Nhiều vướng mắc khi cải tạo chung cư cũ

Để đảm bảo an toàn cho người dân và chỉnh trang đô thị, TP Hồ Chí Minh có chủ trương di dời dân cư và tháo dỡ để đầu tư xây mới hàng chục chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, tiến độ di dời và cải tạo các chung cư này đến nay vẫn rất chậm vì nhiều nguyên nhân.


Khó di dời dân


Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) là một trong hàng chục căn chung cư cũ nát cần phải cải tạo khẩn cấp nằm giữa trung tâm thành phố. Chung cư này được xây dựng từ năm 1960, là nơi sinh sống của 530 hộ dân. Cách đây hơn 10 năm, UBND thành phố đã có chủ trương di dời người dân ra khỏi chung cư vì khi đó tường bị nứt, hệ thống dầm và trụ chống đỡ bị mục, bong tróc, cốt thép bị rỉ sét... và nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Thế nhưng cho đến nay, việc di dời người dân ra khỏi đây vẫn chưa hoàn tất.

 

Chung cư 727 xuống cấp nghiêm trọng.

 


Theo UBND quận 5, vào tháng 7/2013, UBND quận đã yêu cầu Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) kết hợp với Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích (DVCI) quận 5 quyết liệt di dời 133 hộ dân còn lại trong thời gian sớm nhất để tiến hành tháo dỡ; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp tự chiếm, tái chiếm, cư ngụ bất hợp pháp phát sinh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 50 hộ dân chưa chịu di dời do những vướng mắc liên quan đến mức tiền hỗ trợ, bồi thường hoặc không đồng ý với nơi tái định cư (TĐC). Những hộ dân này cho biết, họ không đồng tình di dời về khu TĐC tại quận Tân Phú vì quá xa nơi ở cũ.


Mới đây, UBND quận Bình Thạnh cũng thông báo kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư lô IV, lô VI cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân bởi chung cư này đang bị nghiêng, lún nứt và có nguy cơ sụp đổ. Việc bố trí nơi ở mới cho người dân sẽ được thực hiện từ ngày 30/5-10/6/2014 tại chung cư 1.050 căn hộ (block A và B) thuộc quy hoạch khu TĐC, công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh.

 

 

Lô IV, VI chung cư Thanh Đa bị nghiêng và yêu cầu di dời khẩn cấp.

 

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Cuối năm 2013, UBND TP đã có Quyết định số 6609/QĐ-UBND thành lập tổ công tác thực hiện cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp. Theo đó, tổ công tác sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả, khả thi, đúng tiến độ, yêu cầu kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp của thành phố giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo.

 

Ông Nguyễn Thành Triệu, 71 tuổi, ngụ tại phòng số 1137, chung cư 727:

Gia đình tôi nằm trong diện đủ điều kiện nhận tiền tự lo nơi ở hoặc tái định cư tại khu căn hộ với giá bán do UBND quận 5 phê duyệt. Nếu nhận nhà thì tôi sẽ đổi phòng ở 24 m2 tại chung cư 727 sang căn hộ tái định cư quận Tân Phú với diện tích tương đương. Nhưng căn hộ tái định cư lại có diện tích đến 60 m2. Với phần diện tích chênh lệch, tôi phải trả khoảng 14,5 triệu đồng/m2. Chúng tôi lấy đâu ra tiền mà trả khi tiền hỗ trợ di dời chỉ có hơn 160 triệu đồng ? Còn nhận tiền rồi ra ngoài tự lo nơi ở thì với số tiền như vậy, tôi mua được nhà ở đâu? Trong khi hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn. Tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ nằm trong diện được thuê căn hộ.

Bà Nguyễn Thị Oanh, ngụ tại 019, lô IV, chung cư Thanh Đa:

Chúng tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ tái định cư. Ví dụ, căn cứ vào diện tích nhà cũ có thể đổi ngang diện tích căn hộ tái định cư mà người dân chúng tôi không phải đóng thêm tiền. Nếu diện tích nhà tái định cư lớn hơn so với nhà cũ, chúng tôi mong muốn Nhà nước có những giải pháp linh hoạt để mọi người dân có thể sở hữu được phần diện tích chênh lệch.

 

Ông N.V.Đ - Công ty bất động sản Đ.L:

Nhà nước cần có những quyết định dứt khoát, mạnh mẽ; cần thiết phải thay đổi những quy định về luật có liên quan để phù hợp với tình hình thực tế. Không nhất thiết phải tuân thủ quy định xây dựng căn hộ tối thiểu là 50 m2 bởi nhiều người dân không đủ sức trả phần chênh lệch diện tích.


Ông Dương Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết: “Trước mắt, UBND quận Bình Thạnh tổ chức phương án di dời khẩn cấp chứ không tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB”. Theo các hộ dân, đây là lần thứ… 13 có thông tin di dời khẩn cấp (lần đầu là năm 2003). Tuy nhiên, việc có thể di dời được hay không thì vẫn còn là “ẩn số” bởi nhiều người dân khẳng định họ chỉ di dời khi được bồi thường thỏa đáng và yêu cầu cơ quan chức năng phải bán hóa giá nhà theo Nghị định 61/NĐ - CP đối với căn hộ cũ.


Bà Lâm Bích Thủy, ngụ tại căn hộ 017 lô IV, cho biết: “Chúng tôi nhất quyết không di dời nếu cơ quan nhà nước không hợp thức hóa nhà và có mức giá bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho chúng tôi. Trước đây, cơ quan chức năng không đồng ý cho chúng tôi hóa giá nhà mà vẫn cho thuê vì lấy lý do chung cư cũ, bị nghiêng. Nhưng hầu hết chúng tôi đều phải bỏ từ 40 - 60 cây vàng sang nhượng từ chủ cũ. Đó là một tài sản lớn nên chúng tôi sẽ không ra đi nếu không nắm trong tay giấy tờ gì đảm bảo tài sản của mình”.


Doanh nghiệp chưa mặn mà


Theo kế hoạch, từ năm 2013 đến 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ di dời, tháo dỡ 70 lô chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư với quy mô 10.000 m2 sàn; đồng thời sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ. Cụ thể, năm 2013 hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng 20 lô chung cư, khởi công xây dựng mới thay thế 7 lô chung cư. Năm 2014, sẽ giải phóng mặt bằng 18 lô chung cư, khởi công xây mới 22 lô chung cư. Năm 2015, giải phóng mặt bằng 32 lô chung cư, khởi công xây mới 32 lô chung cư mới. Tuy nhiên, việc thực hiện đúng kế hoạch không phải là điều dễ dàng vì thành phố sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc GPMB và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo chung cư cũ.


Một số doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư vào phân khúc cải tạo chung cư cũ đầy rủi ro. Một số chung cư cũ có vị trí bất lợi, xây dựng đan xen trong các khu dân cư, diện tích đất nhỏ nên việc cải tạo, đầu tư xây dựng lại theo kết cấu cũ không đạt hiệu quả kinh tế.


Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết: “Luật quy hoạch, xây dựng mới khắc nghiệt hơn, đòi hỏi những căn hộ có khoảng không gian rộng rãi từ 50 m2 trở lên và phải có công viên, công trình công cộng. Do vậy, khó có thể áp dụng những quy chuẩn mới vào những chung cư cũ này. Để có lãi, buộc doanh nghiệp phải xây thêm tầng. Ví dụ như 5 block chung cư cũ có 5 tầng và diện tích căn hộ chỉ từ 20 - 30 m2 thì bây giờ không thể còn 5 block mà chỉ còn 3 block với 15 - 20 tầng. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vướng vào luật quy hoạch, xây dựng, chưa kể đến quy định giới hạn dân số, gây áp lực giao thông khu vực”.


Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 34/2007 và vừa qua Sở Xây dựng cũng đã trình UBND thành phố xem xét chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. “Thế nhưng, chúng tôi chỉ biết qua loa vậy chứ chưa có một thông tin cụ thể như thế nào, vì đi vào từng dự án có rất nhiều vấn đề phải bàn. Cần thiết phải có buổi trao đổi trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, một doanh nghiệp địa ốc cho biết. Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, hàng loạt dự án nhà ở thương mại đang “đắp chiếu” chưa biết đến khi nào mới được chuyển đổi qua dự án nhà ở xã hội để giải phóng hàng tồn kho, nên có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến những dự án cải tạo chung cư cũ.


Chính vì những lý do trên mà công tác xã hội hóa cải tạo chung cư cũ của TP Hồ Chí Minh chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Do vậy, thời gian qua, “trách nhiệm” cải tạo chung cư cũ vẫn đang được giao về cho các công ty DVCI nhưng các đơn vị này lại không đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện.

 

Anh Đức

Loay hoay tìm cách cải tạo chung cư cũ
Loay hoay tìm cách cải tạo chung cư cũ

Hiện Hà Nội còn khoảng 1.200 nhà chung cư cũ, tập trung tại các quận nội thành, với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Phần lớn những chung cư này được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, bằng nguồn vốn ngân sách và phân phối cho cán bộ công nhân viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN