Những bài học lịch sử từ gia đình

Việc giảng dạy lịch sử rất nên được bắt đầu từ trong chính gia đình. Cha mẹ cùng học sử với con qua những câu chuyện kể sẽ giúp con nhận thức rõ hơn ý nghĩa của việc học sử.

Khi bé Huy Hùng lên 4 tuổi, bé đã có thể kể được câu chuyện Hai Bà Trưng giẫm nát đám quân của Tô Định như thế nào. “Con voi của Hai Bà Trưng rất to. To thế này này (khoát tay mô tả). Quân giặc nhìn thấy con voi thì sợ quá, bỏ chạy. Nhưng bạn voi liền đuổi theo. Bạn voi chạy rất nhanh. Quân địch bé quá chạy không kịp nên bạn voi giẫm chết”.

Tham quan Bảo tàng Dân tộc học cũng là cách học lịch sử văn hóa của dân tộc.


Trận chiến lẫy lừng của Hai Bà Trưng không phải bài học lịch sử duy nhất bé Huy Hùng có thể kể được. Bé còn có thể kể câu chuyện những người lính Điện Biên đã kéo pháo vào trận địa như thế nào. Câu chuyện của bé đơn giản nhưng sinh động kèm theo nhiều động tác mô tả. Đó là cảnh các chiến sĩ cúi rạp người kéo pháo ra sao. Khẩu pháo nặng trĩu như thế nào. Hiểu biết lịch sử của bé chưa hệ thống, nhưng đều là những mảnh sống động, giàu cảm xúc.

Không phải ngẫu nhiên Huy Hùng có được khả năng kể chuyện lịch sử như vậy. Cha cậu bé mỗi tối trước khi đi ngủ đều nói chuyện với con khoảng một giờ đồng hồ. Trong những buổi “kể chuyện đêm khuya” như thế, anh đều thu xếp khoảng mươi phút để kể chuyện lịch sử cho bé nghe. Những câu chuyện khi đó chưa có niên đại, ngày tháng, chỉ có những tình tiết hấp dẫn. Do đó, chúng rất dễ nghe, dễ nhớ. Chỉ trong vòng 1 tháng bé đã có thể kể được một câu chuyện lịch sử mà bố đã nói đi nói lại nhiều lần.

“Tôi vẫn nghĩ việc giảng dạy lịch sử nên được bắt đầu từ trong mỗi gia đình”, PGS.TS Vũ Văn Quân, Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV nói. “Cha mẹ không thể yêu cầu con họ học sử nghiêm túc khi chính họ còn không có ý thức về điều đó. Không phải ai cũng được đào tạo có hệ thống về lịch sử, song việc dạy bảo con về lịch sử qua các mẩu chuyện lại đơn giản. Đơn giản hơn nữa, khi chúng ta có một hệ thống truyện tranh để hỗ trợ cha mẹ về điều này”.

Chưa kể, chúng ta còn có rất nhiều truyện tranh từng nổi tiếng trong quá khứ, nay vẫn tiếp tục được NXB Kim Đồng tái bản. Đó là những “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Kim Đồng”, “Bức tượng Bác Hồ bằng gỗ trầm hương”... Đó chính là lịch sử đã được kể thành những câu chuyện, xây dựng thành những biểu tượng văn học. Chính vì thế, những tác phẩm này tuy là hình ảnh của những thời đoạn lịch sử khác nhau của Tổ quốc nhưng đều chung cảm xúc lay động lòng người.

“Tôi vẫn nghĩ nếu ông bà, cha mẹ, anh em cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện như thế, lịch sử sẽ trở nên gần gũi hơn nhiều. Khi tới trường, trẻ sẽ được học thêm về niên đại lịch sử của những mẩu chuyện đó, hoàn tất bức tranh lịch sử dân tộc trong tâm hồn đứa trẻ”, PGS.TS Vũ Văn Quân chia sẻ.
Chính việc giảng dạy lịch sử như thế, về bản chất sẽ rất gần với giảng dạy lịch sử của làng quê, vùng đất nơi mình sinh sống. Các em hoàn toàn có thể học lịch sử dân tộc từ những bài học về ngôi đình, chùa làng mình ở.

“Tôi rất mừng khi giờ đây các bậc cha mẹ đã quan tâm hơn tới việc giảng dạy lịch sử cho con mình. Thậm chí tôi còn thấy có các nhóm phụ huynh họp nhau lại tổ chức các CLB lịch sử. Như thế, con của họ có nhiều cơ hội tiếp xúc và học tập, ghi nhớ, thấu hiểu lịch sử hơn. Nó cũng cho thấy sự chủ động của các gia đình. Rõ ràng, người ta không thể lúc nào cũng chỉ trông cậy vào mỗi việc giảng dạy trong nhà trường được”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Cầm Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN