Người lao động di cư khó tiếp cận bảo hiểm tự nguyện

Ngày càng nhiều lao động tự do lên thành phố làm những công việc nặng nhọc như bán hàng rong, chăm sóc người bệnh, xây dựng... Tuy nhiên, phần lớn người lao động tự do hiện nay khó tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.

Thiếu thông tin


Theo khảo sát mới đây của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) tại phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) về mức độ tiếp cận an sinh xã hội của nhóm lao động di cư bán hàng rong và đồng nát cho thấy, có tới hơn 55% quan tâm tới dịch vụ và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe (SKSS), tư vấn và mua BHYT tự nguyện (48,1%), thấp nhất là dịch vụ tư vấn, mua BHXH (25,5%).

Giao dịch tại BHXH Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc


Như trường hợp của chị Đỗ Thị Hiền (Xuân Trường, Nam Định) lên Hà Nội làm nghề thu mua đồng nát hơn 5 năm nay. Đã có tuổi, nên mỗi năm chị Hiền cũng phải đi khám chữa bệnh đôi ba lần. Mỗi lần như vậy, chị Hiền tiêu tốn khoảng 1,5 triệu đồng. “Đây là số tiền lớn với những người thu mua đồng nát như chúng tôi khi đi khám bệnh. Trong khi bệnh thì không thể không chữa. Chúng tôi rất muốn có BHYT để đỡ chi phí những lúc ốm đau, nhất là lúc bệnh nặng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết mua ở đâu. Nếu mua BHYT ở quê thì mỗi lần ốm đau phải về quê khám bệnh trong khi tôi lại đang làm việc chủ yếu tại Hà Nội. Còn nếu mua ở Hà Nội thì không biết mua ở đâu và phải kê khai thủ tục tạm vắng, tạm trú với chủ nhà trọ rất phiền phức”, chị Hiền chia sẻ.

Tương tự, anh Hoàng Văn Hiền quê Lương Sơn (Hòa Bình) đang làm nghề xây dựng tại Hà Nội, dù rất muốn mua BHYT, nhưng cũng không biết mua ở đâu. “Lần tôi bị tai nạn lao động, khi vào viện cấp cứu mới thấy có BHYT sẽ đỡ hơn rất nhiều. Gần đây, được tổ trưởng dân phố giải thích về BHXH tự nguyện, để sau này hết tuổi lao động sẽ có tiền như lương hưu, tuy nhiên thông tin giải thích cũng khá mơ hồ. Đơn cử như tôi đóng 300.000 đồng mỗi tháng thì sau này tôi được hưởng bao nhiêu thì tôi không rõ”, anh Hoàng Văn Hiền chia sẻ.

Không chỉ khâu tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội như BHYT, BHXH tự nguyện khó khăn, chất lượng dịch vụ BHYT cũng khiến nhiều lao động tự do phải e dè. Chị Thu Hiền, quê Hà Nam, làm nghề bán hàng rong tại Hà Nội, cho biết: “Tháng trước, tôi đưa con đi khám chảy máu dạ dày. Dù đi khám tình trạng cấp cứu nhưng tôi bị xếp vào dạng vượt tuyến trung ương nên chỉ được thanh toán 40% viện phí. Đó là chưa kể khám bằng BHYT, bác sĩ khám chậm và không được tận tình. Cứ nói đến khám BHYT là có cảm giác bị coi thường. Mua BHYT để khám những lúc bệnh nặng, còn bệnh nhẹ nhiều khi không muốn đi khám hoặc khám dịch vụ cho nhanh”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Giới, gia đình và phát triển cộng đồng chia sẻ: “Đến chúng tôi khi vào làm việc có hẹn trước với cơ quan chức năng của phường còn khó thì người lao động di cư tự do càng khó hơn. Cách làm việc của các cơ quan chức năng cấp phường, xã càng khiến người lao động di cư tự do tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó dịch vụ cơ bản như BHYT, BHXH”.

Có phương pháp hỗ trợ

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 7 triệu lao động di cư ra thành phố làm việc. Tỷ lệ này còn gia tăng với tốc độ đô thị hóa nhanh và kèm theo đó là các hệ lụy về các vấn đề an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết: “Lao động di cư tự do là nhóm có nguy cơ tổn thương cao. Do vậy, BHYT và BHXH là nhu cầu chính đáng của lao động di cư. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin với nhóm này rất hạn chế. Khảo sát cho thấy gần 92% chưa từng biết đến Luật BHXH và hơn 93% chưa từng biết đến Luật BHYT”.

Đây là khoảng trống đối với lao động di cư bởi đây là đối tượng có công việc không ổn định, lại thường xuyên gặp rủi ro. Do đó, khi triển khai chính sách BHYT, BHXH tự nguyện cần có sự đơn giản trong thủ tục để người lao động di cư dễ tiếp cận mua cũng như khám chữa bệnh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc truyền thông theo nhóm. “Kết quả khảo sát, có tới hơn 40% người lao động di cư cho rằng chủ nhà trọ là nguồn cung cấp thông tin gần gũi; hơn 22% là chọn tổ dân phố và chỉ có hơn 11% lựa chọn cán bộ UBND phường”, bà Nguyễn Thu Giang chia sẻ.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: “BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn tới các BHXH địa phương đơn giản hóa thủ tục cho người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, người làm BHXH tuyến cơ sở cũng phải thay đổi cung cách phục vụ để người dân tiếp cận BHYT dễ dàng hơn”. Còn theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), lao động tự do là nhóm đối tượng hướng tới của BHXH tự nguyện, Nghị định về BHXH tự nguyện đang xây dựng cũng có những quy định hỗ trợ với những đối tượng này. Nghị định đang lấy ý kiến tham khảo của các bộ, ngành hữu quan và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 7 tới.
Xuân Minh
Trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế
Trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN