Nỗ lực xây dựng chỉ số hạnh phúc từ cơ sở

Sau hơn 3 năm thực hiện mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, tỉnh Yên Bái đã từng bước chuẩn hóa, hiện thực hóa giá trị của “hạnh phúc”. Thông qua việc xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, thống nhất từ nhận thức đến hành động, lấy địa bàn cơ sở để cụ thể hóa, phấn đấu tăng dần chỉ số này qua từng năm.

Chú thích ảnh
Để xây dựng chỉ số hạnh phúc từ cơ sở, Yên Bái luôn đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa văn hóa, xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; đề cao tình làng nghĩa xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa riêng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân

Chỉ số hạnh phúc của tỉnh được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí cơ bản là: sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống và tuổi thọ trung bình. Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ ở bất cứ địa phương nào trong cả nước. Trong khi đó, khái niệm “hạnh phúc” khá trừu tượng gây khó khăn trong quá trình lượng hóa thành những tiêu chí cụ thể tại cơ sở.

Ông Giàng A Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên) cho rằng, những tiêu chí này khẳng định chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành mong muốn, mục đích sống và nền tảng tinh thần quan trọng, hằng ngày, hằng giờ tác động trực tiếp tới mỗi người dân. Do vậy, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân cần xuất phát từ gia đình hạnh phúc, thôn, bản hạnh phúc, trường học hạnh phúc, trạm xá hạnh phúc, xã hạnh phúc... Tất cả đều được thực hiện tại cơ sở.

Để xây dựng chỉ số hạnh phúc từ cơ sở, Yên Bái luôn đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa văn hóa, xã hội, kinh tế và bảo vệ môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; đề cao tình làng nghĩa xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, chính quyền các địa phương trên địa bàn đã huy động sức dân trong việc “đối ứng” tham gia vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn, xóm, tổ dân phố hạnh phúc.

Ngôi nhà mới của gia đình bà Bàn Thị Thêm (dân tộc Dao, thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên) vừa mới được hoàn thành sau nhiều năm cả nhà sống trong căn nhà tạm bợ, siêu vẹo. Năm 2023, với sự hỗ trợ của chính quyền và đóng góp của người dân trong thôn, gia đình bà Thêm được hỗ trợ 50 triệu đồng để hoàn thiện ngôi nhà với diện tích sử dụng gần 100 m2. Ngoài ra, gia đình còn được hỗ trợ quế giống, bò giống, lợn giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bà Thêm vui mừng cho biết, gia đình bà cùng một vài hộ khó khăn khác trong thôn đăng ký xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình bà đã xây được nhà ở chắc chắn, hoàn thành tiêu chí khó khăn nhất của gia đình hạnh phúc. Bà sẽ cùng người dân trong thôn cố gắng lao động sản xuất, tiếp tục hỗ trợ cho những hộ khó khăn khác trong thôn có nhà kiên cố.

Bản Trống Là (xã Hồ Bốn) được huyện Mù Cang Chải lựa chọn xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc”. Ông Lìm Văn Hòa, Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Trống Là chia sẻ, xây dựng "Bản hạnh phúc” đã làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân, từ chỗ bị động, hưởng trợ cấp của Nhà nước đến việc làm chủ, tự giác đóng góp công sức cùng có trách nhiệm xây dựng những tiêu chí của địa phương. Mục tiêu xây dựng "Bản hạnh phúc” của Trống Là là mỗi người dân đều sống vui, khỏe mạnh, đoàn kết, sống có ý nghĩa và hài lòng về cuộc sống, môi trường sống xung quanh.

Xây dựng trường học, bệnh viện hạnh phúc

Bằng những hoạt động thiết thực, phù hợp, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Suối Giàng (huyện Văn Chấn) đã cụ thể hóa khái niệm “hạnh phúc” trong môi trường dạy và học để xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”. Mỗi góc nhỏ trong lớp, góc xanh nơi sân trường đều có sự chung tay xây dựng, chăm sóc của các học sinh. Thầy cô là người hướng dẫn, thiết kế theo hướng mở để các em vừa học tập vừa sinh hoạt thoải mái, gần gũi như ở nhà.

Thầy Hà Việt Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Suối Giàng cho biết, nhà trường xây dựng “Trường học hạnh phúc” từ việc xây dựng “Lớp học hạnh phúc”. Bên cạnh những tiêu chí của trường học đạt chuẩn quốc gia, "Trường học hạnh phúc" đề cao việc giảng dạy kỹ năng mềm cho các em, phát triển cả về trí tuệ, đạo đức và nghị lực, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Để làm được điều đó, việc dạy và học phải phù hợp với đặc thù văn hóa, tập quán sống ở mỗi vùng miền và khiến học sinh mong muốn đến trường hàng ngày, sống có ước mơ và hoài bão.

Hơn 2 năm nay, phong trào “Bác sỹ tận tâm - Bệnh nhân hạnh phúc” đang được triển khai tại 7 bệnh viện và trung tâm y tế ở tỉnh Yên Bái. Trong đó, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái là một điển hình trong thực hiện mục tiêu “Bệnh viện hạnh phúc”. Trung tâm đã thành lập “Tổ chăm sóc chỉ số hạnh phúc về y tế” với nhiều hoạt động như: tư vấn sức khỏe, hỗ trợ người bệnh sau khi khám và điều trị tại đơn vị.

Ông Bùi Thạch Vỹ (cán bộ nghỉ hưu tại phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái) hài lòng cho biết, các y, bác sỹ của Trung tâm chăm sóc, thăm khám nhiệt tình, thân thiện. Nhờ đó, bệnh nhân luôn có tư tưởng thoải mái, điều trị bệnh hiệu quả hơn. Môi trường y tế ở đây luôn xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, Trung tâm còn đặt lịch khám, chữa bệnh qua mạng, tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm tại nhà; cấp phát thuốc miễn phí cho người dân từ 60 tuổi trở lên và duy trì thực hiện khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho nhân dân…

Yên Bái hiện có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, gần 40% thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc. Toàn tỉnh có trên 500 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá "Gia đình, thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” làm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng mô hình "Xã, phường, thị trấn hạnh phúc”, "Huyện, thị xã, thành phố hạnh phúc”, hướng tới mục tiêu xây dựng "Tỉnh hạnh phúc” trong thời gian tới. Đây là cơ sở để tỉnh phấn đấu đến năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020.

Tiến Khánh (TTXVN)
Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí 'Trường học hạnh phúc'
Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí 'Trường học hạnh phúc'

Ngày 29/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Việc làm này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tối đa các hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học, đặc biệt là góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN