Nhà nước và nhân dân cùng làm

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện nông thôn mới, nhiều địa phương đã vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng đóng góp, hỗ trợ với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Điều này đã tạo nguồn lực đáng kể vào nguồn kinh phí của địa phương, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Theo Ban Chỉ đạo nông thôn mới (NTM) tỉnh Long An, giai đoạn 2011 - 2014 tỉnh này huy động hơn 16.000 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 38%. Hiện nay, Long An có 8 xã đạt tiêu chí NTM góp phần tăng thu nhập, thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện thu nhập của người dân các xã NTM đạt từ 31 - 41 triệu đồng/người/năm, tăng lên so với mức 20 - 25 triệu đồng/người/năm vào cuối 2013.

Người dân góp công sức và tiền của cùng nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã nông thôn mới Long Mỹ (Vĩnh Long).T.Tuấn



Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết năm 2015 Long An sẽ huy động hơn 4.600 tỷ đồng tập trung xây dựng NTM, trong đó huy động nhân dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh gần 3.000 tỷ đồng, chiếm hơn 52%, để hoàn thành chỉ tiêu 28 xã NTM vào cuối năm 2015.

Theo ông Truyền, việc xây dựng NTM ở tỉnh được vận dụng lấy sức dân là chính và thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không ép buộc; dân tự làm chủ, tự đứng ra xây dựng và tự giám sát quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát. Vốn huy động năm 2015 sẽ tập trung xây dựng nhà ở dân cư, xóa nhà tranh vách lá, xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, chợ nông thôn và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Agribank dẫn đầu về cho vay xây dựng NTM Doanh số cho vay xây dựng NTM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến đầu năm 2015 đã đạt trên 201.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trên 2 triệu hộ sản xuất tại 2.237 xã xây dựng NTM trên toàn quốc được vay vốn từ ngân hàng này. Với kết quả đó, Agribank tiếp tục là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay xây dựng NTM. Hiện Agribank cũng đang không ngừng cải tiến quy trình, thủ tục, đồng thời nghiên cứu, xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm tín dụng theo hướng đơn giản hóa đối với khách hàng và phù hợp với địa bàn nông thôn như: Cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, cho vay lưu vụ, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ…

Trong khi đó, sức mạnh cộng đồng trong việc cùng chung tay thực hiện hiện NTM cũng được khơi thông ở Bạc Liêu. Là địa phương được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) huy động các nguồn lực, mà nổi bật là việc khơi dậy sức dân để cùng thực hiện và tạo được đồng thuận của cả cộng đồng. Theo đó, phong trào người dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng đã lan tỏa rộng khắp nơi với hơn 460.000m2 đất được hiến tặng có trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, trạm cấp nước tập trung, trạm y tế và trường học theo tiêu chí NTM.

Người dân còn đóng góp hơn 20 tỷ đồng và tham gia hàng ngàn ngày công để làm lộ bê tông liền ấp, lộ ngõ xóm. Không chỉ hiến đất, người dân ở huyện Phước Long còn góp sức, góp tiền để cùng chính quyền làm đường, xây cầu nông thôn theo nội dung vận động. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bạc Liêu, sự đóng góp của các thành phần kinh tế xã hội và nhân dân đã góp phần cùng với nguồn vốn đầu tư của trung ương, của tỉnh, giúp cho hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư, nâng cấp. Với sự đầu tư này, chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển đáng kể theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông dân được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất từ khâu nhân giống lúa đến cơ giới hóa sau thu hoạch…

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã được cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai rất tích cực. Hiện nay, theo đánh giá sơ bộ của các địa phương là mỗi tỉnh, thành phố có trên dưới 30 xã đạt chuẩn NTM. Mức độ hoàn thành từng tiêu chí mỗi địa phương có khác nhau do điều kiện kinh tế - xã hội, xây dựng đường giao thông còn phụ thuộc vào địa chất, địa hình nhưng về cơ bản đã đạt được. “Trong quá trình thực hiện, các địa phương đều có bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhưng nguồn lực này không thể bố trí đủ 100% mà phải có sự đóng góp của nhân dân và việc này người dân cũng rất đồng tình ủng hộ”, ông Xuân cho biết. Được biết, nguồn lực huy động của dân ở đây là từ người dân sống tại chỗ và từ nguồn con em của xã đó họ đi làm ăn xa quay về đóng góp cho quê hương. Người dân đóng góp bằng mọi khả năng hiện có: Có người đóng góp bằng tiền, người góp đất và hộ gia đình khó khăn thì đóng góp ngày công lao động. Chính những đóng góp này nên người dân làm chủ trong suốt quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và việc thực hiện rất có hiệu quả, không thất thoát, chất lượng công trình được bảo đảm. “Người dân từng nói là họ rất muốn đóng góp làm nhưng không có người đứng ra tổ chức, nay có nhà nước đứng ra như vậy nên có hiệu quả, hợp lòng dân”, ông Dương Quốc Xuân cho biết.

Anh Đức-M.T
Phấn đấu hết năm 2015 có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Phấn đấu hết năm 2015 có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân cả nước đạt 11 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN