Nỗi nhớ của người lính đảo năm xưa

“Lần đầu tiên đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn tôi đã cảm nhận được tình đồng đội thắm thiết nơi đây. Mới gặp mặt nhưng ai nấy đều tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau ríu rít hỏi chuyện như anh em trong nhà, cảm giác ấy thật khó có thể diễn tả được”, trung tá Bùi Đức Chỉnh, một cán bộ từng công tác 3 năm tại đảo Trường Sa, chia sẻ.

 

Trung tá Bùi Đức Chỉnh đang là Phó Chủ nhiệm kỹ thuật tại trường trung tấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp (cơ sở đóng tại Nho Quan, Ninh Bình). Với anh, những ngày làm nhiệm vụ ở Trường Sa gần 13 năm trước luôn là những kỷ niệm không thể nào quên.

 

Những người lính Trường Sa luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Ảnh: Thế Toàn


Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Tin Tức, trung tá Bùi Đức Chỉnh kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu ra đảo. Cuộc hành trình đến Trường Sa Lớn của anh bắt đầu từ cảng Cam Ranh với chuyến tàu từ 4 giờ sáng ngày hôm trước đến 3 giờ chiều ngày hôm sau. Trung tá Bùi Đức Chỉnh chia sẻ: “Đặt chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên của tôi là thời tiết khắc nghiệt, cây cối không nhiều như đất liền. Đứng từ đảo nhìn ra xung quanh chỉ toàn là một vùng biển mênh mông rộng lớn. Nhưng đã xác định được rằng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của mỗi quân nhân nên chúng tôi đều cảm thấy tự hào, vinh dự và coi đảo Trường Sa như ngôi nhà thứ hai của mình”.


Thời gian công tác ở đảo Trường Sa Lớn, ngoài thực hiện nhiệm vụ huấn luyện các mặt của công tác trực sẵn sàng chiến đấu, anh Chỉnh còn cùng đồng đội nỗ lực tăng gia sản xuất. Giai đoạn những năm 1995, điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà trên đảo đều là nhà cấp 4 mái lợp prôximăng hoặc cót ép.


“Chúng tôi trồng rau, nuôi chó, lợn, gà. Các đồng chí chưa đến phiên làm nhiệm vụ thì đi đánh cá cạn. Lúc ấy, chưa có phương tiện che chắn nhiều như bây giờ nên trồng rau rất khó, giống cây trồng cũng hạn chế. Nhưng rồi, những khó khăn ấy cũng không làm khó được người lính, chúng tôi vẫn nỗ lực trồng những vườn rau xanh và chăn nuôi để cải thiện đời sống”.


Trung tá Chỉnh kể lại: “Ngày Tết trên đảo có lẽ là kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất trong thời gian tôi công tác ở Trường Sa. Không có hoa đào, chúng tôi chế tác cành phi lao khô để làm cành đào, còn hoa đào, nụ đào được làm từ xốp rồi nhuộm phẩm màu; nải chuối cũng là sản phẩm được hình thành từ xốp sau khi cắt gọt và nhuộm màu bởi gạch non mài pha với nước”.


“Khi những chuyến tàu cuối cùng của năm đưa quân ra đảo đem cho chúng tôi từ lá gói bánh, đậu xanh đến hành, muối... Anh em cán bộ, chiến sỹ tập trung gói bánh, luộc bánh rồi đem chia cho từng phân đội theo đầu người. Cũng như bộ đội ở đất liền, chúng tôi tổ chức đón giao thừa, hái hoa dân chủ, ca hát và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tết là lúc anh em nhớ nhà nhất nhưng đều động viên nhau đặt nỗi nhớ sang một bên, cố gắng bảo đảm công tác bảo vệ biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc. Tất cả đều xác định “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.


Theo trung tá Chỉnh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo trở về đất liền, trong anh vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc, quân đội giao phó, được trở về gặp gia đình. Nhưng cũng buồn vì không còn được ở lại đảo và phải chia tay với các đồng chí, đồng đội của mình.


Những câu chuyện về biển đảo, về nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc của anh bộ đội cụ Hồ luôn được anh truyền thụ trong quá trình đào tạo các chiến sỹ trẻ tại trường trung tấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp.


Trước khi chia tay, trung tá Bùi Đức Chỉnh đã nói với chúng tôi: “Nếu bây giờ được Đảng và quân đội tin tưởng giao phó, tôi sẵn sàng trở lại đảo Trường Sa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.


Ánh Tuyết

Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng:  Những kỉ niệm khó quên ở Trường Sa
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Những kỉ niệm khó quên ở Trường Sa

Trong 3 năm liên tiếp, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng đã có 3 lần vinh dự tới quần đảo Trường Sa để biểu diễn phục vụ bà con, chiến sỹ. Mỗi lần tới Trường Sa lại cho anh một cảm xúc riêng và đó cũng là những kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của Nguyễn Phi Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN