Nơi ấy, ấm áp nghĩa tình đồng đội

“Phần lớn cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều là bộ đội chuyển ngành nên rất đồng cảm, quý trọng các đồng chí thương, bệnh binh nặng, những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho đất nước...”, đại diện Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh nặng xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, chia sẻ.

Có hiểu mới thương

Xây dựng trên khu đất rộng, Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng (xã Liên Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) được chia thành hai khu vực: Hành chính và nơi ở cho thương bệnh binh (TBB). Khu vực nhà ở cho TBB gồm các dãy nhà ở thấp tầng xen lẫn trong các vườn hoa, cây xanh, nhà ăn, trạm xá... Mỗi căn phòng của thương, bệnh binh (TBB) rộng chừng 30 m2, được bố trí khép kín, có đầy đủ tiện nghi, rất khang trang, sạch sẽ. Bác Hà Quang Sơn, thương binh ¼ với tỷ lệ thương tật trên 90%, xúc động nói: “Cán bộ nhân viên trung tâm và chúng tôi như người một nhà, chúng tôi được chăm sóc rất chu đáo. Ngày thường, những đồng chí không tự chủ được sinh hoạt cá nhân thì được nhân viên phục vụ ăn uống, tắm giặt, dọn dẹp... Khi bệnh nặng cần phải chuyển lên tuyến điều trị cao hơn thì nhân viên trung tâm đi cùng, phục vụ ăn uống, thuốc thang và lo lắng cho cả chuyện vệ sinh cá nhân...”.

Cán bộ y tế Bệnh viện 103 khám bệnh cho thương, bệnh binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh nặng xã Liêm Cần.


Chị Nguyễn Thị Phim, nhân viên phục vụ tại Trung tâm điều dưỡng, tâm sự: “Thú thực lúc đầu vào nghề tôi cũng ngại lắm, nhưng khi đã hiểu họ rồi thì rất thương. Giờ, lắm lúc tụi tôi vẫn bị mắng xơi xơi đấy. Nhưng biết lúc đó là các anh, chị em TBB đang rất đau đớn do vết thương cũ tái phát nên chúng tôi ai nấy đều cố gắng, không dám phàn nàn dù chỉ một câu...”.

Hiểu rồi sẽ thương nên những nhân viên phục vụ tại Trung tâm điều dưỡng vẫn không tỏ ý nề hà những khi phải chịu cảnh ăn quán, ngủ ngoài hè suốt những ngày TBB nằm điều trị ở BV 103 hay BV Bạch Mai. Các chị đều nói, đó là những công việc đã quá quen thuộc (có năm trung bình có tới 300 ngày TBB phải đi nằm viện). “Tất nhiên, đôi lúc cũng lo lo vì mọi việc từ trông nom con cái đến việc nhà việc cửa đều phải giao phó hết cho chồng”, chị Phim chia sẻ.

Giải quyết khó khăn cho thương, bệnh binh

Theo Ban lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng TBB nặng xã Liêm Cần, phần lớn cán bộ, nhân viên ở đây đều đã gắn bó với Trung tâm từ thời kỳ đầu thành lập (năm 1972). Đặc biệt, trong số 46 cán bộ, nhân viên thì có hơn 30 người đã trải qua quân ngũ. Do đó, họ luôn hiểu tâm tư của TBB cùng trăn trở với những nguyện vọng của các TBB.

Trung tâm Điều dưỡng TBB nặng xã Liêm Cần đang chăm sóc tại chỗ cho 33 TBB nặng (cụt 2 chân, liệt toàn thân, vết thương sọ não). Trung tâm là đơn vị đầu tiên phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức và giải quyết cho 464 TBB nặng về an dưỡng tại gia đình. Sau đó, cách làm hiệu quả này đã được áp dụng trên toàn quốc. Đặc biệt, Trung tâm còn tổ chức cai nghiện thành công cho 21 TBB nghiện moóc phin, Dolacgal (bị nghiện trong quá trình điều trị vết thương do chiến tranh)... Và với rất nhiều thành tích nổi bật khác, Trung tâm Điều dưỡng TBB nặng xã Liêm Cần đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng Nhất (năm1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2000), danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005)...

“Trung tâm xác định trong công tác quản lý TBB, điều quan trọng là phải gần gũi, nắm bắt được tâm lý, tình cảm của anh, chị em. Muốn vậy, phải đi sâu, đi sát, hiểu rõ từng hoàn cảnh TBB để có biện pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Đinh Công Thuấn khẳng định.

Hiện nay, đa số TBB đều có gia đình, vợ con ở quê, đời sống còn nhiều khó khăn, rất cần sự có mặt của người chồng nhưng thương tật nặng khiến các anh dù thương vợ con nhưng đành bất lực. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không yên tâm về tư tưởng, bất ổn về tâm lý của không ít TBB. Do đó, hàng năm Trung tâm Điều dưỡng TBB nặng xã Liêm Cần thường thành lập các tổ công tác về địa phương để nắm bắt tình hình của từng gia đình TBB, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Với các gia đình TBB có con chưa có việc làm, Trung tâm liên hệ với Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, giúp hơn 20 cháu đi học nghề và ổn định việc làm. Nhờ vậy, nhiều TBB đã trút được nỗi canh cánh về việc làm và kinh tế gia đình không ổn định...

“Tính ích kỷ, thờ ơ với người khác, hay thiếu trách nhiệm... là những điều không bao giờ được có trong những cán bộ làm công tác nơi đây. Chúng tôi cũng rất coi trọng nâng cao đời sống tinh thần cho TBB (mời chuyên gia tới nói chuyện, xây dựng thư viện với hàng trăm đầu sách, tổ chức các hoạt động thể thao...)... Chính những việc làm thiết thực đó đã khiến TBB và cán bộ, nhân viên trung tâm ngày càng gần gũi với nhau hơn, giúp anh em có cảm giác như sống tại gia đình và luôn được bao bọc trong nghĩa tình đồng đội”, ông Đinh Công Thuấn, Phó phòng Tổ chức của Trung tâm Điều dưỡng khẳng định.

Bài và ảnh: Phương Liên

Xây dựng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Tắt - Trường Sơn

Kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2011), sáng 25/7, tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng công trình Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Tắt - Trường Sơn. Công trình có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, được Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương tài trợ thông qua Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải phóng, do Trung tâm Bảo tồn di tích, danh thắng tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Tắt - Trường Sơn được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 3.100 m2, theo lối kiến trúc cổ, từ cổng đền đi vào là chính điện, mỗi bên đều có am thờ.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 37 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012), 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 2012), 40 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị (1972 - 2012) và 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012). 

 Trịnh Bang Nhiệm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN