Nhiều chùa không thực hiện “dâng sao, giải hạn”

Nhiều người quan niệm, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mạng theo từng năm. Nếu năm nào bị sao xấu chiếu mạng thì năm ấy gặp nhiều tai ương, vận hạn. Để hạn chế các điều xấu đó, không ít người dành nhiều tiền bạc, thời gian để “dâng sao, giải hạn” đầu năm.

Tuy nhiên, việc “dâng sao, giải hạn” không có trong giáo lý nhà Phật. Nếu bản thân có suy nghĩ và hành vi xấu thì có tốn kém công sức, tiền của bao nhiêu cũng không cắt được "sao", không giải được "hạn". Phần lớn các chùa ở Hải Phòng đều không làm dịch vụ này.


Chùa Dư Hàng Kênh Hải Phòng-Ảnh internet


Đây là khẳng định của Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Trụ trì chùa Hàng (một trong những chùa lớn của Hải Phòng), đồng thời là Phó Trưởng ban thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng.

Thượng tọa Thích Quảng Tùng cho biết thêm, trong Phật giáo chỉ có tụng kinh, lễ Phật để tiêu nghiệp chướng, tăng phúc, tăng thọ cho bản thân và gia đình. Nhà Phật cũng quan niệm “gieo nhân nào, gặt quả ấy”, vì thế ai làm việc thiện sẽ gặt hái được điều tốt, làm điều ác sẽ bị quả báo.

Trong các ngày rằm của một năm, Rằm tháng Giêng rất quan trọng vì đây là lễ Thiên Quan (cầu phúc lộc trong năm mới), đồng thời đây cũng là ngày rằm đầu tiên, là dịp để cầu cho quốc thái dân an, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, lộc tài trong cả năm. Nhiều người thường đến chùa kết hợp cầu phúc với giải hạn ách, xui xẻo trong năm.

Thế nên mới có câu “Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Tuy nhiên, để giải trừ tai ách, đạt được phúc đức, theo Thượng tọa thì mọi người nên làm việc tốt, tu nhân, tích đức.

Chúng tôi đã đến một số chùa lớn tại Hải Phòng như: Hào Quang, Phổ Chiếu, chùa Hàng, Hào Khê… và hỏi về dịch vụ “dâng sao, giải hạn”, nhưng tại các địa điểm này đều không xuất hiện bất cứ thông tin, lời mời gọi nào làm dịch vụ của những người bán vàng mã ngoài cổng chùa. Trong các chùa, chỉ có hình ảnh người dân đi vãn cảnh, đến chùa để tụng kinh, niệm Phật.

Ở mỗi chùa đều có cách làm khác nhau giúp người đến chùa hiểu được giáo lý nhà Phật, luật nhân quả như: Treo các bảng giới thiệu về các triết lý quan trọng, có các bức tranh minh họa kiếp trước làm việc xấu, kiếp sau sẽ phải chịu các hậu quả tương ứng. Tại chùa Phổ Chiếu, rất nhiều Phật tử đang tham gia tụng kinh, niệm Phật. Bác Nguyễn Thị Lành, 65 tuổi, một phật tử cho biết, bác chưa bao giờ đi “cắt sao, giải hạn” cả.

Bác tin, làm việc tốt ắt được hưởng phúc phận. Lễ chùa cốt ở thành tâm. Tuần, rằm, bác thường đến chùa để tụng kinh, tham gia làm thiện nguyện, xây dựng cảnh quan cho nhà chùa. Bác cũng hạn chế đốt vàng mã, hương khói khi đến chùa vì thay vào đó là gửi tiền vào các hòm công đức, vừa góp phần xây dựng chùa, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường do khói, rác từ đồ thờ cúng. Cách làm của bác Lành cũng là cách nhiều người đang thực hiện khi đi lễ chùa.

Minh Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN