Nỗ lực giảm kẹt xe

Cùng với những giải pháp dài hạn, ngành giao thông Thành phố Hồ Chí Minh còn áp dụng nhiều giải pháp tác động trực tiếp nhằm kéo giảm tình trạng kẹt xe đang có dấu hiệu bùng phát ngày càng nghiêm trọng. Dù vậy tình trạng kẹt xe ở một số “điểm nóng” tuy đã có giảm nhưng vẫn còn mang tính cục bộ…

Hạ nhiệt ở các “điểm nóng”

Liên tục trong nhiều ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nhiều nơi trong khu vực nội thành, khiến giao thông ở nhiều điểm gần như tê liệt hàng giờ liền, đặc biệt là sau các cơn mưa lớn. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc sau mưa được đánh giá là tạm thời, do số lượng người tham gia giao thông đổ ra đường trong cùng một thời điểm sau mưa, cộng với tình trạng đường sá bị ngập nước, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Riêng về các “điểm nóng” ùn tắc giao thông phát sinh trong vài tháng trở lại đây, đáng chú ý nhất là khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và đường vào cảng Cát Lái, một số nút giao thông như khu vực Lăng Cha Cả, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn- Phạm Văn Đồng… đang được các cơ quan chức năng tích cực tìm giải pháp vãn hồi.

Tình trạng ùn tắc ở các “giao lộ nóng” đã được vãn hồi do lực lượng CSGT tích cực điều tiết tại chỗ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, do lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng khiến các phương tiện đi lại vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng tăng cao. Điều này khiến cửa ngõ vào sân bay luôn trong tình trạng căng thẳng, các tuyến đường, nút giao lộ dẫn đến sân bay như khu vực Lăng Cha Cả, Phạm Văn Đồng cũng chịu áp lực, khiến tình trạng kẹt xe lan rộng. Đối với khu vực cảng Cát Lái, khối lượng hàng hóa qua cảng này đã lên đến 43 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch được duyệt chỉ là 36 triệu tấn. Thực trạng này dẫn đến tình hình giao thông khu vực này ngày càng chịu áp lực lớn.

Điều đáng ghi nhận là khoảng hơn một tuần trở lại đây, tình trạng ùn tắc ở các “giao lộ nóng” đã được vãn hồi do lực lượng CSGT tích cực điều tiết tại chỗ, cộng với hệ thống camera quan sát phát huy tốt tác dụng. Một trong những điểm nóng là khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), trong vài ngày trở lại đây, ngay trong giờ cao điểm cũng chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ. Lượng phương tiện từ các ngã đường Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn dồn đến đường Hoàng Minh Giám, Hồng Hà đổ dồn về vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng, lâu nay khá hỗn loạn, nhưng thời gian gần đây đã được điều tiết khá hiệu quả. Lực lượng CSGT có mặt tại chỗ đã giải quyết nhanh các điểm ùn ứ.

Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn, việc Thành phố lắp đặt hơn 400 camera, đặc biệt là các camera ở các nút giao thông thường xảy ra ùn tắc đã tạo thành một mạng lưới và phát huy hiệu quả rõ rệt, phục vụ công tác giám sát giao thông cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Thông tin, hình ảnh từ camera giúp công tác ghi nhận thực tế chính xác, xác định nguyên nhân để từ đó điều động lực lượng ứng cứu kịp thời. Trên cơ sở phân tích hình ảnh này, các cơ quan chức năng đề xuất được các giải pháp căn cơ, lâu dài cũng như phát huy tốt hiệu quả trong việc phối hợp thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và chủ động xử lý khi xảy ra sự cố.

Cần những giải pháp căn cơ

Mặc dù tình trạng ùn ứ tại các “điểm nóng” đang được các ngành chức năng tích cực kéo giảm, tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết căn cơ các điểm nóng này, đòi hỏi phải đánh giá lại tổng thể, bố trí hợp lý việc kết nối hạ tầng. Đặc biệt là toàn bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trong thời gian chờ sân bay Long Thành, thành phố phải mở thêm đường trên cao, thêm nhà ga mới, thêm điểm trung chuyển khu vực ngã sáu Gò Vấp, đầu tư thêm trục giao thông song song đường Cộng Hòa. Cần nhất hiện nay là phải xây hai cầu vượt khu vực cửa ngõ, gồm một cầu vượt chữ Y ngay tại khu vực sân bay để xe đi vào khu quốc tế và khu nội địa không giao cắt dưới mặt đất và một cầu vượt khu vực đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Kiệm, vì đây là một nhánh quan trọng ra vào sân bay. Hệ thống cầu vượt này sẽ giúp tháo gỡ nút ra vào sân bay, nếu được chấp thuận sớm về mặt cơ chế, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ xong.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Phòng CSGT thành phố, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát đang phát huy tác dụng tốt và cần được nhân rộng. Tình hình giao thông trên địa bàn thành phố hiện đang rất phức tạp, dân số cùng lượng phương tiện giao thông gia tăng một cách chóng mặt. Lượng xe cá nhân gia tăng quá nhanh, mỗi ngày trung bình có khoảng 1.000 xe máy và gần 200 ô tô đăng ký mới. Hiện tại, dù lực lượng CSGT được huy động tối đa cũng không đủ để chốt trực ở tất cả các giao lộ, nút giao thông nên rất khó chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Nếu không có hệ thống tin từ camera các đơn vị khó có thể chủ động, bao quát để xử lý những điểm ùn tắc, sự cố, tai nạn giao thông. Từ khi hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh được vận hành ở một số nút giao thông trọng điểm, tình trạng các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng giảm rõ rệt. Người tham gia giao thông đã tự giác hơn trong việc chấp hành luật.

Đánh giá về những giải pháp này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, để giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố cần có khảo sát tổng thể để đưa ra các giải pháp căn cơ. Việc mở rộng nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Trần Quốc Hoàn hay xây dựng thêm 2 cầu vượt sẽ có những chuyển biến đáng kể để giảm kẹt xe ở khu vực này. Nhưng để giải quyết một cách căn cơ, triệt tình trạng kẹt xe ở khu vực này, nhất thiết phải làm bằng được dự án đường trên cao số 1, xuất phát từ Lăng Cha Cả và tuyến metro số 5 nối từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn, chạy qua các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng… Riêng về việc lắp đặt hệ thống camera, TS Phạm Sanh cho rằng, đây là một giải pháp tích cực để chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ hiệu quả hơn khi có sự kết nối lâu dài, quy hoạch đồng bộ với cơ sở hạ tầng và không gây lãng phí.

Theo Sở Giao thông Vận tải, để giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, từ ngày 27/8, nhánh đường Hồng Hà và nhánh Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đoạn qua Công viên Gia Định, các loại xe chỉ được chạy một chiều theo hướng từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn. Trên các nhánh đường này cũng cấm toàn bộ việc đỗ xe. Nhánh đường Bạch Đằng và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn nối tiếp với đường Bạch Đằng hiện hữu) sẽ chỉ còn một chiều cho tất cả loại xe, theo hướng từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Trường Sơn, đồng thời cấm ôtô tải lưu thông từ 6 đến 22h, hai bên các nhánh đường này cũng cấm đỗ xe. Đường Bạch Đằng, đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Trường Sơn (phía đường A75), sẽ tổ chức lưu thông hai chiều các loại xe và cấm dừng, đỗ theo cả hai hướng lưu thông từ 6 đến 22h. Kể từ ngày 10/9, đường Trường Sơn (đoạn từ đường Huỳnh Lan Khanh đến nút giao Trường Sơn) sẽ cấm các loại ôtô tải từ 6h đến 22h theo hướng từ đường Huỳnh Lan Khanh đến nút giao Trường Sơn.





L. Hiền
Bùng phát nạn kẹt xe
Bùng phát nạn kẹt xe

Thay vì kẹt xe vào giờ cao điểm ở các tuyến đường cửa ngõ và một số tuyến nội đô như trước đây, tình trạng kẹt xe tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua không còn tuân theo quy luật như trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN