Nỗ lực kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi

Hôm qua (5/4), tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tháng 3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo phải tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Truy xuất và xử lý các cơ sở vi phạm

Vừa qua, sau khi phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Đồng Nai, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đã chỉ đạo các sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ khẩn trương tổ chức các biện pháp quản lý và lấy mẫu kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi - nhất là nhóm beta agonist (những chất mà khi sử dụng sẽ làm tăng tỉ lệ thịt nạc cho lợn) - trong thức ăn chăn nuôi, nước tiểu lợn và sản phẩm chăn nuôi (thịt, gan lợn).

Chăm sóc đàn lợn tại trang trại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã làm rõ được thực trạng sử dụng chất cấm hiện nay. Tập hợp báo cáo về kết quả phân tích chất cấm trong 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy: Có 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm (chiếm 4,8%), có 2/18 mẫu thuốc thú y dương tính với chất cấm (chiếm 11,1%); có 7/108 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất cấm (chiếm 6,4%) và 8/179 mẫu thịt, gan lợn dương tính với chất cấm (chiếm 4,4%).

Từ số mẫu phát hiện được dương tính với chất cấm, các cơ quan chức năng đã truy ngược trở lại xác định danh tính của cơ sở vi phạm và tiến hành xử lý. Trong đó, việc sử dụng chất cấm đã được phát hiện ở Đồng Nai với 11 cơ sở và ở Bình Dương với 2 trại chăn nuôi vi phạm. Theo Cục Chăn nuôi, hồ sơ xử lý các cơ sở này hiện đã hoàn thiện, với mức phạt dự kiến là 25 triệu đồng/cơ sở. Trường hợp 2 trại chăn nuôi ở Bình Dương đang được chuyển hồ sơ cho công an xử lý.

Riêng tại khu vực miền Bắc, qua tiến hành kiểm tra với tổng số 136 mẫu thì Cục Chăn nuôi đã phát hiện có 3 mẫu dương tính với chất cấm gồm: 1 mẫu trong gan lấy tại chợ ở Bắc Ninh, 1 mẫu thức ăn bổ sung ở 1 đại lý của Hòa Bình và 1 mẫu thức ăn chăn nuôi lấy tại cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Những trường hợp vi phạm trên cũng sẽ được xử lý trong thời gian tới.

Như vậy, trong tháng 3, việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được tăng cường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Đặc biệt chú ý truy xuất những cơ sở, cá nhân và tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm, các cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm, các cửa hàng thuốc thú y và các tổ chức, cá nhân nhập khẩu chất cấm này. Từ đó, phối hợp với các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp này.

Không làm kiểu “chiến dịch”

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, tình hình quản lý và sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta agonist trong chăn nuôi vẫn còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại. Nhất là khi một số đối tượng kinh doanh và chăn nuôi có thể vì lợi nhuận mà bất chấp cả quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo nhận định của đại diện ngành thú y, nguồn cung cấp chất cấm cho người chăn nuôi là qua con đường phân phối nhỏ, lẻ. Vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan ở TƯ cần tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, buôn bán, chế biến thực phẩm.

Việc kiểm tra này, theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, phải được làm thường xuyên và không làm theo kiểu “chiến dịch”. “Bởi, theo tôi được biết, người ta chỉ cho chất tạo nạc vào trước khi bán 15 - 20 ngày thôi. Vì vậy, cần theo dõi và xử lý chặt chẽ hơn. Thậm chí, nếu tái phạm lần 2 sẽ dừng không cho tiếp tục chăn nuôi”, ông Hoàng Văn Năm nói.

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉnh sửa một số nội dung chưa phù hợp của Thông tư số 54/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/9/2010 về kiểm soát các chất beta agonist trong chăn nuôi.

Một bất cập trong quản lý chất cấm beta agonist là mặc dù hiện nay một số chất thuộc nhóm beta agonist (clenbuterol, salbutamol) đã bị ngành nông nghiệp cấm lưu thông và sử dụng nhưng ngành y tế vẫn cho dùng trong điều trị bệnh. Vì thế, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Chăn nuôi sẽ kiến nghị Bộ Y tế nên xem xét để có những quy định thống nhất về việc sử dụng các chất này. Bởi, mặc dù Bộ NN&&PTNT cấm sử dụng nhưng trên thị trường vẫn lưu hành những chất này thì nguy cơ người chăn nuôi sử dụng chất này vẫn có thể xảy ra.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN