Nhà ở cho công nhân: còn nhiều bất cập

Những niềm vui... khiêm tốn

Hầu hết các khu công nghiệp tập trung đều thiếu hoặc chưa bố trí được quỹ nhà ở cho công nhân thuê. Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), có nhiều vấn đề cần xem lại, kể cả những nơi đã bố trí được nhà lẫn những nơi chưa có nhà cho công nhân thuê.


Những niềm vui... khiêm tốn


Hà Nội hiện có 16 khu công nghiệp (KCN). Duy chỉ có KCN Bắc Thăng Long đã có nhà ở cho công nhân. Tuy vậy, số lượng 7.000 chỗ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thuê. Qua gần 3 năm sử dụng, các thiết kế đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý.


Không gian lý tưởng


Căn phòng rộng chừng 30 m2 là nơi chung sống của 12 nữ công nhân thuộc Công ty Panasonic. Căn phòng được chia thành hai phòng nhỏ hơn - nơi kê tủ và giường ngủ, một phòng sinh hoạt chung (có bệ nấu ăn, có 2 bộ bàn ghế gỗ) có thể vừa làm bếp, vừa làm nơi tiếp khách. Kề đó là khu tắm giặt, vệ sinh chung cho hơn chục con người.


Nguyễn Thị Thanh Thủy, quê ở Ý Yên, Nam Định kể: Hồi mới vào làm công nhân, cô cũng thuê trọ ở ngoài. Mấy tháng sau, cô làm thủ tục giấy tờ xin được bố trí vào khu nhà ở dành riêng cho công nhân.


Công ty Panasonic thuê một khu nhà 3 tầng cho công nhân ở. Đây là 1 trong 18 tòa nhà dành cho công nhân được thành phố xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tọa lạc trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Thủy và mọi người vẫn quen gọi đây là khu ký túc xá công nhân.


Vào đây, mỗi người được nhận một giường, một tủ sắt có khóa để bảo quản đồ dùng cá nhân. Theo đại diện Công ty Panasonic, tiền thuê nhà trong năm 2008 và 2009 do người lao động tự chi trả hàng tháng. Từ năm 2010, công ty quyết định hỗ trợ người lao động 50% tiền thuê nhà. Các khoản chi phí khác (tiền điện, tiền nước sinh hoạt, vệ sinh, bảo vệ…) công ty hỗ trợ người lao động chi trả ngay từ năm 2008. Thế nên, "vào ở ký túc thì đỡ được nhiều. Ở ngoài thì phải tự túc từ A đến Z, cái gì cũng phải sắm. Ở đây có công ty hỗ trợ. Tiền nhà thì chỉ 50.000 đồng/người/tháng", Thủy cho biết.


Nhưng tổng số công nhân của hai công ty Panasonic System Network Việt Nam và Panasonic Electronic Devices Việt Nam là khoảng 5.500 người, chỉ có 352 người đang ở tại khu chung cư. Cả Hà Nội có 16 KCN, KCX nhưng hiện nay, mới chỉ có KCN Bắc Thăng Long có nhà cho công nhân thuê, đáp ứng khoảng gần 7.000 chỗ ở cho người lao động. Số công nhân được hỗ trợ nhà ở chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.


Nhưng... thiết kế "có vấn đề"


Dạo trong khuôn viên khu nhà ở của công nhân, người ta vẫn có cảm giác nơi này chưa hoàn thiện, dù đã đưa vào sử dụng từ lâu. Khuôn viên khu nhà ở khá đơn điệu, hầu như không có cây xanh. Trong khu đất quy hoạch dành cho công nhân ở, mới chỉ có các tòa nhà để ở, thiếu vắng các công trình dịch vụ như nơi vui chơi thể thao, khám chữa bệnh, rạp chiếu phim, nhà văn hóa công nhân…


Chính đại diện Xí nghiệp quản lý nhà Hà Nội (thuộc Công ty TNHH 1 thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cũng công nhận, khu nhà ở của công nhân tại KCN Bắc Thăng Long vẫn có những bất hợp lý. Bà Nguyễn Minh Hường, Trưởng phòng Kế hoạch của xí nghiệp nói: "Các phòng có diện tích khác nhau: 20 m2, 25 m2 và 30 m2. Số lượng người ở cũng tùy theo diện tích mà dao động từ 4 người đến 16 người. Tuy nhiên, khu diện tích dành cho tắm, giặt và công trình phụ lại quá nhỏ. Diện tích khu công trình phụ của phòng 8 người cũng tương đương với phòng cho 16 người ở".


Bất cập khác là, hiện nay, cả 18 khu nhà đều có cùng thiết kế giống nhau và chỉ hợp với những nam, nữ công nhân độc thân. Chưa có khu nhà nào được thiết kế cho những hộ gia đình công nhân thuê. Khác với sinh viên, công nhân có nhu cầu về lập gia đình, sinh con, nên khu nhà ở yêu cầu phải có nhà trẻ, trường học, trạm y tế. Tuy nhiên, trong tổng số 220 KCN, KCX của cả nước hầu như chưa có nơi nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế... để phục vụ nhu cầu thiết yếu nêu trên của người lao động.


Những công nhân như Thủy, nếu lập gia đình là đương nhiên mất quyền lợi được ở trong khu ký túc.


Chưa có nhà cho diện hộ gia đình công nhân thuê là một bất cập không hề nhỏ, và là một trong nhiều nguyên nhân khiến công nhân bỏ việc sau khi lấy vợ/lấy chồng. Nhiều chị sau khi cưới một thời gian, đã nghỉ việc, về hẳn quê sống, tìm việc khác. Thuê trọ thì đắt, mà nếu một người ở quê, làm ở KCN, ở ký túc xá thì không tiện mỗi lần chồng/vợ lên thăm. Ngược lại, nếu cứ lâu lâu lại phải đi đi về về, đồng lương ngót nghét 2 triệu đồng của một công nhân cũng không thể duy trì tình trạng này lâu dài được.


Trong thời gian qua, đa số các nhà đầu tư thường chỉ chú trọng xây nhà bán kiếm lời mà không chú tâm đến trách nhiệm với người dân đến sống tại các khu đô thị. Việc xây nhà cho công nhân cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Do triển khai không đồng bộ nên tình trạng thiếu trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, thậm chí cơ sở hạ tầng thấp kém đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN