Nông dân trả ruộng vì các loại đóng góp

Trong phiên chất vấn sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) về vấn đề nông dân bỏ ruộng (báo Tin Tức đã có loạt bài đầu tiên về vấn đề này). Bộ trưởng cho biết nông dân bỏ ruộng không gieo trồng và nông dân trả ruộng là hai khái niệm khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN/Nhan Sáng


Bộ NN&PTNT thống kê ở các địa phương cho đến tháng 9/2013 có gần 43.000 hộ đã không gieo trồng 6.880 ha, có 3.400 hộ trả lại 433 ha. Việc nông dân không gieo trồng có nhiều lý do nhưng lý do chính là do yếu tố tự nhiên, ngoài ra cũng do nhiều điều kiện gieo trồng trên những mảnh đất đó không có lợi nhiều nên bà con đã không làm. Cũng có một số gia đình thiếu lao động hoặc có lao động nhưng đi làm việc khác có lợi hơn.

Việc trả ruộng có lý do là một số địa phương tính việc đóng góp của nhân dân để làm đường, làm công trình phúc lợi… theo đầu sào, nên bà con thấy làm một sào ruộng thu được 100.000 - 200.000 đồng nhưng thu lại gần 1 triệu đồng thì bà con thấy tốt nhất thôi nên trả ruộng. Đã có tình trạng đó nên vấn đề trước mắt cũng như lâu dài là phải tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần phải chấn chỉnh việc thu trên đầu sào, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng các phí và cũng như đóng góp của nhân dân để đảm bảo các nguyên tắc và các quy định của luật pháp.

Về việc trồng cây cao su ở miền Trung, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cây cao su đã được lựa chọn với miền Trung nhưng trong điều kiện thay đổi của khí hậu thì cần phải rà soát lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là không trồng được cây cao su ở miền Trung. Trong 80.000 ha, vừa qua chỉ có 20.000 ha bị ảnh hưởng của bão, còn 60.000 ha vẫn bình an. Điều đó không có nghĩa là nên bỏ. "Cái chính là chúng ta phải giúp cho nhân dân tiếp tục trồng những cây có sự sàng lọc, lựa chọn qua nhiều năm có hiệu quả hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh. Việc tiếp tục điều chỉnh trồng cây cao su sẽ được Bộ NN&PTNT bàn cụ thể với các địa phương trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.



Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN