Người về hưu mong muốn tăng lương hưu từ 1/7

Sau khi những thông tin về đề xuất tăng lương hưu cùng với cải cách tiền lương từ 1/7/2024, nhiều người về hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 mong muốn lương hưu được cải thiện trước sự tăng cao của giá sinh hoạt.

Tâng mức tương xứng

Về mức lương hưu hiện nay, bà Phạm Lan (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: Lương hưu của cán bộ nhân viên ở nhà máy xe đạp bà từng làm, chỉ tầm hơn 3 triệu đồng. Mức lương hưu này so với chi phí sinh hoạt tại đô thị sẽ khá chật vật, nhất là tuổi già hay ốm đau. Do đó, tăng lương hưu từ 1/7/2024 khiến  bà rất mừng. Nếu được tăng ở mức 15% sẽ giúp người hưu trí đỡ khó khăn hơn.

Chú thích ảnh
Lao động trong lĩnh vực dệt may. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Văn Sáu (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 76 tuổi, về chế độ mất sức từ năm 1994 cho biết, trong 3 năm qua, tiền trợ cấp tăng từ 1,1 triệu đồng lên trên 1,5 triệu đồng/tháng, nay lại sắp được tăng lương hưu, ông rất vui. “Tăng lương hưu có thêm được đồng nào hay đồng đó, hỗ trợ thêm cho chúng tôi”, ông Lê Văn Sáu chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Hồng Lĩnh (Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng, theo dõi qua báo chí và tổng hợp từ ghi chép sổ hưu qua các năm cho thấy, việc điều chỉnh tăng lương hưu và tăng lương của cán bộ, công chức, viên chức ở mức tương đương nhau. Từ năm 2016 đến năm 2023, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng vào 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng. Do đó, người về hưu mong mức tăng lương hưu điều chỉnh hai hoà giữa trước và sau ngày 1/7/2024.

Nhiều người dân cho rằng, việc tăng lương hưu cần chú ý đến nhóm lương hưu thấp, nhất là giai đoạn trước năm 1995.

Đánh giá tác động tăng lương hưu

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. ngày 1/7/2024, việc cải cách tiền lương sẽ được triển khai, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Cùng với việc tăng lương cho công chức viên chức, gần 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất quan tâm đến mức điều chỉnh lương hưu tới đây.

Để có đánh giá tác động cải cách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và các đối tượng khác, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ về vấn đề này.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, mức điều chỉnh lương hưu năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10%, ở thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực Nhà nước. Do đó, cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8%. Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.

Trong khi đó, liên quan tới cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Bộ LĐTBXH đề xuất mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu 15%.

“Khi thực hiện cải cách tiền lương, người lao động nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những đối tượng này không bị thiệt thòi”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Còn Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW...

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho hay, nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là dựa trên yếu tố như giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và tăng lương chung. Sở dĩ lương hưu hay điều chỉnh gắn với tăng lương chung do xuất phát từ nguyên lý đóng - hưởng, chia sẻ của bảo hiểm xã hội. Về hai mức tăng hưu trí được đề xuất trên, theo quan điểm của bà Hương, mức đề xuất tăng 15% như Bộ LĐTBXH nêu là phù hợp. Ngoài ra, bà Lan Hương lưu ý cần đặc biệt chú ý đến những nhóm đang có lương hưu thấp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân phân tích: Ý kiến mỗi bên đều có cơ sở. Bộ LĐTBXH muốn mức tăng cao hơn vì lương hưu thấp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện theo Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội nhưng từ trước đến nay đều điều chỉnh lương hưu ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng lương của cán bộ công chức, viên chức. Cho nên, tới đây, cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao.

XM/Báo Tin tức
Kết nối việc làm ven đô Hà Nội
Kết nối việc làm ven đô Hà Nội

Ngày 16/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức Phiên giao dịch, tư vấn việc làm năm 2024, với 1.820 chỉ tiêu tuyển dụng và tuyển sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN