Nhiều tuyến tỉnh lộ xuống cấp

Mặc dù hàng năm tỉnh Đắk Lắk bố trí hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng hiện nay nhiều tuyến đường giao thông tại tỉnh này vẫn xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.


Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 10.800 km đường giao thông các loại, trong đó có 5 tuyến quốc lộ (QL), 13 tuyến tỉnh lộ, 71 tuyến đường huyện và đường thôn, buôn, đô thị. Đến nay, nhiều tuyến đường từ QL đến tỉnh lộ đã và đang xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn như tỉnh lộ 1, đoạn từ thị trấn Ea Súp vào xã Ea Rốk bị hư hỏng nặng. Mặt đường xuất hiện những ổ trâu, ổ voi liền nhau kéo dài hàng chục cây số, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Mặc dù hằng năm, tuyến đường này đều được duy tu, bảo dưỡng, nhưng chỉ qua một mùa mưa tình trạng lại như cũ. Cũng ở trên tuyến tỉnh lộ này, nhiều đoạn làm xong mới nghiệm thu nhưng đã bị hỏng cục bộ như bong tróc mặt đường, sụt lún…

 

Đường giao thông xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.


Tương tự, tỉnh lộ 2, đoạn từ điểm giao nhau với QL14 đến địa phận xã Ea Na, huyện Krông Ana dài khoảng 3 km cũng bị cày nát bởi các xe quá tải trọng chở vật liệu xây dựng. Nhiều đoạn mặt đường bị lõm sâu, là nỗi kinh hoàng của người dân địa phương. Mùa mưa đến, đoạn đường này trở thành cái bẫy thường trực dễ gây tai nạn với người tham gia giao thông. Còn tỉnh lộ 9 và 12, qua huyện Krông Bông, hầu hết mặt đường láng nhựa đều bị xuống cấp trầm trọng. Được biết, hàng năm tuyến đường được ngân sách cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nhưng theo lý giải của đơn vị quản lý thì do kinh phí quá ít không đáp ứng nhu cầu nên việc bong, bật đá dăm ở những điểm “vá” là khó tránh khỏi.


Ngoài ra, các tuyến tỉnh lộ khác như 3, 13, 15… cũng ở trong tình trạng tương tự. Các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng có dấu hiệu xuống cấp, nhiều chỗ mặt đường bắt đầu bị rạn nứt, sụt lún. Các tuyến đường đã xuống cấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.


Không thể chờ đợi sự đầu tư Nhà nước, những người dân dọc tuyến đường đã lấy đất đá, san lấp các vũng lún để hạn chế tai nạn, nhưng đang là mùa mưa nên chỉ được mấy ngày là toàn bộ bị cuốn phăng hết.


Ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk thừa nhận, nhiều tuyến đường trong tỉnh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cải tạo mặt đường chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2013 và 2014, mỗi năm Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk phân bổ trên 20 tỷ đồng cho việc tu sửa các tuyến tỉnh lộ nhưng chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu. Nhiều tuyến như tỉnh lộ 3, 9 đã được UBND tỉnh cho chủ trương nâng cấp và ngành giao thông Đắk Lắk đã làm xong dự án nhưng do thiếu vốn nên không thể triển khai. Bên cạnh đó, những năm gần đây, số phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, nhất là các phương tiện có tải trọng lớn, nên càng làm cho đường xuống cấp nhanh chóng. Yếu tố thời tiết với 6 tháng mùa mưa cũng làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ các công trình giao thông tại Đắk Lắk…


Anh Dũng

Đường Hồ Chí Minh tạo động lực cho Tây Nguyên: Ưu tiên đầu tư cho quốc lộ
Đường Hồ Chí Minh tạo động lực cho Tây Nguyên: Ưu tiên đầu tư cho quốc lộ

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đã từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN