Người thầy thuốc tận tâm với sáng kiến “Ngân hàng máu sống”

Nhắc đến GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, không chỉ các bệnh nhân của ông, mà từ các bạn trẻ tham gia hiến máu tình nguyện đến nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo; cũng thầm yêu mến và kính trọng, bởi ông là người đã tìm ra cách cứu sinh mạng con người nơi vùng khó bằng một sáng kiến tuyệt vời: “Ngân hàng máu sống”.

Từ những trăn trở

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp GS.TS Nguyễn Anh Trí là nụ cười hiền từ, cách nói chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm, khiến ai tiếp cận cũng đều có cảm giác ấm áp, gần gũi lạ thường. 

Bằng tất cả sự tâm huyết của một người thầy thuốc, GS.TS Nguyễn Anh Trí luôn nỗ lực đi đầu trong công tác nghiên cứu, tìm ra những phương pháp hiện đại nhất để chữa trị những căn bệnh về máu. Ông cũng được giới chuyên môn đánh giá là người đã đưa khoa học truyền máu của Việt Nam tiến những bước dài.

GS. TS Nguyễn Anh Trí cũng thường xuyên hiến máu tình nguyện.

Trong những công trình khoa học của ông, việc xây dựng được mô hình “Ngân hàng máu sống” tại những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, có ý nghĩa vô cùng lớn, giúp cho nhiều ca bệnh nguy hiểm được cứu chữa kịp thời, nâng cao trình độ y tế tại các vùng khó. Đây cũng là một thành tựu nổi bật nhất nằm trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” nằm trong danh sách được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đợt 5 năm 2016.

GS. TS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Khoảng năm 2009, trong một lần tới Côn Đảo dự hội thảo về công tác hiến máu nhân đạo, tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện khó khăn về y tế ở nơi đây. Đặc biệt khi nghe vị Chủ tịch huyện băn khoăn về việc chưa tìm ra cách đảm bảo nguồn máu dự trữ trên đảo, nhiều ca bệnh vì không có máu cấp cứu kịp thời, đành phải chịu bó tay, tôi cảm thấy rất trăn trở và suy nghĩ vì đây cũng là tình trạng chung ở những vùng sâu, vùng xa. Cuối buổi hội thảo hôm ấy, trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng: Tại sao không xây dựng một ngân hàng máu sống bằng những người có nhóm máu 0? Nguồn máu dự trữ không ở đâu xa mà ở chính trong người dân nơi đây và việc này phải làm ngay. Nghĩ vậy, tôi liền lấy tờ giấy và ghi lại những ý tưởng đó trong đầu, vạch ra những cách làm cơ bản và bàn với đồng nghiệp về khả năng sẽ triển khai thử nghiệm”. 

Ngay sau đó, GS.Trí đã cùng đồng nghiệp bắt tay vào làm. Ông cũng xác định, để làm được thì phải đến trực tiếp từng nơi vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, trước hết là vận động lực lượng thanh niên để họ đăng ký. Thực tế, nguồn máu sống dự bị tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo chỉ cần đáp ứng 2 yếu tố: Người hiến có nhóm máu 0 và chỉ cần số người hiến chiếm 1 - 5% dân số là có thể đảm bảo. Nơi đầu tiên triển khai cũng là tại Côn Đảo, rất may là người dân đã hưởng ứng nhiệt tình. Dân số ở Côn Đảo có khoảng 6.000 người thì ngay từ đầu đã có khoảng 400 người đăng ký, sau khi khám để phân loại nhóm máu và phát hiện các bệnh, đã chọn ra được hơn 40 người có đủ điều kiện cả về sức khỏe và tinh thần để lên danh sách nguồn máu dự bị và sẵn sàng cho máu bất kỳ lúc nào khi được gọi. 

Sau khi thực hiện thành công nguồn máu dự bị tại Côn Đảo, GS Trí lại miệt mài cùng các đồng nghiệp lặn lội đến những hòn đảo khác, lên những vùng xa xôi, khó khăn để tiếp tục “mở” ngân hàng máu sống. Có những nơi vừa làm xong đã thấy ngay kết quả. 

“Tôi vẫn còn nhớ lần lên Đồng Văn, Hà Giang để xây dựng nguồn máu dự bị. Sau khi vừa hoàn thành và trao xong danh sách những người hiến máu dự bị cho địa phương, khi đang trên đường ra về thì bỗng nhận được thông tin có 2 trường hợp cấp cứu đang cần máu gấp, trong đó có trường hợp sản phụ bị băng huyết. Nhận được thông tin, chúng tôi lập tức quay lại, liên hệ với địa phương và huy động 2 người trong số danh sách những tình nguyện viên đã đăng ký hiến máu. Rất nhanh chóng, khẩn trương và cũng may mắn là đã huy động được, nhờ vậy đã có ngay người cho máu đến để nằm xuống truyền máu trực tiếp và cứu được cả 2 trường hợp mà không phải đưa tới bệnh viện ở xa”.

Những ca cứu người trong gang tấc tưởng chừng khó thực hiện trước kia giờ đã có thể thành công nhờ sáng kiến tưởng chừng rất đơn giản mà hiệu quả. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần, là động lực để GS.Trí cùng các đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực đưa mô hình “ngân hàng máu sống” đến những vùng khó khăn. Nhờ vậy, đến nay mô hình “Ngân hàng máu sống” đã được thực hiện tại 20 địa điểm trên đất liền như: Đồng Văn (Hà Giang), Điện Biên Đông (Điện Biên)… và 15 đảo như: Cồn Cỏ, Phú Quốc, Bạch Long Vỹ, Cát Bà…

Ngân hàng của sự sống

Việc xây dựng “Ngân hàng máu sống” tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo là vô cùng cần thiết và đã trở thành phương án giải quyết cho rất nhiều vấn đề khó khăn trong điều kiện đi lại, kinh phí lưu trữ, bảo quản máu dự trữ cứu người. Vì ở những khu vực này, tuy chỉ cần số lượng máu dự trữ rất ít nhưng khi đã cần thì lại rất cần, nếu không có máu kịp thời là bệnh nhân dễ tử vong. Chẳng hạn, một sản phụ bị băng huyết ở Điện Biên Đông, nếu phải đi 90 km ra tới bệnh viện để máu truyền thì không thể làm được; hay với các trường hợp cần máu cấp cứu ngoài hải đảo thì cũng đành bó tay vì không phải lúc nào cũng có tàu thuyền ra vào để đưa vào đất liền cấp cứu nhưng nếu có người nằm xuống để truyền máu trực tiếp là có thể cứu được ngay.

“Nếu không có “Ngân hàng máu sống”, việc đảm bảo nguồn máu dự trữ ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo là rất khó thực hiện. Vì nếu dùng tủ lạnh để bảo quản máu thì phải cần tới hàng nghìn chiếc tủ lạnh, trong khi nhiều vùng thậm chí còn chưa có điện. Đấy là chưa kể, bảo quản lạnh đã khó, khi cần dùng làm tan đông lại cần những kỹ thuật càng khó hơn, kinh phí để bảo quản thì rất lớn mà việc lưu trữ máu cũng chỉ trong 35 ngày, nếu không dùng là phải hủy. Trong khi đó, việc duy trì “ngân hàng máu sống” chẳng hề tốn kém chi phí, lại luôn đảm bảo có nguồn máu tươi, chất lượng và có thể đáp ứng bất cứ lúc nào. Còn những người hiến máu tình nguyện, họ cũng không cần gì cả, chỉ cần được thường xuyên kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần là có thể đảm bảo”, GS.Trí cho hay.

GS.Trí vẫn còn nhớ mãi khi ông xây dựng xong đội hiến máu dự bị và trao nguồn máu này cho bệnh viện tại đảo Lý Sơn. Buổi lễ diễn ra thật đơn giản vì chỉ là trao danh sách, không phải là những thiết bị, hay phương tiện, máy móc nào. Đơn giản thế, nhưng khi cầm danh sách đó trên tay, giám đốc bệnh viện đã ứa nước mắt. Ông nói với GS. Trí: “Thầy ạ, thế là từ nay chúng tôi đã có thể mổ cho bệnh nhân rồi”. Ông xúc động bởi bệnh viện tại đảo Lý Sơn vốn đã được trang bị các đầy đủ từ các thiết bị y tế hiện đại đến trình độ cán bộ y tế được đào tạo bài bản nhưng từ trước tới nay mới chỉ dám làm những ca không cần máu như trích, mổ ruột thừa, chưa dám thực hiện nhiều ca mổ lớn vì không có máu dự trữ. Nhờ nguồn máu sống này đã đưa y tế ở đây phát triển hẳn lên. 

Những cách làm tưởng chừng đơn giản nhưng nó là tất cả tâm huyết, sự nỗ lực của một người thầy thuốc luôn hết lòng vì sự nghiệp cứu người. Bởi với GS Trí, tài sản của ông ở ngân hàng đặc biệt này chẳng phải là tiền của hay thứ gì khác mà nó là thứ cao quý hơn tất cả, đó mạng sống của con người. 
Tạ Nguyên
“Cái nôi” của phong trào  hiến máu tình nguyện
“Cái nôi” của phong trào hiến máu tình nguyện

Trong cái rét buốt của mùa đông hay cái nắng gắt oi ả của mùa hè, người dân Thủ đô thường gặp những thanh niên tình nguyện miệt mài tuyên truyền,vận động hiến máu trên từng con đường, ngõ phố; hay hình ảnh của hàng ngàn bạn trẻ, người dân xếp hàng chờ đợi từng giờ để “trao đời sự sống”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN