Nhịp sống yên bình giữa đại ngàn Pù Huống

Là một trong 9 bản của xã vùng sâu, vùng xa Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An), Na Ngân thuộc địa bàn khó khăn, xa xôi nhất so với những bản còn lại. Bản Na Ngân ở cách trung tâm xã Nga My, kết nối bằng con đường đất độc đạo dài hơn 20 km, lắm dốc cao, vực sâu, chạy dọc sườn núi Pù Hiêng, xuyên vào vùng lõi đại ngàn Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Chú thích ảnh
Nhà dân và các điểm trường Mầm non, Tiểu học tại khu vực trung tâm bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Nơi đây hiện có hơn 150 hộ với hơn 750 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái. Dù cuộc sống ngăn cách, biệt lập với bên ngoài, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các cấp và sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của người dân, bản làng Na Ngân đã và đang khởi sắc từng ngày, cuộc sống kinh tế của người dân ngày một vươn lên.

Nét Thái cổ ở Na Ngân

Mất hơn một giờ chinh phục con đường đất độc đạo nhiều dốc dài và cao, vực sâu, len lỏi dưới tán rừng sâu hun hút và nhiều lần vất vả, khó nhọc vượt suối Nậm Ngân, chúng tôi mới “chạm” được cửa ngõ bản Na Ngân. Từ đỉnh dốc cao phóng tầm mắt về thung lũng, bản làng hiện lên là những nóc nhà sàn lợp mái tôn, cỏ tranh, ngói đỏ ẩn hiện trong mây mù, hơi sương, quần tụ một góc dưới chân núi Pù Hiêng và được bao bọc giữa tứ bề đại ngàn Pù Huống. Từ vị trí này, có thể dễ dàng nhận ra khu vực đồng ruộng trồng lúa nước của người dân chiếm diện tích khá lớn, nằm trải dài dọc thung lũng, được "tắm mát" và cung cấp phù sa bởi thượng nguồn dòng Nậm Ngân trong xanh.

Theo các cụ cao niên trong bản kể lại, từ những năm 1950, người dân tộc Thái ở các huyện Con Cuông, Quế Phong… tìm đến vùng đất này. Chính yếu tố “tụ thủy” của dòng Nậm Ngân quanh năm chảy tràn, ăm ắp nước, cho nhiều phù sa, tôm cá bên cạnh một thung lũng tương đối bằng phẳng, chất đất phì nhiêu thuận lợi cho trồng trọt, cấy hái, họ quyết định dừng lại, kết thúc hành trình “thiên di” để định cư, lập bản, khai khẩn ruộng hoang tại miền đất này. Tên bản Na Ngân được dân bản đặt theo nghĩa tiếng Thái là “ruộng bên dòng Nậm Ngân”. Ngoài vai trò tạo sinh kế cho người dân trong trồng trọt, nuôi cá, dòng Nậm Ngân còn là yếu tố định hình, tạo dựng nên bản làng Na Ngân của đồng bào Thái như ý nghĩa của câu nói “Người Thái ăn theo nước, người Xá ăn theo lửa, người Mông ăn theo sương mù”.

Chú thích ảnh
Cây cầu gỗ bắc qua suối Nậm Ngân để đến bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Đi qua cây cầu gỗ đơn sơ bắc ngang dòng suối Nậm Ngân nơi dòng chảy đột ngột “vặn mình”, du khách “lạc” vào một tiểu vùng văn hóa mang đậm sắc thái bản địa của đồng bào Thái. Điểm nhấn trong khung cảnh yên lặng, thanh bình của bản làng là những cây dừa, cau cao vút được trồng bên hiên những ngôi nhà sàn khang trang, có nét kiến trúc độc đáo với hệ thống chân cột to lớn, vững chãi. Đường vào bản cũng được tô điểm bởi sắc đỏ của những rặng hoa trạng nguyên được người dân trồng làm hàng rào ngăn cách khuôn viên sân, nhà với đường nội bản.

Độc đáo và thu hút sự chú ý của du khách là những ngôi nhà sàn, mái lợp bằng gỗ Pơ mu phủ đầy rêu mốc. Theo anh Kha Văn Luận, người dân trong bản Na Ngân cho biết, hiện tại bản có 6 ngôi nhà sàn mái lợp bằng gỗ Pơ mu. Những ngôi nhà sàn này thuộc nhóm các ngôi nhà sàn cổ, được cất dựng đầu tiên trong bản, tồn tại cách đây hàng chục năm, trải qua nhiều thế hệ trong gia đình, dòng tộc, với kiến trúc độc đáo, mang tính nhận diện văn hóa rất đặc trưng của đồng bào Thái. Đặc biệt kết cấu hệ thống hoành, xà, kèo, cột, giằng, mộng của các ngôi nhà lưu giữ những giá trị thẩm mỹ, văn hóa rất lớn.

Chính những ngôi nhà sàn này đã trở thành kiểu mẫu, tiền đề để những hộ gia đình làm nhà sau này học hỏi về kiến trúc. Do đó, các ngôi nhà sàn trong bản dù thời gian cất dựng cách nhau nhiều năm nhưng vẫn có những điểm giống nhau về hình dáng, kiến trúc, trang trí lan can, không gian trong nhà. Tất cả là một chỉnh thể thống nhất, mang tính tư duy, chứa đựng những triết lý nhân sinh.

Ông Kha Văn Luận cho biết, người dân trong bản đều là dân tộc Thái, có truyền thống làm nhà sàn. Những ngôi nhà được cất dựng đầu tiên trong bản có tuổi thọ lên đến 70 năm. Đặc biệt là những ngôi nhà sàn có mái lợp bằng gỗ Pơ mu còn gìn giữ được những nét nguyên bản ban đầu từ khi dựng nên.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà sàn cổ với kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Thái vẫn còn lưu giữ tại bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Tự hào là chủ sở hữu một ngôi nhà sàn có mái lợp bằng gỗ Pơ mu trong bản Na Ngân, ông Vi Văn Tương cho biết: Những họa tiết, hoa văn được trang trí trên hệ thống hoành, xà là do những người thợ có tay nghề cao chạm khắc. Qua bao nhiêu năm, màu sắc họa tiết, hoa văn vẫn tươi mới.

Quá trình khám phá, trải nghiệm không gian bản làng Na Ngân cho thấy sự hồn hậu, cởi mở, trọng tình và mến khách của người dân nơi đây. Dù là người lạ, lần đầu đặt chân đến Na Ngân, nhưng chúng tôi luôn được người dân coi như người của bản. Nhờ sự gần gũi của đồng bào, chúng tôi dễ dàng nhận ra rằng, cộng đồng người Thái nơi đây vẫn còn bảo lưu được những thiết chế, quy ước, hương ước để xây dựng bản làng, dòng họ hòa thuận, tương thân và đoàn kết; thái độ ứng xử với thiên nhiên; trao truyền được những tập quán, phong tục, nếp sống, sinh hoạt, trang phục truyền thống và tiếng nói của dân tộc mình.

Ông Kha Văn Luận, bản Na Ngân cho biết, trong văn hóa ẩm thực, người dân trong bản vẫn giữ được những món ăn chế biến theo cách thức truyền thống. Đặc biệt trong dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, trong mâm cỗ sẽ có nhiều món ăn mang đậm văn hóa của người Thái như: món mọc cá, cá nướng, bánh dày, bánh chưng đen nhân hoa kê… Trong các lễ hội, liên hoan văn nghệ, các điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống sẽ được người dân trong bản tổ chức trình diễn.

Nỗ lực thoát nghèo

Chú thích ảnh
Một góc bản làng Na Ngân tại xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An).

Cùng với các bản Na Ca, Canh, Xốp Kho, Na Ngân là một trong 4 bản thuộc diện khó khăn của xã Nga My. Bản làng Na Ngân bị chia cách, biệt lập với khu vực “vùng ngoài”, giao thông đi lại khó khăn, vất vả. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao… Với nỗ lực đẩy lùi cái nghèo, những năm qua, người dân trong bản đã xây dựng những mô hình kinh tế gia đình, tự thân vươn lên, từng bước thoát nghèo.

Điểm nhấn quan trọng trong diện mạo bản Na Ngân hôm nay là sự hiện diện của hai điểm trường Mầm non và Tiểu học Nga My ngay trong trung tâm bản, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo 100% học sinh trong bản đều được ra lớp, đến trường đúng độ tuổi. Năm 2016, Na Ngân được “phủ” điện lưới quốc gia, tạo nên bước ngoặt lớn trong sự đổi thay của bản làng, chấm dứt tình trạng người dân thắp sáng bằng đèn dầu, máy phát điện tua-bin nước từ hàng chục năm qua.

Chú thích ảnh
Phụ nữ dân tộc Thái ở bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) sàng sảy gạo.

Một kỳ tích cần nhắc đến ở Na Ngân là công trình đường giao thông nối vùng trung tâm xã Nga My đi qua các bản khó khăn Na Ca, Na Canh, Xốp Kho vào bản Na Ngân được hình thành vào năm 2010. Tuy là đường đất nhỏ, hẹp lắm dốc cao, vực sâu, ngày mưa đầy sình lầy, trơn trượt và chỉ phù hợp với phương tiện xe máy nhưng đã rút ngắn thời gian của hành trình ra, vào bản xuống gấp nhiều lần. 

Ông Lương Văn Tiến, nguyên Trưởng bản Na Ngân và nhiều thầy cô giáo thế hệ đầu tiên đặt chân vào bản công tác vẫn chưa quên được những ký ức khi tuyến đường chưa được mở. “Mỗi lần ra, vào bản, chúng tôi phải men theo ven bờ suối Nậm Ngân để đi và hơn 40 lần vất vả khiêng xe máy lội qua suối. Những lần di chuyển như vậy, phải đi lúc tờ mờ sáng, đến tận chiều mới vào được bản. Vào mùa mưa lũ, hành trình ra, vào bản càng khó khăn, vất vả, gian nan hơn nhiều lần”, ông Lương Văn Tiến chia sẻ.

Chú thích ảnh
Giờ học Toán của học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nga My.

Theo ông Lương Văn Ớt, Trưởng bản Na Ngân, đến nay, đa phần các hộ dân trong bản đều đã có tivi, xe máy, nhiều nhà có máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bản có 3 hộ gia đình mở quán, buôn bán tạp hóa, các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong bản. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân trong bản còn đào ao, sử dụng nguồn nước suối của dòng Nậm Ngân để nuôi cá trắm, cá rô phi. Để có nguồn thức ăn trong chăn nuôi, người dân mở rộng diện tích trồng cỏ, chuối. Ngoài diện tích ruộng lúa trải dọc thung lũng, người dân còn tận dụng các diện tích dọc suối Nậm Ngân để trồng cây lương thực, cây có hạt và làm nương rẫy trồng sắn, ngô. Vào mùa, dân bản còn đi khai thác măng, mật ong trong rừng bán ra thị trường tạo thêm nguồn thu nhập.

Mong muốn lớn nhất của người dân bản Na Ngân là con đường đất, độc đạo nối trung tâm xã Nga My từ quốc lộ 48C đi qua các bản Na Ca, Na Canh, Xốp Kho vào bản được mở rộng, nâng cấp. Các địa điểm suối Nậm Ngân chảy qua, chia cắt tuyến đường sẽ được xây cầu kiên cố để người dân đi lại thuận lợi, từ đó tạo tiền đề thông thương trao đổi hàng hóa, giúp kinh tế Na Ngân chuyển dịch cơ cấu, phá thế tự cung, tự cấp. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cấp trên cần khảo sát, tạo điều kiện để xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp…

Chú thích ảnh
Học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) vui bước đến trường.

Chúng tôi rời Na Ngân khi mặt trời còn gác lại những tia nắng le lói trên dãy Pù Hiêng, không khí lạnh đã phủ đầy trong thung lũng. Những làn khói từ những gian bếp bay lên, vương vấn những mái nhà sàn cổ tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình cho bản làng.

Bài và ảnh: Xuân Tiến (TTXVN)
Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn
Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn

Chiều 23/12, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN