Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề

Hiện nay, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ven biển ở xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề, do cá nuôi lồng bè và nghêu, sò chết bất thường.

Tình trạng này đang diễn biến phức tạp gây lo ngại cho người nuôi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang.

Khi tận mắt nhìn lồng nuôi cá chẽm, cá bốp và cá mú trên biển của anh Võ Văn Phúc ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa (Kiên Lương) chết sạch mới thấy sự mất mát rất lớn của người nuôi thủy sản ở xã Dương Hòa.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: TTXVN

Anh Võ Văn Phúc cho biết, sau Tết Nguyên đán gia đình nuôi thả 2.000 cá chẽm, 1.000 cá bốp và 1.000 cá mú. Đàn cá phát triển tốt, đến nay đạt trọng lượng từ 0,5 kg/con trở lên.


Sáng 8/5 vừa qua như thường lệ, anh Phúc ra lồng nuôi cho cá ăn, nhưng không thấy con nào bơi lên đớp mồi và cứ nghỉ là trời trở gió, nên cá không ăn. Hôm sau tiếp tục ra cho cá ăn thì cá chết sạch, nổi trắng trên mặt nước.


Anh Phúc cho biết: “Hơn 7 năm nay nuôi cá lồng trên biển, tôi chưa bao giờ gặp tình trạng cá chết nhiều như vậy. Nghi ngờ bị ai đó phá hoại, nên tôi báo với công an. Cứ tưởng chỉ có cá nuôi của tôi bị chết, nhưng những hộ nuôi cá lồng bè lân cận trong vùng biển cũng tương tự. Thiệt hại vụ cá này hơn 400 triệu đồng”.


Tiếp tục tìm đến bè nuôi cá bốp, cá mú khoảng 1.000 con của ông Chung Văn Tỷ ở Hòn Một, xã Dương Hòa mới thấy sự lo ngại, “đứng ngồi không yên” của người nuôi cá. Ông Tỷ cho biết, đàn cá nuôi đã bỏ ăn 2 ngày nay. Một số cá bơi lờ đờ trên mặt nước và lo ngại nó chết trong những ngày tới, vì nhiều hộ nuôi cá quanh đây đã bị thiệt hại trắng.


Ông Tỷ nói: “Tôi cả đời sống bằng nghề biển, chưa bao giờ thấy tình trạng cá sống tự nhiên ngoài biển chết trắng trong mấy ngày qua, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản tự nhiên rất nặng nề, ảnh hưởng đến người nuôi cá, nghêu, sò trên biển".


Tương tự, ông Dang Sang ở ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa (Kiên Lương) nuôi bãi nghêu, sò ven biển đánh giá ban đầu thiệt hại 80 - 90% và trước nguy cơ chết sạch do loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ này đang tiếp tục chết. Ông Danh Sang chia sẻ: “Với 30 ha nuôi nghêu, sò thả gần 50 tấn giống, cùng với những khoản đầu tư khác, tổng cộng khoảng 1 tỷ đồng coi như cuốn trôi theo sóng biển. Nếu suôn sẻ, không bị sự cố nghêu, sò chết bất thường, vụ mùa này gia đình tôi thu về từ 1,5 tỷ đồng trở lên”.


Trở lại với tình hình các loài thủy sản chết bất thường trong những ngày qua ở vùng ven biển xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, ông Ngô Văn Lũ, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết, ngày 7/5, nhận được tin báo của người dân tại khu vực cầu Tam Bản, ấp Bãi Ớt có hiện tượng thủy sản tự nhiên chết bất thường, xã đã cử người đến hiện trường và báo cáo tình hình với cấp trên.


UBND huyện Kiên Lương thành lập tổ công tác cùng với xã đã ghi nhận hàng loạt diện tích nuôi trồng của xã, các loài thủy sản chết nổi trên mặt nước rất nhiều. Qua quan sát dòng chảy, cũng như tìm hiểu thực tế tại hiện trường và người dân trong khu vực, tổ công tác xác định nguồn nước có độc tố chảy ra từ kênh Tam Bản. Tổ công tác lấy mẫu nước tại 6 điểm trong khu vực gửi đi phân tích, xét nghiệm và đang chờ kết quả.


Cùng với hiện tượng cá tự nhiên ngoài biển chết bất thường, những hộ nuôi cá lồng bè ở khu vực Hòn Một, Mũi Dừa, Hòn Heo và nhiều hộ nuôi nghêu, sò bãi ven biển cũng bị thiệt hại nặng nề. Tiếp đến, khu vực biển cầu Cây Me, diện tích nuôi nghêu và sò lông khoảng 3 ha chết hoàn toàn, với sản lượng hơn 60 tấn; khu vực bãi Chà Và nuôi 15 ha nghêu chết hơn 70%, tương đương 180 tấn; khu vực Hòn Một đến Tà Săng nuôi 540 ha nghêu, sò chết khoảng 70%.


Không những bị thiệt hại nặng nề do cá, nghêu, sò chết bất thường, anh Võ Văn Phúc, ông Chung Văn Tỷ, Danh Sang và các hộ nuôi thủy sản trong khu vực biển lo ngại vùng cá chết bất thường tiếp tục lan rộng gây hại các loài thủy sản, ảnh hưởng bất lợi đến nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.


Được biết, các hộ nuôi tôm trong đất liền cũng không dám bơm nước biển vào ao đầm nuôi tôm. Các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây kiến nghị ngành chức năng tỉnh Kiên Giang sớm vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết bất thường, nhất là phát hiện tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước để ngăn chặn và đề ra các giải pháp khắc phục, hỗ trợ bà con khôi phục lại sản xuất.


Ông Đoàn Hữu Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết đã lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích, xét nghiệm và đang chờ kết quả, đồng thời tiếp tục tìm nguyên nhân gây cá chết, đề ra các giải pháp khắc phục. Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, khảo sát ban đầu của cơ quan chuyên môn bước đầu xác định nguyên nhân thủy sản chết là do nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ, không phải do dịch bệnh.


Chính quyền huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm tạm ngưng việc lấy nước từ khu vực biển có thủy sản chết cấp trực tiếp vào ao nuôi đến khi có thông báo của cơ quan chuyên môn để tránh gây hại tôm nuôi; đồng thời khuyến cáo ngư dân khi phát hiện nguồn nước biển có dấu bất thường như chuyển màu, bốc mùi hôi tanh, chất lơ lửng nhiều, cá chết… kịp thời báo ngay với chính quyền địa phương; không khai thác đánh bắt thủy sản khu vực biển ô nhiễm, cá chết làm thực phẩm hoặc đem bán và hướng dẫn hộ nuôi cá lồng bè chủ động chuẩn bị phương án di chuyển lồng bè nuôi cá đến khu vực an toàn.


Lê Huy Hải (TTXVN)
Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Thanh Hóa
Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Thanh Hóa

Ngày 7/4, Sở NN&PTNT Thanh Hóa ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa năm 2017 tới các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN