Nhiều sáng chế hữu ích từ vật liệu tái chế

Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo không ngừng nghỉ, ông Mai Hoài Thuận, 45 tuổi, ở thôn Trung, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã sáng chế ra nhiều loại máy móc có giá thành phù hợp, tiện dụng, giúp người nông dân giảm công lao động, tăng giá trị sản xuất. Điểm chung của những chiếc máy do ông Mai Hoài Thuận chế tạo là đều làm từ những vật liệu tái chế tưởng chừng như đã vô dụng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Mai Hoài Thuận nằm ngay bên cầu Phú Cốc bắc qua sông Cái. Tận dụng mảnh sân trước nhà chừng 30 m2 để làm nơi sản xuất, nhưng không khí sản xuất tại "xưởng" của ông Thuận lúc nào cũng nhộn nhịp, bởi tiếng máy cưa, tiện sắt, người ra vào hay những cuộc trò chuyện, trao đổi công việc giữa ông Thuận với bà con nông dân khắp trong và ngoài tỉnh, xung quanh việc chiếc máy đang được chế tạo.

Ông Mai Hoài Thuận bên chiếc máy thái chuối do ông sáng chế.

Vừa dứt câu chuyện với một khách hàng từ xa đến đặt làm máy, ông Thuận đến gần chiếc máy thái chuối đã hoàn thiện để ở góc sân, nơi chúng tôi đang đứng xem. “Trông cái máy nhỏ gọn thế này thôi nhưng được rất nhiều người chăn nuôi đặt làm, bởi công suất thái của nó bằng cả 4 - 5 người làm”, ông Thuận mở đầu câu chuyện.

Tự tay nhấc chiếc máy thái chuối đặt lên kệ, ông Thuận kể: “Trong một lần đến nhà anh bạn chơi, tôi thấy gia đình anh này làm trang trại nuôi chừng 50 con lợn thịt. Để chăm sóc đàn lợn, mỗi ngày cần nhiều công lao động. Công thái rau, chuối rồi băm nhuyễn làm thức ăn rất mất thời gian. Ý tưởng chế tạo ra một cái máy thái chuối nảy ra trong đầu tôi ngay từ lúc đó”. Ông Thuận bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng chế tạo máy thái chuối, bằng việc vẽ hình dáng chiếc máy và vật dụng cần cho việc chế tạo chiếc máy. Phương châm của ông là làm từng bước một, vừa làm vừa thử nghiệm, sao cho tạo ra một chiếc máy vừa có giá thành rẻ, vừa có công suất cao.

Ông Thuận cho biết: “Tôi vốn từng học và làm nghề cơ khí nhiều năm nên ngay từ khi bắt tay vào chế tạo máy thái chuối đã nghĩ ngay đến việc tận dụng những mảnh tôn, tấm thép cũ sẵn có ở trong nhà để làm chân, khung máy... Chiếc máy đầu tiên, tôi phải mất 3 tháng để hoàn thành nhưng chưa ưng ý vì tiếng ồn lớn, hệ thống dao thái quay chưa ổn định… Do vậy, tôi đã dành thêm thời gian nghiên cứu, học hỏi để hoàn thiện chiếc máy thái chuối đúng theo yêu cầu đặt ra và được mọi người chấp nhận”.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, ông Thuận dí dỏm nói thêm rồi bật công tắc điện để khởi động máy, dùng hai tay nâng cây chuối dài gần 2 m và đưa vào thái. Chỉ trong vài phút, chiếc máy đã thái nhuyễn hết cây chuối. Chiếc máy hoàn thành việc thái nhanh hơn nhiều so với chuối. Ông Thuận hé lộ, tiêu chí đầu tiên của ông khi chế tạo chiếc máy này là đơn giản hóa cấu tạo tối đa, trọng lượng cũng chỉ trên 20 kg để dễ vận chuyển và sử dụng. Bộ phận quan trọng nhất của chiếc máy là hệ thống dao thái với 2 lưỡi dao, khi hoạt động quay tròn như cánh quạt, bảo vệ cho hệ thống dao thái là một khung tròn. Máy chạy bằng một mô tơ điện và có giá chỉ từ 2 - 3 triệu đồng, tùy thuộc vào công suất. Ông Thuận nói vui: “Tôi cố tình để chiếc máy cũ đúng y như màu sắt cũ cho nó “bình dân”, thế mới hợp với phong cách của nhà nông, chứ muốn mới thì sơn một lát là xong”.

Đam mê sáng chế

Từ những vật dụng như nhông, xích… của xe máy đã bỏ đi, ông Mai Hoài Thuận tận dụng để chế tạo nhiều bộ phận quan trọng của chiếc máy làm hương. Theo ông Thuận, ưu điểm lớn nhất của chiếc máy này là nén chặt nguyên liệu làm hương vào từng chiếc tăm, qua đó tạo ra được những que hương vừa chắc, vừa tròn đều, vì vậy sản phẩm bán được giá thành cao hơn. Bà Trần Thị Mây, hàng xóm nhà ông Thuận là một trong những người đầu tiên sử dụng chiếc máy này. Bà cho biết, chiếc máy vận hành khá nhẹ nhàng, sản phẩm làm ra ít bị lỗi, công suất cao hơn so với máy khác. Vì vậy, bà thường tận dụng những lúc nhàn rỗi, làm thêm hương để tăng thu nhập.

Từ trước đến nay, các loại máy móc do ông Thuận sáng chế ra đều được bà con nông dân tin dùng, nhiều máy được cấp bằng sáng chế và đạt giải thưởng ở các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông. Điển hình là máy nén có trọng lực lên đến 50 tấn, giá bán chỉ từ 10 - 12 triệu đồng. Hay như băng truyền tải có thể di chuyển và nâng cao 3 - 4 m, rất phù hợp cho việc rải thức ăn cho lợn, bò nuôi với số lượng lớn. Ông Thuận dự định chế tạo thêm nhiều máy móc nữa để giúp bà con nông dân giảm công lao động, nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các loại máy thu hoạch, bảo quản nông sản.

Ngay từ khi còn đang học cấp 3, cậu học sinh Mai Hoài Thuận đã có niềm đam mê sáng chế ra máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Mai Hoài Thuận phải nghỉ học giữa chừng, ra thành phố kiếm việc làm để có thu nhập phụ giúp gia đình. Song, không vì thế Mai Hoài Thuận từ bỏ niềm đam mê của mình. Sau một thời gian làm nhiều nghề để kiếm sống, chàng thanh niên Mai Hoài Thuận đã xin vào một xưởng cơ khí vừa làm, vừa học việc. Vốn có niềm đam mê, lại chịu khó học hỏi, ông Thuận được một công ty cơ khí nhận vào làm việc. Đến cuối năm 2012, ông quyết định trở về quê, dùng kiến thức đã học hỏi sáng chế ra các loại máy móc, giúp bà con nông dân đỡ khó khăn, vất vả trong sản xuất. Theo Hội Nông dân xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, những chiếc máy do ông Mai Hoài Thuận sáng chế rất hữu ích đối với bà con nông dân, giúp vừa giảm công lao động, vừa tăng hiệu quả sản xuất.
Bài và ảnh: Nguyên Lý
"Ông lớn" công nghệ Trung Quốc bị kiện vì vi phạm bằng sáng chế
"Ông lớn" công nghệ Trung Quốc bị kiện vì vi phạm bằng sáng chế

Hãng điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics ngày 22/7 cho biết vừa khởi kiện đối thủ Huawei Technologies vì cho rằng công ty Trung Quốc này đã vi phạm bằng sáng chế của hãng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN