Nổ mìn thi công thủy điện Sêrêpốk 4A, dân lo sập nhà

Hơn 3 tháng nay, hàng chục hộ dân ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) phải sống trong lo âu thấp thỏm, nhà bị nứt toác, tính mạng bị đe dọa do việc nổ mìn thi công kênh dẫn dòng của Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A.

Ngôi nhà mới xây, bỗng dưng xuất hiện nhiều vết nứt lớn ngang dọc trên tường, trần nhà, anh Nguyễn Văn Thịnh (buôn Ea Mar, xã Krông Na) cho biết: ngôi nhà này được gia đình xây dựng và hoàn thành vào tháng 8/2011 với kinh phí 750 triệu đồng. Hơn 3 tháng nay, khi đơn vị thi công kênh dẫn dòng của Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A liên tục thực hiện nổ mìn thì tường và trần nhà bắt đầu xuất hiện các vết nứt ngang dọc. Cứ sau mỗi lần nổ mìn, lại có thêm vết nứt mới xuất hiện, vôi vữa văng xuống cả nền nhà.

Cũng trong tình trạng như vậy, anh Nguyễn Đình Thịnh bức xúc nói: Họ thường nổ mìn vào tầm 11 giờ trưa và 5 giờ chiều. Mấy lần đầu nổ mìn, khi nhà rung lên bần bật, đứa con nhỏ sợ quá khóc thét, chui tọt xuống gầm giường trốn. Vì sợ nhà sập nên bây giờ hễ nghe tiếng kẻng báo nổ mìn là cả nhà chạy hết ra đường. Thêm dăm bảy lần nổ lớn nữa chắc nhà tôi bị sập mất.

 

Ngôi nhà của anh Nguyễn Đình Thịnh xuất hiện nhiều vết nứt lớn, có nguy cơ đổ sập. Ảnh: tinmoitruong.vn



Anh Nô Tam, cán bộ địa chính xã Kông Na cho biết: nhà anh cách công trường nổ mìn hơn 3km nhưng mỗi lần mìn nổ vẫn bị rung lắc dữ dội và bắt đầu xuất hiện vết nứt nhỏ. Mới đây, 17 hộ dân ở buôn Ea Mar đã làm đơn tố cáo việc Công ty TNHH MTV 470 nổ mìn thi công kênh dẫn dòng Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A làm nhà của họ bị nứt, có nguy cơ bị sập, tính mạng người dân bị đe dọa nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường. Cùng đi khảo sát hiện trường, anh Nguyễn Văn Duyện, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn cho rằng: Do các hộ dân xây nhà không có giấy phép xây dựng nên việc xác định nguyên nhân nứt nhà của các hộ dân nói trên cần phải được các cơ quan chuyên môn, đủ thầm quyền tổ chức giám định.

Ông Phạm Văn Thanh, Phó giám đốc Xí nghiệp 471 – thuộc Công ty TNHH MTV Xây dựng 470, là đơn vị đảm nhận việc thi công đoạn kênh dẫn dòng cho biết: việc nổ mìn của đơn vị thực hiện đúng theo giấy phép của các cơ quan chức năng. Theo đó, lượng thuốc nổ tối đa được phép dùng cho một lần nổ là 1,386 tấn, tuy nhiên từ khi bắt đầu thự hiện nổ mìn đến nay lần nổ lớn nhất công ty cũng chỉ sử dụng lượng thuốc nổ 1,36 tấn, còn thông thường đơn vị chỉ dùng 600 - 800kg cho mỗi lần nổ. Khu vực dân cư cũng nằm ngoài bán kính nguy hiểm cho phép 150m đối với nhà, vật kiến trúc và 200m đối với người. Đơn vị cũng chưa nhận được phản ánh nào từ phía người dân về việc bị nứt nhà từ việc nổ mìn, còn việc bị ô nhiễm là không thể tránh khỏi.

Ông Khuất Văn Sơn, Phó phòng kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn - chủ đầu tư cho rằng: nếu trong quá trình thi công gây thiệt hại cho người dân thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ. Phía chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp tìm hiểu, kiểm tra để có phương án hỗ trợ bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Sanh, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: “Lãnh đạo huyện chưa nghe báo cáo về vấn đề này. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu việc người dân khiếu nại là đúng, chúng tôi sẽ yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với đơn vị thi công thực hiện đền bù, hỗ trợ cho người dân theo sự thỏa thuận của các bên”.

Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A có công suất 64MW, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư. Nguồn nước để vận hành tổ máy được lấy trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Srêpôk 4 thông qua tuyến kênh dẫn dài gần 9km, đi qua địa phận các xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na của huyện Buôn Đôn.


TTXVN/ Tin Tức

Vụ sập hầm thủy điện: Dừng thi công để tìm nguyên nhân
Vụ sập hầm thủy điện: Dừng thi công để tìm nguyên nhân

Sáng 20/8, tỉnh Nghệ An đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công dừng thi công đường hầm thủy điện Nậm Pông để điều tra làm rõ nguyên nhân sập hầm, gây tai nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN