Nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực

Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt được những kết quả khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập đang ngày càng bức thiết.

Đầu tư nhiều

Có thể nói, trong 6 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh, chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một chương trình trọng điểm, mang tính dài hơi và nếu thực hiện tốt, sẽ có tác động căn cơ đến sự phát triển của thành phố cũng như cả nước.

Riêng chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, trong 5 năm thành phố đã đầu tư gần 36,3 nghìn tỷ đồng với nhiều chương trình nhỏ, từ việc xây dựng chuẩn kiểm định khu vực ASEAN cho đến đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kí túc xá, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tăng cường hợp tác đào tạo… Thống kê cho thấy, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng trên 73%, trong đó có nhiều trường đạt tỷ lệ trên 80%, hoặc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tỷ lệ có việc làm là 100%.

Theo đánh giá của UBND thành phố, chất lượng đào tạo được nâng lên, gắn với nhu cầu xã hội, dần dần tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đang tiến đến chuẩn giáo dục và đào tạo quốc tế trong khu vực, thu hút sinh viên các nước ASEAN đến học tập. Số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp ngày càng đông, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một trong những chương trình nhỏ khác được thành phố chú trọng đầu tư là Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân. Nếu tính từ đầu chương trình đến nay, thành phố đã tổ chức 719 lớp với hơn 36.000 lượt học viên tham gia. Phần lớn các lớp học của chương trình này tập trung vào khởi sự doanh nghiệp (DN), quản trị DN và các lớp đào tạo chuyên ngành. Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng yếu của thành phố đạt 100%.

Đánh giá về sự quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế mang lại cho thành phố nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay từ Đại hội IX Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, đã thực hiện Chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế, phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo của người học, coi trọng thực hành, thực tế. Ngoài những gì đã đạt được, thành phố vẫn đang tiếp tục thực hiện với những nội dung và có tính yêu cầu cao hơn, trong đó điểm nhấn là cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; nâng cao công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là các nghề tự do di chuyển lao động trong khu vực ASEAN như nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, tư vấn khảo sát và du lịch; hỗ trợ DN tái đào tạo nguồn nhân lực, lao động chuyên môn kỹ thuật trong giai đoạn tái cấu trúc và chuyển đổi do biến động về thị trường, ngành nghề dưới tác động của hội nhập.

Hiệu quả thực tế chưa cao

Một chuyên gia về kinh tế nói rằng, cứ nhìn vào đội ngũ “nhà giàu” của Việt Nam cũng như của TP Hồ Chí Minh, chúng ta có thể hình dung chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đang ở đâu. “Đại gia” của chúng ta, phần lớn giàu lên nhờ bất động sản, nhờ “phù phép” từ việc chạy các dự án. Điều này phản ánh con đường làm giàu của chúng ta là con đường làm giàu không phải bằng “nhân lực chất lượng cao”. Phần lớn DN sản xuất của chúng có quy mô nhỏ và rất nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu và có quá ít những nhà sản xuất có thể tạo được những sản phẩm, những thương hiệu lớn để có thể sống được từ chính thương hiệu đó, sản phẩm đó… Càng thiếu hẳn những nhà sản xuất, tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Những sản phẩm về công nghệ quang học, công nghệ điện tử, CNTT… mà chúng ta vẫn tự hào là “công nghệ cao” phần lớn cũng chỉ là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và chúng ta đơn thuần là đơn vị gia công và cũng chỉ gia công những công đoạn đơn giản. Đây là một thực trạng đã kéo dài lâu nay mà chúng ta vẫn chưa thay đổi được. Thực trạng này càng hết sức đáng lo ngại trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy, sau 5 năm thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, các trường đã có 21 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 655 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở thực hiện tại các trường, 857 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có 671 công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và 186 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn những công trình này vẫn nằm trên giấy, chưa có công trình nào có thể ứng dụng vào cuộc sống hoặc có thể triển khai thực hiện để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Thạc sĩ Mai Thị Quế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù những con số thống kê từ chương trình này rất khả quan, nhưng trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng tiếp cận thiết bị mới, công nghệ hiện đại... Chưa kể, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu và tác phong nghề nghiệp của học viên, sinh viên hiện vẫn còn rất yếu. Các chương trình giáo dục đào tạo trong trường đại học, cao đẳng vẫn còn thiếu tính liên thông, tương thích giữa các ngành nên đào tạo còn nhiều trùng lặp, lãng phí. Một số chương trình còn lạc hậu, chậm cập nhật nên tổ chức sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo lại. Nhiều chủ DN cũng cho rằng, Chương trình giáo dục đào tạo đang bị mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Nhiều cử nhân đại học tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng khi được yêu cầu trình diễn một số kỹ năng cơ bản liên quan đến khoa học công nghệ thì rất lúng túng, không giải quyết được.

TP Hồ Chí Minh hiện có 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 12 trường cao đẳng nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 26 trường trung cấp nghề và trên 370 cơ sở dạy nghề. Theo thống kê, thành phố cung cấp cho xã hội trên 300.000 lao động mỗi năm.Trong đó, lao động đang làm các nghề đơn giản và thợ chiếm 41,4%; lao động có chuyên môn kỹ thuật là 21,1% và các loại công việc khác chiếm 33,5%.Theo tính toán của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thành phố đang sở hữu một lượng nhân lực khá dồi dào nhưng chưa cao về chất lượng.


Lê Hiền
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Phát triển tốt kinh tế sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo đảm an sinh xã hội và làm tốt an sinh xã hội là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN