Những điều bất ngờ trong khi tác nghiệp

Trong cuộc đời làm báo của mình ở TTXVN, tôi may mắn có gần 20 năm được lãnh đạo cơ quan cử làm phóng viên chuyên trách đi theo hai đồng chí giữ trọng trách cao nhất của Đảng và Chính phủ. Đó là đồng chí Đỗ Mười từ khi giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư của Đảng và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Làm phóng viên chuyên trách, ngoài làm tốt nhiệm vụ đưa tin, đôi khi còn phải làm thêm những việc mà các đồng chí lãnh đạo yêu cầu. Những việc này thường đến rất bất ngờ, rất khẩn trương và đến nay không ít việc đã trở thành kỷ niệm khó quên trong ký ức của tôi. Nhân ngày kỷ niệm 21/6, tôi xin kể lại hai mẩu chuyện trong rất nhiều chuyện đáng nhớ ấy.


“Lần này, chú Nên phải làm cả hai việc”


Những năm của thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, thành phố Hải Phòng thường tổ chức Lễ ra quân sản xuất đầu năm vào ngày đầu tiên của năm mới Dương lịch và đồng chí Đỗ Mười được mời dự và phát biểu ý kiến. Theo thông lệ ấy, năm 1983 đồng chí Đỗ Mười cũng về dự và phát biểu tại buổi Lễ ra quân của thành phố. Cuối buổi chiều ngày 31/12, sau khi hết giờ làm việc, tôi theo đồng chí Đỗ Mười đi Hải Phòng. Trước giờ xe lăn bánh, đồng chí Đỗ Mười nói với tôi:

Đồng chí Nguyễn Tử Nên (người thứ 2 từ phải qua trái) trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đi thị sát cảng Quy Nhơn, cuối năm 1995. Ảnh do tác giả cung cấp


“Hôm nay chú Kính (Thư ký của đồng chí Đỗ Mười) bận không đi được. Chú Nên đi và làm luôn cả hai việc: Làm tin cho TTX và giúp tôi những việc cần thiết”. Tối hôm đó sau khi ăn cơm, các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng báo cáo với đồng chí Đỗ Mười tình hình địa phương và chương trình buổi Lễ ra quân sáng hôm sau. Tiếp đó đồng chí Bí thư Thành ủy đưa cho đồng chí Đỗ Mười bài phát biểu thành phố đã chuẩn bị và nói thêm: “Xin gửi để anh xem trước và nếu cần bổ sung gì anh có ý kiến để thành phố kịp hoàn tất”. Đồng chí Đỗ Mười chỉ tay về phía tôi: “Việc này chú Nên sẽ giúp tôi. Anh đưa cho chú Nên”.


Về phòng nghỉ đã 22 giờ, tôi ngồi đọc nhanh bài phát biểu thành phố đã chuẩn bị và nhận xét đầu tiên là quá dài (gần 12 trang đánh máy) và gần như một bản báo cáo thành tích thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội với cấu trúc và hành văn không phù hợp với tính chất của buổi lễ. Tôi báo cáo với đồng chí Đỗ Mười và đồng chí cho ý kiến: Bài này cần ngắn gọn, nên 4 hoặc 5 trang là vừa, thành tích năm cũ không nên nói dài mà chủ yếu dành nói về nhiệm vụ năm mới; trong đó nhấn mạnh vấn đề tập trung cho cảng, bao gồm phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, giải phóng tàu nhanh; đồng thời chuẩn bị các phương án mở rộng cảng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế những năm tiếp theo. Đồng chí yêu cầu làm xong và đưa đồng chí trước 4 giờ 30 sáng để kịp chỉnh sửa trước 6 giờ.


Như vậy là tôi gần như phải viết lại bài phát biểu này theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười. Tôi đề nghị đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban bố trí một đồng chí đánh máy giúp tôi (những năm 1980 chưa có vi tính như bây giờ). Tôi vừa viết, vừa đọc cho một nữ nhân viên đánh máy đến 3 giờ 30 sáng thì xong. Khi viết, bên cạnh việc chú ý nội dung với cấu trúc hợp lý, tôi đặc biệt chú ý hình thức thể hiện với hành văn mạnh mẽ phù hợp với tính chất buổi lễ. Làm việc cật lực gần như cả đêm, hai anh em tôi được thành phố bồi dưỡng 2 gói kẹo. Thời bao cấp bồi dưỡng như vậy đã là cố gắng của thành phố. Tôi đọc kỹ lại bài viết rồi để trên bàn trong phòng nghỉ của đồng chí Đỗ Mười. Sáng sớm hôm sau đồng chí Đỗ Mười gọi tôi sang bảo tôi đọc lại, tôi thấy đồng chí sửa rất ít. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Kết thúc buổi mít tinh, các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng rất hài lòng và cảm ơn đồng chí Đỗ Mười với bài phát biểu ngắn gọn, súc tích và mang tính chỉ đạo sâu sắc về nhiệm vụ của địa phương trong năm mới. Các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng cũng cảm ơn tôi khi biết tôi đêm qua đã thức để hoàn chỉnh bài phát biểu đó.


“Nên cố gắng viết xong trong đêm nay”


Những năm cuối thập kỷ 1990, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ, các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về hoạt động của các đồng chí cố vấn, nhưng tôi vẫn được đồng chí Võ Văn Kiệt yêu cầu đi theo giúp một số việc cần thiết, vì thời gian này Văn phòng đồng chí chỉ còn 2 cán bộ giúp việc.


Cuối năm 1999, sau khi cơn bão cuối cùng đổ bộ vào miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và của cho vùng này, đồng chí Võ Văn Kiệt từ Hà Nội vào kiểm tra tình hình, góp ý với lãnh đạo các địa phương khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chuyến đi bắt đầu từ Khánh Hòa và kết thúc ở Đà Nẵng. Chương trình làm việc cụ thể của đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Văn phòng Chính phủ điện cho các địa phương. Tôi đi theo chỉ với nhiệm vụ kiểm tra và đôn đốc bảo đảm thực hiện đúng chương trình đã định; đồng thời giải quyết những việc nảy sinh (nếu có) sau khi đã có ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt đi thị sát kỹ những thiệt hại khi cơn bão đi qua tại nhiều điểm, kể cả các xã vùng sâu, thăm hỏi các gia đình có người bị chết, làm việc với lãnh đạo từng địa phương về biện pháp khắc phục hậu quả trước mắt cũng như lâu dài cho sản xuất và đời sống nhân dân ở một vùng đất có địa hình dốc và có nhiều bão tố. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến tình trạng ách tắc giao thông trên quốc lộ 1 và nghe các địa phương báo cáo cụ thể nạn ùn tắc xe kéo dài nhiều ngày do nhiều đoạn đường bị ngập sâu.


Đêm cuối cùng ở Đà Nẵng có thể vì bức xúc trước thiệt hại nặng nề của người dân và lo lắng cho đời sống của họ những tháng sau bão mà đồng chí Võ Văn Kiệt không ngủ được. 23 giờ 45 phút đồng chí sang gõ cửa phòng tôi (phòng tôi cách phòng đồng chí một phòng), tôi hơi bất ngờ trước sự xuất hiện của đồng chí vào giờ này.


Tôi chưa kịp hỏi thì đồng chí đã nói ngay: “Xin lỗi làm mất giấc ngủ của Nên nhưng có việc này hơi gấp vì sáng mai anh em mình đi Thành phố Hồ Chí Minh ngay chuyến bay đầu tiên. Nên thảo cho tôi 2 bức điện: Bức điện thứ nhất gửi Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ nói rõ những gì mà cơn bão gây ra với miền Trung mà mình được chứng kiến qua chuyến đi thị sát thực tế này, càng khẳng định sự cấp thiết phải mở đường Hồ Chí Minh song song với quốc lộ 1. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Ta sẽ huy động vốn trong nước và vay thêm vốn nước ngoài để làm. Nên nói rõ đây là lần thứ tư tôi viết thư nói đến vấn đề mở con đường này với tất cả tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống của đồng bào miền Trung.


Bức điện thứ hai gửi Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu huy động đủ số lượng thóc giống mà các địa phương miền Trung đã yêu cầu và tìm mọi biện pháp gửi vào nhanh nhất mới hy vọng tránh được nạn đói những tháng đầu năm sau do vụ đông xuân được làm kịp thời.


Nên viết xong và đưa sang phòng tôi bất cứ lúc nào để sáng sớm mai tôi xem rồi nhờ các đồng chí Đà Nẵng chuyển ra Hà Nội”.


Tôi làm đúng như lời dặn của đồng chí Võ Văn Kiệt. Sáng hôm sau, trước khi đi ăn sáng, đồng chí đưa lại cho tôi hai bức điện và nói:


“Bức điện gửi Bộ Chính trị để vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thêm, còn bức điện gửi Bộ trưởng Nông nghiệp Nên nhờ các đồng chí Đà Nẵng chuyển ngay”. Cũng từ những bức xúc trên mà khi ngồi ăn sáng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng: “Mấy năm làm Thủ tướng tôi có khuyết điểm là không lo cho miền Trung được bao nhiêu”.


Có lẽ đây là điều day dứt nên trước khi lên máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí lại hỏi tôi đã nhờ chuyển bức điện cho Bộ trưởng Nông nghiệp chưa.


Đây là chuyện cuối cùng sau 8 năm liền tôi đi theo đồng chí Võ Văn Kiệt. Tôi không nhớ đã đi bao nhiêu chuyến tương tự như thế này, nhưng tôi chắc chắn rằng không có một địa phương nào trên dải đất hình chữ S này bị bão lũ thiên tai mà đồng chí Võ Văn Kiệt không đến và đến sớm nhất để được chia sẻ nỗi đau mất mát, để được góp một tiếng nói tìm ra hướng đi cho sản xuất và đời sống của một vùng đất vừa bị bão lũ đi qua với câu nói mà ai cũng nhớ “Trong tổn thất của đồng bào, người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm”. Đồng chí Võ Văn Kiệt là như vậy.

Nguyễn Tử Nên 

Thăm lại nơi nuôi giấu báo Cứu quốc thời tiền khởi nghĩa
Thăm lại nơi nuôi giấu báo Cứu quốc thời tiền khởi nghĩa

Trong không khí tất bật khẩn trương với mùa vụ, vẫn dễ dàng nhận thấy niềm tự hào của người dân vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Niềm tự hào ấy lấp lánh qua từng câu chuyện của người dân nơi đây khi kể về vinh dự được là nơi nuôi giấu báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN