Những điều khó hiểu trong dự án KDT Đền Hùng: Bài cuối: Còn rất nhiều tồn tại

Với những mong chờ về một Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm, đảm bảo được những giá trị tâm linh của mảnh đất cội nguồn của dân tộc, đồng thời thể hiện được ý nghĩa văn hóa đặc sắc của nơi "con Hồng, cháu Lạc" tìm về cội nguồn... nên quả thực, những tồn tại hiện có của một số hạng mục công trình của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã khiến không ít người cảm thấy bức xúc.

 

Nhà nghỉ thay cho lời chào


Ngã 5 Đền Giếng là "lời chào" đầu tiên của Khu di tích lịch sử Đền Hùng với du khách. Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng, bởi vậy những nhìn nhận với địa điểm này cũng có phần "cao" hơn. Thế nhưng, "lời chào" đầu tiên này cũng còn nhiều điều để trăn trở.


Trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực quanh bờ hồ ở ngã 5 Đền Giếng, với không gian "sơn thủy" mang nhiều nét đẹp đặc trưng của vùng đất trung du Phú Thọ được dành cho các công trình cảnh quan và hoạt động vui chơi, cắm trại. Không có hạng mục công trình nhà nghỉ nào được quy hoạch xây dựng tại đây. Thế nhưng không hiểu tại sao, hiện tại ở ngay cửa ngõ ra vào chốn tôn nghiêm này lại chễm trệ mọc lên 2... nhà nghỉ, và được Ban quản lý Khu di tích đặt tên là khu "Mai An Tiêm".


 

Các kiốt ở khu vực Ngã 5 Đền Giếng bị cơi nới tạo sự nhếch nhác, che lấp mất kiến trúc và các họa tiết đẹp.

 

Theo lý giải của Ban quản lý Khu di tích, lý do xây dựng 2 nhà sàn làm nhà nghỉ là vì "trong khu di tích chưa có nơi nghỉ cho khách tới làm việc và tham quan (tìm hiểu, nghiên cứu)", bởi vậy, việc xây dựng hai nhà nghỉ sẽ giúp "thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, giảm chi phí đi lại", đồng thời "tăng nguồn thu cho khu di tích". Và con số doanh thu được đưa ra là hơn 100 triệu đồng/năm.


Tuy nhiên, như tiền nhân đã dạy: “Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, công trình nhà nghỉ này hoàn toàn không phù hợp với địa điểm trên bờ hồ của ngã 5 Đền Giếng được coi như cửa ngõ, bộ mặt của khu di tích linh thiêng và tôn nghiêm này. Hơn nữa, việc xây dựng hai nhà nghỉ này hoàn toàn vi phạm quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và phá vỡ cảnh quan nơi đây. Hai khu nhà sàn chễm trệ ngự bên hồ không những làm mất đi vẻ tôn nghiêm của khu di tích mà còn phá vỡ không gian thoáng đãng, cũng nhu vẻ đẹp "sơn thủy hữu tình" nơi đây.


Đó là chưa kể tới việc nhu cầu nghỉ ngơi của khách ở đây không nhiều. Vì tâm lý người ta sẽ "ngại" ăn nghỉ ở địa điểm này (có lẽ đây cũng là lý do mà khi quy hoạch đã được nghiên cứu để không bố trí nhà nghỉ ở đây). Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi xây dựng xong (năm 2007 - 2008), khu nhà nghỉ mang tên "Mai An Tiêm" này rất ít khách thuê nghỉ, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động điện nước, vệ sinh và một đội ngũ nhân viên để trông coi, phục vụ... Còn về thực chất của con số hơn 100 triệu đồng/năm từ nguồn thu của khu nhà nghỉ, có người đặt câu hỏi rằng: Nếu doanh thu như thế thì Ban quản lý đã nộp thuế cho Cục thuế tỉnh được bao nhiêu? Điều này không khó trả lời nếu làm việc với cơ quan thuế.


Còn nếu muốn có một khu nhà để làm “nơi nghỉ cho khách tới làm việc và tham quan (tìm hiểu, nghiên cứu)" thì hoàn toàn có thể bố trí ở khu vực khác chứ không thể tùy tiện đặt ở vị trí mà qui hoạch không cho phép như ở trên đề cập.


Cũng tại Ngã 5 Đền Giếng, một điều khiến du khách không khỏi phiền lòng là sự nhếch nhác của những ki ốt ở khu vực này. Vốn dãy ki ốt ở đây được xây dựng rất khang trang, với lối kiến trúc và hoa văn cách điệu từ họa tiết thời Hùng Vương. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các chủ ki ốt đã tự ý cơi nới, che chắn thêm bằng những vật liệu tạm bợ như tôn nhựa, mái che... khiến mặt trước của dãy ki ốt với những họa tiết rất đẹp và đặc trưng của văn hóa thời Văn Lang gần như bị che lấp hết, còn mặt sau thì... trông không khác gì một dãy lều... chạy lụt. Điều đáng nói là đơn vị quản lý đã không có những động thái cũng như những quy định với các chủ thuê trong việc bảo vệ "bề mặt" của khu di tích, dẫn tới cảm giác mất mỹ quan cho du khách khi đặt chân tới đây.

 

“Công viên hóa” khu di tích?


Hệ thống điện chiếu sáng trong vườn ươm không phù hợp,
vừa kệch cỡm, vừa gây lãng phí lớn.

 

Còn một công trình nữa cũng là "nỗi niềm" với những người yêu mến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đó là công trình cải tạo vườn ươm, với diện tích khoảng 6,8 ha. Không chỉ được "liệt" vào danh mục các công trình "làm rồi, lại sửa", công trình cải tạo vườn ươm còn có những đầu tư không phù hợp, nếu không muốn nói là... kệch cỡm (Công trình này có mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, chưa kể điều chỉnh bổ sung).


Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết những bất cập của công trình sau khi "đã thi công cơ bản xong các hạng mục chính" và đưa vào sử dụng hiệu quả không cao, phải chỉnh sửa nhiều. Cụ thể là cây ở những khu vực thấp đã bị hỏng, chết vì ngập úng cục bộ khi có mưa; hồ điều hòa cũng không phát huy tác dụng, khi mưa thì gây úng tràn nước ra xung quanh, hết mưa thì lại không tích được nước vì ở giữa trũng hai đầu cao. Các đường bê tông thiết kế tạo thành từng ô để trồng cây, mặt đường bê tông cao hơn mặt đất trong ô 10 cm trong khi các ô này lại không có cống thoát nước nên đã biến thành “ruộng nước”.


Với thực trạng... dở khóc dở mếu này, chủ đầu tư đã phải yêu cầu nhà thầu tư vấn thiết kế khảo sát lại "một cách nghiêm túc, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp để khắc phục các bất cập trên". Đồng thời chủ đầu tư đã xin ý kiến của UBND tỉnh cho điều chỉnh dự án (lại điều chỉnh!).


Đến thời điểm này, theo chủ đầu tư cho biết, dự án đã được điều chỉnh, bổ sung, vấn đề úng ngập của khu vườn ươm cơ bản đã được giải quyết, do làm bổ sung thêm hệ thống mương thoát nước bằng đất như... các bác nông dân vẫn làm. Nhưng điều đáng nói là việc làm đi, sửa lại này đã khiến công trình lại tốn thêm một khoản kinh phí, cũng như thời gian thi công. Điều khó hiểu là thực tế đây không phải là một công trình quá phức tạp khiến nhà thầu tư vấn thiết kế không thể "nhìn xa trông rộng" được khi thiết kế công trình, cũng như không phải là vấn đề "ngoài tầm" để chủ đầu tư không thể nhận ra ngay từ đầu về sự bất cập. Vậy, đâu là nguyên nhân cho những bất cập của hạng mục công trình này?


Cũng ở công trình này, có một điều khiến dư luận chưa đồng tình là phần thiết kế điện trong vườn ươm là chưa hợp lý, không phù hợp với mục đích sử dụng.


Theo đó "vườn ươm này chỉ cần chiếu sáng, bảo vệ” nhưng ở đây lại thiết kế hệ thống điện chiếu sáng trang trí như công viên và công trình giao thông công cộng. Hiện tại, hệ thống đèn trang trí này vẫn tồn tại ở khu vực vườn ươm, và được chủ đầu tư lý giải là để... tạo cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, rõ ràng sự hiện diện của hệ thống đèn đường quá dầy đặc, nếu không muốn nói là kệch cỡm này là không phù hợp với khu vườn ươm với chức năng chủ yếu là “vườn ươm cây để cung cấp cây giống cho trồng rừng và trồng cây lưu niệm” như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ. Đó là chưa kể, hệ thống chiếu sáng này nếu dùng thì quá lãng phí điện và kinh phí, còn nếu không dùng thì để lâu sẽ hỏng. Lại là một sự lãng phí đến khó hiểu.


 * *  *
Trong những bài viết qua, chúng tôi đã đề cập đến những bất cập, lãng phí... thể hiện qua một số công trình cụ thể trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đó là còn chưa kể một số bất cập và một số vấn đề khác chúng tôi chưa đề cập trong loạt bài viết này.


 Điều khó hiểu là những bất cập, làm đi sửa lại gây lãng phí lớn như đã đề cập ở các bài viết lại xảy ra ở những công trình không quá phức tạp, cũng không khó nhận ra khi thiết kế và thẩm định phê duyệt thiết kế. Nguyên nhân ở đây phải chăng là trình độ yếu kém hay là công trình tiêu tiền ngân sách nên người ta cứ ào ào cho qua rồi... sai đâu điều chỉnh đấy? Hay còn do nguyên nhân gì khác đằng sau cách làm việc tắc trách này???


Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa cũng cần được chính quyền và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ để ngăn chặn kịp thời việc “ném tiền qua cửa sổ”, lãng phí đến khó hiểu này. 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Những điều khó hiểu trong dự án di tích Đền Hùng-Bài 2: Những công trình... khó hiểu
Những điều khó hiểu trong dự án di tích Đền Hùng-Bài 2: Những công trình... khó hiểu

Điều khó hiểu ở đây chính là vì sao chủ đầu tư có thể chấp nhận những công trình thiếu tính thẩm mỹ như hệ thống tiểu cảnh non bộ xung quanh hồ, trước đền Lạc Long Quân; hay việc lấp đi một cách lãng phí cả một tầng nhà của hạng mục công trình nhà làm việc?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN