Những cậu bé vượt lên số phận

Bố mẹ bị kẻ xấu giết hại, tuổi thơ lưu lạc nơi đất khách quê người hay phải bỏ học giữa chừng để dành tiền cho em ăn học dù bản thân ốm yếu… nhưng các em vẫn vượt qua khó khăn vươn lên học giỏi. Đó là những tấm gương về nghị lực phi thường của các em Thiếu nhi về dự Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó lần II tại Hà Nội vừa qua.


Ước mơ của cậu bé chăn bò


Năm nay 13 tuổi nhưng mới chuẩn bị lên lớp 3. Ánh mắt lúc nào cũng đượm vẻ u buồn, thân hình gầy gò chưa đến 30 kg. Đó là cậu bé Nguyễn Văn Năng – học sinh lớp 3A trường Tiểu học Xuân Thọ 2 – thị xã Xuân Cầu (Phú Yên).

Em Nguyễn Văn Năng (thứ 2 từ phải qua trái) cùng các bạn.


Mẹ bị bệnh tâm thần, bỏ nhà đi khi cậu còn rất nhỏ. Một mình bố Năng cáng đáng nuôi 3 con thơ dại trong khi thường xuyên đau ốm. Bốn bố con sống trong căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo và dột nát, bữa đói bữa no. Đến khi được Nhà nước hỗ trợ thì căn nhà mới được thay thế bằng căn nhà xây kiên cố. Vài năm sau, bố Năng cũng mất vì bệnh, ba anh em phải nương tựa vào nhau sống qua ngày. Nhà đã nghèo khó càng nghèo khó hơn, đến bức ảnh thờ của bố mà anh em Năng cũng không có được “vì bố không chụp ảnh bao giờ”.


Lúc bố mất, Năng mới học lớp 2. Một mình anh trai cả (năm nay 16 tuổi) không thể cáng đáng nuôi hai em ăn học nên Năng phải bỏ học giữa chừng để dành tiền cho em gái út được đến trường. “Nghỉ học, em đi hái me, chăn bò thuê, mỗi ngày được 10 nghìn đồng để lấy tiền ăn và phụ anh cả nuôi em gái học hành”, Năng kể lại.


Ở cái tuổi đáng lẽ ra phải được chăm sóc, được ăn, được chơi và học hành, nhưng cả 3 anh em Năng đã phải đương đầu với cuộc mưu sinh vốn không hề dễ dàng. Trước hoàn cành khó khăn nhưng anh em Năng đều rất ham học và nỗ lực, nhà trường đã vận động Năng đi học trở lại và hỗ trợ toàn bộ tiền học phí, sách vở… Vậy là Năng lại cắp sách đến trường, học cùng lớp với cô em gái kém em 6 tuổi. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng cả 3 năm liền, Năng đều là học sinh giỏi toàn diện.


Gặp Năng tại Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó lần này, trong khi các bạn cùng đoàn cười nói vui vẻ thì ánh mắt Năng lúc nào cũng suy tư, đượm buồn. Năng nói: “Đi thế này em cũng lo cho anh trai và em gái ở nhà không biết thế nào…”. Khi hỏi về ước mơ sau này là gì, Năng khẽ lắc đầu không nói. Dường như cái nghèo, cái đói ám ảnh quá nhiều đến mức Năng chỉ mong kiếm đủ hai bữa ăn một ngày cho 3 anh em. Gặng hỏi mãi, Năng mới khẽ khàng: “Em mong mình sẽ được học tiếp, học giỏi để sau này nuôi em gái ăn học và tìm được mẹ về để chữa bệnh cho mẹ”. Giấc mơ của cậu bé 13 tuổi hoàn toàn không có chút gì dành riêng cho bản thân, giấc mơ ấy khiến không ít người phải nghẹn ngào thương cảm…


Tuổi thơ dữ dội của Lềnh


Tuổi thơ của Vàng Mí Lềnh, dân tộc Mông, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP Hà Giang (Hà Giang) đầy biến cố mà khi được nghe kể lại, không ít người đã phải rớt nước mắt.

Cậu bé Vàng Mí Lềnh đang vượt qua “tuổi thơ dữ dội”


Vào một đêm đầu năm 2007, những kẻ xấu đã đột nhập vào nhà Lềnh tại xã Bạch Đích, huyện Yên Minh (Hà Giang). Chúng giết chết bố mẹ và cướp cả ba anh em Lềnh bán sang biên giới. Khi đó Lềnh mới 4 tuổi, còn quá nhỏ để nhận biết mọi thứ xung quanh. Từ đó tuổi thơ của cậu là những chuỗi ngày lưu lạc.


May thay một thời gian sau nhờ sự phối hợp của Công an Việt Nam và Trung Quốc, Lềnh và em trai đã được giải thoát đưa về Việt Nam, còn anh trai cả của Lềnh vẫn bị mất tích. “Em không nhớ được gì, không biết mình ở đâu, chỉ biết là thường xuyên bị nhốt. Sau này nghe mọi người kể lại thì em mới biết chuyện”, với vẻ mặt toát lên sự lo lắng và sợ hãi, Lềnh kể về những ngày đầu mới được giải thoát.


Ông bà của Lềnh đều đã già yếu, gia đình rất khó khăn nên cả hai anh em Lềnh đều được đưa đến nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang. Những ngày đầu về môi trường mới, Lềnh và em trai gặp không ít khó khăn. Lềnh kể: “Các anh chị kể lại là hồi mới về, em không biết tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Trung Quốc sau đó nhờ các cô và các anh chị trong trung tâm dạy dần thì em mới nói được tiếng Việt ”.


Trung tâm bảo trợ đã trở thành ngôi nhà thực sự của Lềnh. Ở đây em được mọi người quan tâm, chăm sóc như cậu em út trong nhà. Lềnh sáng dạ, thông minh nên khi đi học, cậu tiếp thu rất nhanh những kiến thức thầy cô truyền dạy. Năm nào Lềnh cũng đạt học sinh giỏi toàn diện, ngoài ra cậu bé có đôi mắt sáng này còn là lớp trưởng gương mẫu được các bạn yêu mến.


Khiêm tốn, không khoe khoang, khi hỏi về thành tích học tập, Lềnh chỉ “khoe” đạt học sinh giỏi. Nhưng bị các bạn cùng đoàn “tố” thêm giải Nhất Cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường, Khuyến khích cấp thành phố, ngoài ra là giải Nhất Cuộc thi giải toán qua mạng cấp trường, Lềnh mới bẽn lẽn cười thừa nhận.


Dường như tuổi thơ quá nhiều sóng gió và mất mát đã khiến Lềnh “già trước tuổi”, từng lời nói của cậu bé 9 tuổi đều rất nghiêm túc và rành rọt. Khi kể chuyện gia đình, Lềnh rơm rớm nước mắt nói: “Em trai ở nhà khác nhưng em thường xuyên sang đấy chơi, em còn nhỏ quá nên phải ở cùng các cô, các chị để được chăm sóc. Chỉ có tết hai anh em mới được về nhà thôi, em thương nó lắm, vì nó còn bé quá mà”.


Lềnh không ngần ngại kể về ước mơ của mình: “Em muốn sau này sẽ trở thành kiến trúc sư hoặc bộ đội biên phòng. Nhưng em thích là bộ đội biên phòng hơn”. Khi tôi nói bộ đội biên phòng sẽ vất vả và nguy hiểm lắm, Lềnh nói đầy quả quyết với ánh mắt rực sáng: “Em không sợ khổ, em muốn làm bộ đội biên phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân để không có ai bị giết, không có em bé nào bị bắt cóc như anh em em nữa”.



Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN