Những nông dân xuất sắc trên mảnh đất xứ Thanh

Với quyết tâm khởi nghiệp, nhiều nông dân Thanh Hóa đã thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới, làm giàu ngay tại quê hương.

Chú thích ảnh
Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bình Sơn đứng ra liên kết 20 hộ trồng chè tham gia sản xuất tập trung, với tổng diện tích hơn 30 ha. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Nuôi chim yến - mô hình phát triển kinh tế mới 

Cơ sở nuôi chim yến của anh Nguyễn Văn Tú (xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) là một trong những mô hình phát triển kinh tế mới và cho thu nhập ổn định. Anh Tú cho biết, gia đình khó khăn, học xong cấp 2, anh phải nghỉ học để vào miền Nam làm thuê nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Tình cờ khi đến thăm trại nuôi chim yến, anh nhận thấy đây là mô hình kinh tế hiệu quả cao nên đã tìm đến các cơ sở sản xuất yến ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để học tập. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, anh quyết định về quê lập nghiệp.

Năm 2013, anh Tú vay vốn người thân để xây dựng mô hình nuôi chim yến, chế biến các sản phẩm từ tổ yến. Anh thuê nhân công xây dựng nhà nuôi, đồng thời nhập giống chim về nuôi. Theo anh Tú, việc nuôi chim yến không phải đầu tư mua giống và thức ăn cho chim mà chỉ cần đầu tư một lần vào cơ sở hạ tầng, mua phân chim trát lên tường để tạo mùi, dùng hệ thống loa nhỏ phát âm thanh tiếng chim để dụ những con chim yến tự nhiên về làm tổ.

Từ một số chim yến ban đầu, chúng dần sinh sôi, nảy nở, tách đôi ra làm tổ mới. Do thiếu kinh nghiệm, khi mùa Đông tràn về, chim Yến trong nhà nuôi bị chết gần hết. Không nản lòng, anh Tú tiếp tục tìm tòi, học hỏi và đầu tư lắp đặt hệ thống lò sưởi điện và hệ thống tránh rét cho chim và trang trí trần gỗ nhà nuôi chim giống hang động tự nhiên, sau đó duy trì nhiệt độ khoảng 30 độ C, trần nhà nuôi yến không cao quá 2,6 m và diện tích mỗi phòng không quá 15 m2.

Với biện pháp này, anh Tú đã thành công nuôi chim yến trong nhà mà không sợ giá rét. Chỉ sau một thời gian ngắn, chim yến đã làm tổ, sinh sản, cho số lần khai thác tổ ngày càng nhiều. Hiện mỗi năm anh thu hoạch được 50-60 kg tổ yến thô để bán ra thị trường với giá từ 20 - 22 triệu đồng/kg. Năm 2017, anh Tú thành lập Công ty Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh, chuyên sản xuất các sản phẩm từ yến sào thô, yến sào tinh chế và yến đóng hũ. Để mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, anh Tú đã đầu tư website quảng bá sản phẩm và bán hàng online qua các kênh như facebook, tiktok.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu của công ty ngày càng tăng. Hiện anh Tú đang có một nhà nuôi yến rộng 300 m2 với 4.000 con chim yến và một xưởng sản xuất; thu nhập đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương 3-9 triệu/người/tháng. Hai sản phẩm của công tỷ là Tổ yến sào và Tổ yến sào chưng đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Anh Tú đã phát triển 16 đại lý, 3 nhà phân phối tại các huyện của tỉnh Thanh Hóa; ký hợp đồng tiêu thụ tổ yến thô cho 200 cơ sở nuôi yến lấy tổ tại các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Triệu Sơn, Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa.

Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi năm, anh Tú còn ủng hộ 100 - 300 triệu đồng cho các quỹ từ thiện, ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, anh Tú vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Phát triển thương hiệu chè Bình Sơn

Chú thích ảnh
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Sơn đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô/năm, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Cũng làm giàu ngay tại quê hương, ông Lê Đình Tú, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn đã xây dựng thành công mô hình trồng chè Bình Sơn bằng cách áp dụng công nghệ mới trong sản xuất giúp nông dân thoát nghèo. Ông Tú cho hay, sinh ra trên vùng đất miền núi nghèo, sau khi học xong phổ thông, ông quyết định phát triển kinh tế ngay tại quê nhà bằng việc trồng cây chè. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất kém, vì vậy ông quyết định tìm tòi, học hỏi áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP và hữu cơ để trồng bổ sung thay thế diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè chất lượng cao, ông đã nhân giống bằng phương pháp giâm cành đưa vào trồng chủ yếu là các giống chè PH8 và lai.

Năm 2016, sau khi được bầu làm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, ông đã đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, nhà kho, khu tập kết nguyên vật liệu và đầu tư hệ thống máy móc theo dây chuyền tự động hóa, chú trọng sản xuất chè khô an toàn với hai sản phẩm chính là chè khô, chè xanh túi lọc. Đến nay, Hợp tác xã đã có gần 80 ha chè, thu nhập bình quân đạt 4 tỷ đồng/năm, sản phẩm Trà xanh túi lọc Bình Sơn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cùng với phát triển sản xuất, ông còn quan tâm hướng dẫn các nông dân khác quanh vùng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng, chế biến chè để vươn lên thoát nghèo. Ông Lê Đình Tú vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn cho biết, từ khi ông Lê Đình Tú thay đổi phương thức trồng chè và áp dụng công nghệ sản xuất an toàn VietGAP, nhờ đó năng suất cây chè tăng cao, hình thành vùng sản xuất chè an toàn, liên kết sản xuất chế biến, giá trị kinh tế của cây chè nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chè áp dụng công nghệ VietGAP này, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi Bình Sơn.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Nông dân 'phất lên' nhờ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Nông dân 'phất lên' nhờ áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, luôn sáng tạo trong suy nghĩ và cách làm, anh Phùng Bình Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh (xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã đi đầu trong liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị để thành công bền vững. Anh xứng đáng là tấm gương nông dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN