một số chị em. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính có những tác động đến đời sống, hoạt động dạy và học tập của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên. Đây là những thách thức, rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ toàn ngành.

Ngành giáo dục nói riêng cũng như chính sách của Nhà nước nói chung với nữ nhà giáo đã được cải thiện ra sao trong những năm qua, thưa Thứ trưởng?

Để động viên chị em làm quản lý, ngành đã làm công tác quy hoạch gắn với đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ trẻ. Hiện nay, có một số nữ nhà giáo đã vào tỉnh ủy viên và trong thời gian tới lên làm giám đốc Sở GD – ĐT. Hiện nay các Sở GD – ĐT đều có nữ là phó giám đốc. Khó khăn của chị em một phần là cùng lúc phải gánh vác nhiều công việc. Phụ nữ muốn đóng góp cần phải có sự tạo điều kiện động viên của gia đình, địa phương, đặc biệt là lãnh đạo cấp ủy.

Lương cho giáo viên đã được cải thiện, cụ thể mức lương tối thiểu đã được nâng qua nhiều đợt. Nhưng quan trọng là việc bình ổn giá, đảm bảo cho nhà giáo sống được bằng lương là nỗ lực chung của toàn xã hội. Giáo viên vùng khó có ưu đãi theo Nghị định 61, đảm bảo nhà công vụ cho giáo viên, gắn bó với trường lớp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Về chế độ chính sách của nhà nước cho nữ nhà giáo, Công đoàn ngành giáo dục đang làm rất tốt việc này. Hàng năm, ngành đều có những đợt thăm hỏi động viên những chị em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Để ngành làm tốt hơn nữa cần có sự chung tay của địa phương, để đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong thụ hưởng các thành quả giáo dục.
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Lê Vân (ghi)

Nhiều giải pháp khích lệ, động viên lao động nữ
Nhiều giải pháp khích lệ, động viên lao động nữ

Những nội dung liên quan đến lao động nữ, trong đó có tuổi hưu và thời gian nghỉ thai sản đang được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho phụ nữ được chăm sóc về sức khỏe tốt hơn, vừa có nhiều cơ hội để làm việc, đóng góp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN