Những hạt nhân Tây Bắc của khối đại đoàn kết toàn dân

Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển  trên nhiều mặt của đất nước. Trên mảnh đất có hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống này, những "người có uy tín" luôn là nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước và là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu sáng 27/5 tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn

Những năm qua, những "người có uy tín" trong vùng Tây Bắc đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, giúp nhân dân hiểu rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; vận động con cháu, gia đình, dòng họ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

"Người có uy tín" trong vùng đã tích cực cùng các ngành chức năng vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thành lập cụm liên kết về an ninh trật tự trên địa bàn; xây dựng hòm thư tố giác và cung cấp thông tin để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn.

Họ là những người đã vận động đồng bào tự nguyện giao nộp  súng cho chính quyền, vận động các tượng phạm tội ma túy đang có lệnh truy nã ra đầu thú, vận động người dân xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan, không tàng trữ, buôn bán, sử dụng chất ma túy hay vận động nhân dân xây dựng đường biên giới hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào ổn định và phát triển...

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh


Cùng với việc giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, "người có uy tín" các tỉnh vùng Tây Bắc còn đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, "người có uy tín" đã phản ánh nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cũng như trực tiếp đóng góp những ý kiến thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền các cấp và tham gia tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn, bản, tổ dân phố, "người có uy tín" vùng Tây Bắc đã động viên gia đình, con cháu, dòng họ và người dân phát huy dân chủ, thực hiện tốt quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư... góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày một vững mạnh.

Tiên phong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Với tinh thần sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, "người có uy tín" vùng Tây Bắc không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, mà còn động viên con cháu, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Họ luôn trăn trở trong việc tìm những giải pháp, cách làm hay để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương; mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. "Người có uy tín" vùng Tây Bắc cũng đã tích cực vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tạo các vùng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều Người có uy tín của vùng này đã hiến tặng và huy động được hàng ngàn mét vuông đất của người dân để xây dựng nhà văn hóa, xây dựng trường học; đồng thời khai hoang, cải tạo ruộng đồng, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình phải kể đến ông Cứ A Lang, dân tộc Mông (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) phát triển tốt mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Các ông Bùi Văn Dưỡng, Đinh Quang Minh, dân tộc Mường (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) vận động tốt người dân và con cháu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào làm kinh tế trang trại, cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên mỗi năm. Ông Hà Văn Dân (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) phát triển tốt kinh tế trang trại tổng hợp, tạo việc làm cho nhiều người nghèo ở địa phương có thu nhập ổn định...


Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Song song với công tác xây dựng kinh tế, "người có uy tín" các tỉnh vùng Tây Bắc đã thực hiện tốt cuộc cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Họ đã vận động người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu, bài trừ hủ tục mê tín, động viên người ốm đến cơ sở y tế khám và điều trị... Nếp sống văn hóa ở khu dân cư đã hình thành và được duy trì.

"Người có uy tín" ở đây còn luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Họ đã truyền dạy cho thế hệ con, cháu và cộng đồng các nghề truyền thống của dân tộc mình, như: Dệt thổ cẩm, thêu lanh, nghề rèn, đúc dụng cụ sản xuất, làm các nhạc cụ dân tộc, cũng như những trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh yến, kéo co, ném pao…

Không chỉ vận động bà con, những "người có uy tín" đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa và cam kết dạy bảo con, cháu không mắc các tệ nạn xã hội. Những tấm gương trong phong trào là ông Đặng Hồng Quân (xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã tiết kiệm nhiều tháng lương hưu với số tiền 90 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và làm đường giao thông nông thôn. Ông Lò Văn Biến (79 tuổi, dân tộc Thái, ở xã Bản Căng Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) đã truyền dạy chữ Thái cổ và những điệu dân ca cho các thế hệ không chỉ người Thái mà cả các dân tộc anh em khác trong khu vực. Nhiều "người có uy tín" ở tỉnh Nghệ An đã góp phần khôi phục lại đội cồng chiêng của các bản, làng tại các huyện: Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳ Châu…

Những Người có uy tín vùng Tây Bắc bằng tâm huyết, trách nhiệm và lòng nhiệt tình đã nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng, là nhân tố tích cực trong các phong trào cách mạng của địa phương, góp phần để Tây Bắc có những bước phát triển rõ nét và vững chắc trên nhiều lĩnh vực. Họ là những nhân tố tích cực, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với bà con.


Nguyễn Cường
Giảm nghèo bền vững cho Tây Bắc

Ngày 11/7, tại Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc dự và chỉ đạo hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN