Nhà báo... “nhân dân”

Đó là biệt danh mà bà con xã Quang Hưng (Kiến Xương, Thái Bình) yêu mến đặt cho ông Nguyễn Quang Nghiêm. Mất cánh tay trái vì bom đạn, ông vừa dùng tay phải làm lụng ruộng vườn, vừa đạp xe khắp thôn xóm trong, ngoài huyện để viết báo. Đến nay, ông đã có khoảng 1.000 tin, bài đăng trên các báo, đài trung ương và địa phương.

Đạp xe cà tàng đi tác nghiệp

Nếu không biết trước, có lẽ tôi chẳng thể tin được lão nông ngồi cạnh lúc này là người đã từng có nhiều bài báo viết về tam nông: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đăng trên rất nhiều báo, đài, từ báo Nhân dân, Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Đài Tiếng nói VN… đến báo Thái Bình, Đài Phát thanh Thái Bình, Đài Phát thanh Kiến Xương. Gương mặt ông đen đúa, khắc khổ với chiếc áo bộ đội sờn vai, chiếc mũ cối và chiếc dép lê cũ kỹ. Ông là nông dân tri điền chính hiệu, nhà cấy tới 4 sào lúa, rồi còn nuôi lợn, chăm gà, thả cá. Dù bị cụt mất tay trái, ông vẫn xăm xắn làm lụng giúp vợ bất cứ công việc nào của nhà nông. Ông khoe, năm 1998, một tay ông đào cả cái ao rộng tới 2.100 m2.

Ông Nghiêm tại bàn làm việc của mình.


Ông chỉ ra góc sân, nơi chiếc xe đạp đã bong tróc hết sơn, han gỉ, bảo: “Kia là “bạn đồng hành” của tôi trong suốt những lần đi cơ sở tìm hiểu tư liệu để viết bài đấy”. Ngoài chiếc xe, thì “đồ nghề” còn lại của ông chỉ là chiếc bút, quyển sổ (hoặc có khi chỉ là tờ giấy) đựng trong cái túi cũ kỹ. Những bài báo được ông trình bày nắn nót, đẹp đẽ trên giấy ô ly hoặc giấy A4.

Ông phân trần: Các cậu sướng thật, được đi xe máy viết bài, tôi phải lọc cọc đạp xe đạp. Nếu đi xe máy thì “một tiền gà, ba tiền thóc”, tiền nhuận bút không đủ để nuôi xăng xe. Quả thật, với mức nhuận bút: 60 nghìn đồng/bài trên báo Thái Bình; 8- 10 nghìn đồng/tin trên Đài Phát thanh tỉnh Thái Bình (Đài Phát thanh của huyện còn thấp hơn nữa) thì đi xe đạp là cách lựa chọn hợp lý hơn cả. Tháng “cao điểm” nhất, ông cũng chỉ viết được 4-5 bài, 50 tin. Số tiền còm cõi, lấm láp mồ hôi sau những dặm trường chỉ đủ để ông sửa xe, mua thêm giấy bút.

Bây giờ có tuổi rồi, sức khỏe kém nên ông ít đi hơn ngày trước, và nếu đi, cũng ít đi bằng xe đạp, mà thay bằng xe máy, xe đạp điện, nhưng đi tác nghiệp gần thì ông vẫn trung thành với xe đạp. “Lúc còn sung sức, mắt chưa phải đeo kính, chân chưa chồn như bây giờ, một ngày tôi đạp xe 40- 50 km từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà là chuyện bình thường. Buổi trưa thì tạt vào quán cơm bình dân nào đó dùng tạm bữa”- ông háo hức nhớ lại. Có khi, biết được một sự kiện, nhân vật “nóng” nào đó là sáng sớm hôm sau, không thể đợi lâu hơn, ông lại bươn bả lên đường.

Chuyến đi xa nhất của ông là đi viết về phong trào chuyển đổi trồng dâu vùng đất bãi ở một xã của huyện Tiền Hải. Cả đi và về, ông phải đạp xe tới 60 km. Lúc đến xã thì vào đúng giữa trưa, mặc dù đói meo, nhưng ông phải nói dối là đã ăn cơm rồi, tìm hiểu xong mới yên tâm vào quán phở lót lòng.

“Nhà báo” đi xe đạp, kể ra có khi bất tiện. Ông kể, nhiều lần, đứng trước cổng UBND xã trông khang trang, lịch sự, nhìn lại mình với chiếc xe đạp lọc cọc, ông ngần ngừ rồi đành… gửi xe đạp ở chỗ khác rồi mới đường hoàng bước vào xã.

Đam mê được viết

Sau khi đi bộ đội (từ 1969 đến 1973), ông trở về quê hương với thương tật 3/4. Lúc đó, ông chẳng nghĩ rằng sẽ có ngày mình đi viết báo. Sau khi làm trưởng xóm, nhiều người thấy ông có khẩu khiếu, thế là cử ông lên làm Trưởng Đài truyền thanh xã Quang Hưng (năm 1995). Ông bắt đầu làm quen với báo từ lúc đó. Mối lương duyên của ông với con chữ thấm thoắt đã hơn 10 năm.

Ban đầu, ông viết tin, bài cho Đài Phát thanh xã Quang Hưng, rồi gửi lên Đài phát thanh huyện Kiến Xương, rồi Đài Phát thanh tỉnh. Ông còn nhớ lần đầu tiên ông được nghe bài viết của mình được phát trên Đài Phát thanh Thái Bình. Đó là vào buổi sáng, khi ông đang đạp xe để lo chương trình truyền thanh xã thì nghe tên mình được xướng lên trên đài. Ông nghẹn thở, lập cập xuống xe, dừng lại để nghe hết bài viết rồi cứ thế mừng mừng tủi tủi đến mức không đi xe được nữa, phải dắt bộ đến xã.

“Nhà báo xóm” Quang Nghiêm trên đường đi tác nghiệp.

Thế rồi, được đài phát thanh của huyện, tỉnh tập huấn viết báo, ông viết lên tay hẳn, bút danh Quang Nghiêm dần trở thành một thương hiệu. Ông Quang Liêm, Phó Ban Biên tập Đài Phát thanh Thái Bình đánh giá tin, bài của ông nhanh, chất lượng, đa dạng, cách viết đơn giản, dễ hiểu, không phải biên tập nhiều. Cái tên của ông quen thuộc đến mức, đi đến bất cứ xã nào của huyện Kiến Xương và một vài huyện lân cận, ông chỉ cần xưng Quang Nghiêm thôi, không cần giấy giới thiệu là mọi người đã “à, ồ”, rối rít bắt tay ông. Ông viết bài trên nhiều lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, các phong trào địa phương, những gương người tốt việc tốt, những chuyện chưa được của làng quê… Cách đây không lâu, sau bài viết của ông về thực trạng tỷ lệ sinh đẻ cao tại xã Vũ Bình (Kiến Xương), chính quyền nơi đây đã vào cuộc và sau đó tình hình đã biến chuyển. Kỷ niệm mà ông Nghiêm nhớ nhất đó là bài viết của ông về 5 cha con ở xã Thụy Chính (Vũ Thư) cùng tham gia quân đội. Sau khi bài được Đài Phát thanh Thái Bình phát, 5 cha con trong bài viết đã nằng nặc mời bằng được ông về nhà họ, rồi giết gà thết đãi ông. Nhiều người khi đọc, nghe bài viết của ông còn gọi điện hoặc đến tận nhà báo tin cho ông.

La liệt trên tường nhà ông là Giấy khen cộng tác viên xuất sắc của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện. Suốt nhiều năm nay, chưa ai phá nổi danh hiệu: Cộng tác viên trong tỉnh có bài viết sử dụng nhiều nhất trên sóng phát thanh tỉnh, huyện của ông.

Ông bảo cái nghề báo này nó lạ lắm, không như làm ruộng, cày cuốc là cứ thế mà… cày cuốc, còn nghề này, có bài 15 phút là viết xong, có bài thì viết đi viết lại mãi không được, có bài viết xong rồi thì đành xé đi vì đọc lên thấy… nhạt. Điều tôi thấy phục ông là ông chuẩn bị tư liệu rất có nghề, bài bản. Chính vì vậy mà nhiều khi ông “đón lõng” được sự kiện, “trình” bài viết mang tính thời sự còn nhanh hơn cả phóng viên của báo.

Bà Trần Thị Vân (vợ ông Nghiêm) góp chuyện: “Chả biết tại sao nhà lại “nảy nòi” ông ấy đi viết báo. Bài nào của ông ấy tôi cũng đọc. Kể ra thì ông ấy viết, tôi đọc thấy…. được”.

Ông Nghiêm tâm sự: “Dù nhiều bài không đăng nhưng mà tôi cứ đam mê viết, viết đến khi nào yếu quá, không viết được nữa thì thôi. Chỉ cần được mọi người gọi là “Nhà báo xóm” là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi”.

Nhân Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN