Nguy cơ cháy Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau vào mùa khô

Mùa khô bắt đầu từ thời điểm tháng 11 năm trước và kéo dài cho đến hết tháng 5 năm sau. Để bảo vệ trên 45.000 ha rừng tràm ở Cà Mau được "bình an", Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường phòng chống cháy rừng mùa khô, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; đặc biệt là có giải pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau.

Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích trên 8.500 ha. Do xung quanh được bao quanh bởi diện tích đất nông nghiệp và rừng của các hộ dân cư vùng đệm, nên thường xảy ra việc đốt đất sản xuất nông nghiệp, đốt bờ làm nương rẫy gây ảnh hưởng tới phòng chống cháy rừng. Việc một số người dân vi phạm vào rừng săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt cá và lấy mật ong cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trong mùa khô hàng năm.


Anh Nguyễn Văn Liêm, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia U Minh Hạ chia sẻ, gần 30 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng nên anh có thừa kinh nghiệm trong việc phòng chống cháy rừng. Theo anh Liêm, mỗi cán bộ kiểm lâm phải hết sức năng nổ trong việc tuần tra, kiểm tra; thường xuyên luồn rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vào rừng cấm săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Vườn Quốc Gia U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Ngoài biện pháp xử lý hành chính, người dân cũng cần được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng. Thêm nữa, khi bước vào cao điểm mùa khô, tất các kiểm lâm viên cần làm tốt nhiệm vụ canh lửa giữ rừng, nhằm phát hiện sớm những vị trí xảy ra cháy, sau đó nhanh chóng báo động đến Ban Chỉ huy phòng chống cháy của Vườn quốc gia U Minh Hạ để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để lửa bùng phát cháy lan ra diện rộng.


Chỉ tay về hướng chòi quan sát lửa rừng có độ cao chót vót trên khoảng không, anh Nguyễn Đình Dũng, Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm Kênh Đứng chia sẻ: ‘‘Mấy anh em kiểm lâm nơi đây trông rất khỏe khoắn, ai cũng có khả năng leo trèo giỏi. Suốt cả mùa khô, mỗi kiểm lâm viên luân phiên trèo lên chòi ‘‘canh lửa’’ với tần suất vài chục lần..."


Với thâm niên hơn 20 năm làm cán bộ kiểm lâm, anh Đặng Văn Xê, bộc bạch: ‘‘Do bám trụ suốt thời gian dài trong rừng để làm nhiệm vụ canh lửa, nên chuyện thiếu nước dùng cho tắm giặt, nấu ăn xảy ra như cơm bữa, lâu rồi cũng quen dần với nếp sống trong rừng. Đôi lúc anh em còn bị thú dữ tấn công..."


Vườn quốc gia U Minh Hạ được UBND tỉnh đầu tư kinh phí hoạt động và mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác bảo vệ rừng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/năm. Đến nay, đơn vị đã có đủ năng lực quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng mùa khô.


Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc, Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết trong thời gian tới, đơn vị cần tiếp tục được đầu tư thêm kinh phí để mua sắm thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu bố trí mạng lưới phòng cháy chữa cháy trên toàn khu vực lâm phần có diện tích rộng lớn. Với thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, gây ảnh hưởng lớn tới bảo vệ, phòng chống cháy rừng mùa khô.


Năm 2016 diễn ra hiện tượng El Nino, nắng nóng dai dẳng, hạn hán khốc liệt khiến toàn bộ diện tích rừng tràm bị rình rập trước nguy cơ cháy nên phải chuyển sang cấp độ dự báo cháy cực kỳ nguy hiểm. Các tuyến kênh trữ nước phục vụ chữa cháy rừng trên toàn lâm phần đều trơ đáy, bị đọng nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng.


Mùa khô vừa qua, việc quản lý và bảo vệ rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, nhưng vẫn để xảy ra 2 vụ cháy rừng do nguyên nhân sét đánh, làm thiệt hại hơn 16,8 ha rừng ở khu vực phục hồi sinh thái.


Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc, Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết, hàng năm, Ban Giám đốc Vườn đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý bảo vệ rừng, xây dựng và triển khai phương án phòng chống cháy rừng mùa khô đến từng cán bộ, kiểm lâm viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm phát huy tốt sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân; trong đó, vận dụng phương châm bốn tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong thực hiện phòng chống cháy rừng mùa khô.


Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giải pháp giữ rừng hiệu quả nhất vẫn là việc phòng cháy hơn chữa cháy. Cán bộ kiểm lâm, chủ rừng và người dân cần phối chặt chẽ trong công tác bảo vệ rừng thì mới giữ được rừng. Tuy nhiên, nếu xảy ra cháy thì phải được lực lượng giữ rừng phát hiện sớm và nhanh chóng huy động lực lượng tiếp ứng để đập tắt mũi cháy bằng hình thức chữa cháy trực tiếp hoặc gián tiếp.


Với vùng đất than bùn sẽ gây nhiều khó khăn cho chữa cháy rừng nên cần xử lý bằng cách xây dựng đường băng cản lửa được đào tối thiểu dưới lớp than bùn có độ sâu 0,5 m, kết hợp phát dọn đường băng trắng rộng từ 30 – 50 m, dùng lực lượng thủ công hoặc Kobe và bố trí lực lực lượng canh giữ đến khi lửa tắt hoàn hoàn không còn ngún. Ngoài việc chữa cháy rừng cũng cần chú trọng tới bảo vệ hiện trường để thu thập tang vật và nắm bắt thông tin cần thiết nhằm cung cấp cho cơ quan chức năng có cơ sở điều tra kết luận đối tượng vi phạm.


Giải pháp có hiệu quả và tác dụng lớn phải kể đến việc tuyên truyền giáo dục, vận động trên 5.000 hộ dân sống trong khu vực rừng tràm và vùng đệm thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời thực hiện ký cam kết tham gia bảo vệ rừng, tích cực tham gia phòng chống cháy rừng. Người dân không tự ý đốt đồng, bờ đất làm nương rẫy; tuyệt đối không vào rừng cấm để săn bắt động vật hoang dã, lấy mật ong trái phép rồi bất cẩn làm rơi lửa gây ra các vụ cháy rừng.


Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đến sinh kế của người dân vùng rừng; phát triển nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như trồng rừng thâm canh, trồng keo lai, trồng lúa, trồng màu, cây ăn trái, nuôi cá đồng…Khi đời sống của người dân thực sự được cải thiện nâng cao thì rừng sẽ được quản lý bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng cũng được hạn chế đến mức thấp nhất.


Phòng chống cháy rừng mùa khô có ý nghĩa bảo tồn tất cả loài động vật, thực vật quý hiếm và nguồn tài nguyên than bùn quý giá được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho tỉnh Cà Mau. Không chỉ có vậy, Vườn quốc gia U Minh Hạ còn trở thành địa danh nổi tiếng thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của khu rừng tràm nguyên sinh đã được Tổ chức UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây còn là địa chỉ rất lý tưởng để các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu bảo tồn gen các loài thực vật, động vật hoang dã có trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.


Kim Há/TTXVN
 Phối hợp để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả
Phối hợp để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả

Thời gian gần đây, các khu rừng giáp ranh giữa địa bàn hai tỉnh Kon Tum – Gia Lai đang bị “lâm tặc” tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối gỗ được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ, hàng chục vụ việc xâm phạm rừng nghiêm trọng bị phát giác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN