Nỗi niềm nhân viên trung tâm cai nghiện

Áp lực công việc, những nguy cơ có thể bị lây nhiễm HIV, bị đe dọa tính mạng từ các học viên… luôn là chuyện thường ngày mà các cán bộ, nhân viên làm việc tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng phải đối mặt. Nhưng, lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó với trung tâm đã giúp họ vượt qua nhiều khó khăn của một công việc đặc thù.

Sống trong nguy hiểm cận kề

Tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, các cán bộ nhân viên, đặc biệt là nhân viên y tế làm việc tại đây rất ngại nói về công việc của chính mình. Phải lắng nghe và tìm hiểu thêm, chúng tôi mới hiểu được những vất vả, cực nhọc trong công việc của các anh chị.

Lại Thị Hiền về công tác tại trung tâm đã được 2 năm. Giọng Hiền nhỏ nhẹ: “Có một hôm, vào giờ trực trưa, khi tôi đang ở trong phòng thì có học viên kêu đau bụng. Tôi bảo bệnh nhân đi lên phòng khám trước, rồi tôi cầm chìa khóa lên sau. Đi đến cửa, bỗng nhiên học viên kéo giật người tôi lại rồi giữ chặt lấy người, gí kéo vào cổ tôi để đe dọa và đòi lấy điện thoại của tôi gọi cho gia đình. May mà ngay sau đó, có lãnh đạo trung tâm đến giải cứu. Nghĩ lại chuyện này vẫn run”.

Cũng có khi, do tuổi đời và tuổi nghề còn ít, nhân viên gặp sự cố khi chữa trị cho học viên tại trung tâm. Đó là chuyện của Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1988, làm việc ở Khu điều trị HIV/AIDS, trong một lần đi tiêm truyền cho bệnh nhân, chị đã bị kim tiêm đâm vào tay. “Mặc dù anh chị em làm cùng đã động viên rất nhiều, nhưng suốt 3 tháng sau sự việc đó, tôi luôn sống trong tâm trạng lo lắng, ăn không ngon, đêm không ngủ được. Đến khi biết mình không nhiễm HIV/AIDS, mới nhẹ cả người”. Sự cố này với Trang là một bài học “để sau này mình phải hết sức cẩn thận trong quá trình làm việc và chữa bệnh cũng như tiếp xúc với bệnh nhân”, Trang nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, Phó trưởng phòng y tế Khu điều trị HIV/AIDS thăm bệnh cho một học viên.


Theo lãnh đạo trung tâm, trong số 1.200 học viên đang được điều trị, có 70% học viên có tiền án, tiền sự, gần 50% nhiễm HIV, trong đó 30% chuyển sang giai đoạn AIDS. “Trong quá trình cắt cơn cai nghiện, trạng thái tâm lý họ không bình thường, họ có thể chống đối và gây thương tích cho người thi hành công vụ. Chính Giám đốc Trung tâm cũng từng rơi vào trường hợp tương tự khi cán bộ cấp dưới bị học viên khống chế đã xông vào “giải cứu” và đã bị thương tích”, ông Phạm Anh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết. Cũng theo ông Hải, trong môi trường làm việc đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ học viên sang cán bộ là rất cao, nhất là nhiễm HIV, hoặc bệnh lao. Điều may mắn là tới nay, chưa có cán bộ nhân viên nào bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, nhiều người do không chịu được áp lực công việc đã rời bỏ trung tâm. “Có năm, có 12 nhân viên bỏ việc, Trung tâm buộc phải tuyển thêm vào. Trong khi đó, việc tuyển nhân viên vào rất khó. Chưa có trường đào tạo riêng cho những người làm công việc cai nghiện này”, lãnh đạo trung tâm trăn trở.

Vượt qua áp lực, tận tụy với nghề

Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng hiện có trên 20 cán bộ và nhân viên y tế trực tiếp làm việc ở khu cắt cơn nghiện và khu điều trị AIDS, trong đó có 2 bác sĩ, còn lại là y tá và nhân viên chuyên ngành y và điều dưỡng.

Chị Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1979, là một trong những nhân viên y tế làm việc từ năm 2004, những ngày đầu tiên trung tâm mới thành lập. Trước khi bước chân vào làm ở đây, Phượng đã xác định công việc sẽ có nhiều khó khăn. Cái khó trước hết là ở gia đình. “Bố mẹ không hiểu cụ thể công việc mình ở đây là gì, chỉ nghĩ là mình vào đây thì ngày ngày phải tiếp xúc với những đối tượng nghiện, nhiễm HIV/AIDS nên rất lo. Lại nghe người ngoài nói ra nói vào, các cụ sợ con gái làm ở đây rồi nguy cơ nhiễm HIV/AIDS rất cao, cứ bắt nghỉ việc”. Bằng tình yêu nghề, kiến thức, Phượng đã dần dần làm cho bố mẹ yên tâm. “Mình bảo: Con đã học qua rồi, con biết cách đảm bảo được an toàn cho mình khi làm việc, bố mẹ yên tâm. Mình cũng nói với các cụ rằng không dễ dàng lây nhiễm như các cụ suy nghĩ. Sau nhiều lần giải thích, bây giờ gia đình mới không đòi mình phải nghỉ việc nữa”, Phượng kể.

“Biết rất rõ với người nghiện, tỷ lệ mắc HIV/AIDS rất cao nên “trong đầu mình lúc nào cũng tự nhắc mình phải luôn thận trọng, có cách phòng tránh để đảm bảo an toàn cho mình”, Phượng nói. Đây cũng là “tâm thế” chung của các cán bộ, nhân viên làm việc ở trung tâm.

Cùng với quyết tâm và kinh nghiệm của mỗi cá nhân tự rút ra trong quá trình làm việc, sự quan tâm, động viên của đồng nghiệp, lãnh đạo cũng góp phần giúp các nhân viên y tế mỗi ngày càng tận tụy làm việc hơn. Chị Nguyễn Thị Oanh, bác sĩ, Phó trưởng Phòng Y tế của Khu điều trị HIV/AIDS cho biết, sau khi những nhân viên gặp tình huống nguy hiểm, cùng với lãnh đạo trung tâm, cá nhân chị, “với tư cách như một người đồng nghiệp đi trước vừa như một người chị cả trong tổ điều trị đã động viên các em làm cái gì trong quá trình chữa bệnh cũng phải thận trọng”. Chia sẻ với các nhân viên, chị nói: “Khi chữa bệnh cho học viên, mình phải có tâm lý coi các học viên cũng như các bệnh nhân bình thường. Giữ cho mình không có cảm giác lo lắng, không run thì mới làm được”, chị Oanh giải thích.

Nhiều nhân viên đã xác định sẽ gắn bó lâu dài với trung tâm và sẽ làm chuyên môn thật tốt. “Chưa chắc vào làm ở bệnh viện lại ít nguy cơ hơn ở đây”, chị Phượng cười.

Làm ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người, với ý thức nghề nghiệp đó, hàng chục cán bộ nhân viên đã bền bỉ trải qua nhiều áp lực công việc và nguy hiểm cận kề, góp phần vào thực hiện công tác cai nghiện, giúp nhiều người nghiện được chăm sóc sức khỏe tốt nhất và được quan tâm động viên để có niềm tin và quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN